24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tuấn Việt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) hỏi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc livestream bán hàng trên mạng xã hội, TikTok, doanh thu bán hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy làm thế nào để quản lý chất lượng và đảm bảo quyền lợi khách hàng?

Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên là thành viên thứ 2 của Chính phủ "đăng đàn" trả lời chất vấn sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ

Phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có hơn 110 lượt đại biểu đặt câu hỏi.

"Chia lửa" cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Livestream bán hàng thu cả trăm tỷ nếu vi phạm sẽ chuyển hồ sơ

Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) chỉ ra thực tế hiện nay các đơn hàng thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử, được chuyển qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển, mở đơn hàng. Trong khi đó chế tài xử lý với sàn thương mại điện tử chưa có.

Đặc biệt là những người kinh doanh livestream ở thành phố lớn, hàng hóa để ở áp sát biên giới, khi được thông quan, vận chuyển qua chuyển phát nhanh. Vậy vướng quy định Luật Bưu chính viễn thông kiểm tra hàng hóa là không bắt buộc, nên việc xử lý gặp khó khăn.

"Việc xử lý không chỉ của ngành công thương mà còn các bên, vì đơn vị sở hữu nền tảng đó, thậm chí còn ở nước ngoài, nên giải pháp thế nào để khắc phục triệt để tình trạng này, tôi mong muốn bộ trưởng cho biết thêm", ông Hạ đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) nhắc lại câu hỏi về việc livestream bán hàng trên mạng xã hội, TikTok, doanh thu bán hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy làm thế nào để quản lý chất lượng và đảm bảo quyền lợi khách hàng? Giá bán qua livestream đang rẻ hơn giá bán thông qua các đại lý, gây hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả.

"Giải pháp nêu ra là xóa trang này, nhưng có thể lập trang mới lại rất dễ dàng. Chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì làm sao giải quyết được dứt điểm vấn đề. Nếu ta đi không đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn luôn đuổi theo ma hồn trận rất khó khăn mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu. Vậy với livestream vừa rồi bộ có biết không, nhận định đó là thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi thế nào, có kinh nghiệm quốc tế gì và bộ đã tham khảo chưa", ông Nghĩa nói.

Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, quản lý livestream là thực sự khó khăn. Để quản lý được không chỉ là trách nhiệm ngành công thương mà còn nhiều ngành như thông tin truyền thông, tài chính…

Giải pháp tốt nhất là có sự phối hợp giữa các bộ ngành và Bộ Công Thương chủ trì phối hợp, lực lượng quản lý thị trường đấu tranh và làm rõ hành vi sai phạm, tìm các địa điểm đối tượng này tập kết hàng hóa, giao dịch, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan chức năng, chống thất thu thuế. Hoạt động này biến hóa khôn lường, nên quy định pháp luật cần tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp vì đây là lĩnh vực mới.

Thương mại điện tử của ta phát triển rất mạnh, quy mô thương mại 21 tỷ USD, nên trong tương lai phát triển mạnh nữa và cơ chế chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện.

Cùng đó cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Vì mua bán giao dịch cuối cùng cũng không thể loại được lưới trời, vai trò quản lý của chính quyền địa phương xem xét xử lý ban đầu và sự theo dõi của người dân. Nếu chứng minh được vi phạm pháp luật sẽ xóa vĩnh viễn trang này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Với câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, với những trường hợp phát hiện vi phạm sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Để quản lý hoạt động livestream, sẽ phải phối kết hợp lực lượng chức năng, rà soát quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông, người tiêu dùng nhận thức và tránh hiện tượng như vậy.

Mỗi tháng Việt Nam có 1 tỉ USD hàng nhập khẩu trên 4 sàn TMĐT

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay trong thương mại điện tử Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn.

Cụ thể người tiêu dùng đối mặt với mất dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượng, đã, đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng cả doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng.

Thêm vào đó, theo bộ trưởng, thất thu thuế không thể không thừa nhận còn tỉ lệ đáng kể.

Ông nói về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, đúng là có việc lộ lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, dù không được phổ biến. Thời gian qua bộ đã nhận diện rõ và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật.

Trong đó, bổ sung nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn an ninh người tiêu dùng. Luật có hiệu lực từ 1-7-2024 và hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng trên.

Bộ trưởng cũng thông tin thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt có Bộ Công an để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử. Đẩy mạnh truyền thông các quy định pháp luật. Yêu cầu tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin. Bên cạnh đó, yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Ông nhấn mạnh đại biểu nói rất đúng về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua thương mại điện tử thâm nhập vào thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đã thường xuyên khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời về việc bán hàng qua livestream.

Thời gian tới, bộ trưởng nêu rõ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Theo đó, tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Theo quy định hiện hành, với hàng dưới 1 triệu đồng không bị áp thuế VAT, thuế nhập khẩu. Qua theo dõi, có 4 sàn lớn nước ngoài đang khai thác ở Việt Nam, mỗi tháng có 1 tỉ USD hàng nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng thuế lớn thất thoát nếu không điều chỉnh quy định.

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.

Về chống thất thu thuế, bộ trưởng nói qua thương mại điện tử đã giao dịch số tiền rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỷ USD. Vì vậy, việc nộp thuế trong lĩnh vực này năm 2023 là gần 100.000 tỷ đồng, tăng gần 16,1% so với 2022. Tuy nhiên, còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ kiểm tra những người livestream thu cả trăm tỷ
Đại biểu Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu vấn đề, cần làm rõ tình hình xây dựng, ban hành chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ông nói theo quy định, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì quản lý trong lĩnh vực thuế, nên bộ đã tích cực phối hợp với ngành thuế, Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website, gần 300 ứng dụng sàn thương mại điện tử để rà soát, tăng cường quản lý thuế.

Thời gian tới bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6/2024.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

Bộ trưởng cho biết để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trả lời câu hỏi về lo ngại lợi dụng biện pháp công khai danh sách các website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm, có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, bộ trưởng cho biết bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể.

Trong đó, chỉ công khai các website có trên 5 ý kiến phản ánh kèm theo thông tin đầy đủ về người phản ánh. Yêu cầu các website bị phản ánh phải giải trình, xác minh rõ nội dung phản ánh mới đăng tải công khai danh sách trên cổng. Như vậy sẽ hạn chế tối đa đối thủ lợi dụng nói xấu nhau.

Thời gian tới, bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp như đẩy mạnh xử lý khiếu nại của người tiêu dùng trực tuyến, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả