Bộ Xây dựng: Số doanh nghiệp địa ốc ngừng hoạt động tăng
Quý I, số doanh nghiệp địa ốc giải thể, ngừng kinh doanh tăng mạnh còn số lập mới giảm sâu.
Tại họp báo chiều 24/4, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, các doanh nghiệp địa ốc vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt tăng 30% và 61%.
Các sàn giao dịch địa ốc cũng chung cảnh ngộ khi 30-50% sàn phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động so với quý trước. Số môi giới hoạt động cũng chỉ còn 30-40% so với đầu năm 2022. "Đây là giai đoạn thách thức với những đơn vị không đủ năng lực cạnh tranh nhưng cũng là cơ hội để họ chuyên nghiệp, phát triển bền vững hơn", ông Hải nói.
Nguyên nhân khiến ngành địa ốc lao đao trong quý này không khác nhiều so với nhận định được Bộ Xây dựng đưa ra các tháng trước. Các doanh nghiệp vẫn đang phải thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu nợ, thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất, tinh giản bộ máy.
Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn vẫn chưa có cải thiện dẫn đến dự án phải giãn tiến độ, thậm chí dừng triển khai. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng cũng tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, thủ tục cho các dự án; sớm thẩm định, phê duyệt các quy hoạch liên quan; Sớm ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Bộ Xây dựng cũng sẽ sớm hoàn thiện điều kiện, tiêu chí doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để làm cơ sở cho địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phù hợp; ngân hàng áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.
Hôm 12/4, Chính phủ đã ban hành hành Nghị quyết 33, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Đơn cử, những doanh nghiệp địa ốc khó khăn sẽ được giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Các dự án đáp ứng được nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, được tạo điều kiện cho vay vốn. Những dự án có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.
Trước các động thái gỡ khó của Chính phủ, một số chuyên gia đã dự báo từ quý IV/2023, đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn khi các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả
Còn đầu năm nay, khi nhìn nhận về thị trường các doanh nghiệp địa ốc đã tính toán phương án kinh doanh thận trọng, phòng thủ để giảm rủi ro. Ví dụ, giảm lượng vốn đầu tư, giảm tốc độ thi công dự án để tránh áp lực dòng tiền.
Đức Minh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận