Bộ trưởng Ngoại giao: 'Không có việc nhẹ lương cao'
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định không có việc nhẹ lương cao, tất cả những lời dụ dỗ lao động toàn theo con đường vi phạm pháp luật.
Chiều 18/3, tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận được nhiều câu hỏi về việc giới trẻ bị lừa đi làm việc ở nước ngoài với chiêu trò "việc nhẹ lương cao".
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng lo ngại nhiều thanh thiếu niên, nhất là ở vùng sâu vùng xa bị lừa ra nước ngoài cưỡng bức lao động. Ông đề nghị Bộ trưởng giải thích nguyên nhân, thực trạng và giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương) cũng lo ngại tình trạng người Việt đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để phát hiện và hỗ trợ người dân.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thị Xuân cho rằng việc này kéo theo nhiều hệ lụy, đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Bộ Ngoại giao phải xử lý. "Đề nghị Bộ trưởng nêu biện pháp hoàn thiện quy trình bảo hộ công dân khi phát sinh vấn đề và giải pháp chiến lược trong thời gian tới", bà Xuân nói.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các trường hợp di cư bất hợp pháp ra nước ngoài chủ yếu theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau. Khẩu hiệu chúng đưa ra để lôi kéo lao động Việt chủ yếu là "việc nhẹ lương cao". Ủy ban Chống tội phạm của Philippines vừa phát hiện nhóm 800 người, trong đó có hàng chục người Việt hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực sòng bạc và buôn bán tiền điện tử.
Bộ Ngoại giao đã lập ban chỉ đạo xử lý riêng về nội dung này và hoàn thiện quy trình xử lý khủng hoảng bài bản. Bộ cũng phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài nước đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp về nước. "Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng không có việc nhẹ lương cao, tất cả những lời dụ dỗ toàn theo con đường vi phạm pháp luật", ông Sơn khẳng định.
Theo Bộ trưởng, việc công dân bị lừa đi làm việc, cưỡng bức lao động đã diễn ra từ năm 2020 và ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính là các nước cho phép mở các sòng bài, cơ sở đánh bạc trực tuyến, chủ yếu là lừa đảo; việc di chuyển qua biên giới bất hợp pháp giữa các nước khá dễ dàng; và tình trạng thiếu việc làm, cả tin của công dân Việt Nam, đặc biệt là thanh, thiếu niên vùng sâu.
Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin hiệu quả thông qua Tổng đài Bảo hộ công dân, đường dây nóng, mạng xã hội. Bộ cũng đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức trao đổi giữa các cơ quan của Việt Nam với cơ quan chức năng của sở tại để giải quyết vấn đề khẩn cấp, khủng hoảng.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao trước đó, Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại giải cứu công dân từ các cơ sở giam giữ người bất hợp pháp và tiếp nhận gần 1.400 công dân. Tuy nhiên, con số này mới chỉ phản ánh một phần số lượng công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại đây.
Trong năm 2023, hiện tượng này tiếp tục lan rộng ra các nước khác trong khu vực. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan chức năng sở tại ở Campuchia, Philippines, Thái Lan, Lào, Myanmar tiến hành giải cứu, hỗ trợ đưa khoảng 1.500 công dân về nước, trong đó điển hình là các vụ việc tại Philippines và Campuchia.
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết thời gian qua xung đột xảy ra ở nhiều nơi và khó lường. Trên Dải Gaza, có khoảng 700 công dân Việt Nam ở Israel, trong đó 500 người định cư. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ đưa các gia đình người Việt đến nơi an toàn. Với xung đột tại Myanmar, gần 1.400 công dân người Việt cũng được đưa đi di tản. Trong chiến sự Nga - Ukraine, 7.000 người Việt đã được sơ tán đến nơi an toàn, trong đó 2.000 người về Việt Nam.
"Để công tác bảo hộ công dân được tốt, các cơ quan cần tập trung công tác dự báo, nhất là tình hình xung đột giữa các nước", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận