Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngành thuế phải giải quyết tận gốc việc thất thu
Ngày 24/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, vẫn còn một số lĩnh vực tiệm cận thất thoát thu mà ngành thuế phải đấu tranh mạnh, giải quyết tận gốc như việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực thuế, hải quan, khoáng sản, bất động sản hay chuyển nhượng nhà ở hiện cũng đang thất thoát nhiều.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, năm 2021 có nhiều thử thách nhưng ngành thuế đã hoàn thành toàn diện thắng lợi nhiệm vụ với số thu năm 2021 ước vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp một cách kịp thời về chính sách tài khóa. Cụ thể, ngay sau các chính sách được Quốc hội, Chính phủ ban hành, Tổng cục Thuế đã nhanh chóng tham mưu ban hành các Nghị định và triển khai một cách tích cực.
Một trong những nhiệm vụ đáng chú ý trong năm vừa qua của ngành thuế được Bộ trưởng nhắc đến là hiện đại hóa, cải cách hành chính thuế được thực hiện một cách quyết liệt. Theo đó, ngành thuế đã tích hợp được 150 thủ tục hành chính thuế ở cấp độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 161% kế hoạch được giao); hay ngành thuế đã thực hiện khai nộp hoàn thuế điện tử được 99,9%.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành thuế phải tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó; đẩy mạnh chống chuyển giá trốn thuế trục lợi gian lận thuế, tăng nguồn thu ở những lĩnh vực tiềm năng như sàn giao dịch điện tử nền tảng số, bất động sản, khoáng sản, ngân hàng, chứng khoán...
Ngoài ra, ngành thuế phải tập trung chuyển đổi số; trọng tâm là phát hành hóa đơn điện tử, quản lý tốt hóa đơn điện tử và dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát hóa đơn điện tử, nghiên cứu công cụ kiểm soát hóa đơn điện tử và gian lận thuế trong việc sử dụng hóa đơn...
Năm 2021, ngành thuế thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt từ cuối tháng 4, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch. Kéo theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách.
Tuy nhiên, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số thu thuế, phí năm 2021 ước đạt 110% dự toán. Có 60/63 địa phương hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2021, đạt 95% tổng số địa phương trên cả nước. Còn 3/63 địa phương mặc dù đã nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác tăng thu, nhưng do tác động nặng nề của dịch bệnh làm giảm sâu nguồn thu trên địa bàn nên vẫn không hoàn thành dự toán. Đó là: Đồng Tháp tổng thu đạt 86,7%; Tiền Giang đạt 77,9%; Cần Thơ đạt 89,9%. Riêng đối với Cần Thơ, nếu không kể tiền sử dụng đất, ước đạt khoảng 102% dự toán.
Theo Tổng cục Thuế, chính nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân đã phát huy tác dụng. Nền kinh tế trong nước từ tháng 10 đã phục hồi trở lại, nhiều đơn vị đã phục hồi sản xuất kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân sách.
Theo đó, ước tính trong năm 2021, đã có gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế; trong đó có 120.021 doanh nghiệp và tổ chức và 19.487 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.900 tỷ đồng.
Cùng với đó, chỉ tính đến cuối tháng 11/2021, cơ quan thuế đã miễn giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng với tổng số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng; giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP khoảng 19.700 tỷ đồng.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, ước tính số thuế được miễn đến hết tháng 12 khoảng 6.698 tỷ đồng, số thuế đã nộp sẽ được trừ trong năm 2022. Cơ quan thuế cũng đã gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 104/2021/NĐ-CP với tổng số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Cục Thuế thành phố Hà Nội luôn chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.
Cục Thuế đã xây dựng, hoạch định các chương trình, kế hoạch triển khai chi tiết trên cơ sở các kế hoạch của Tổng cục Thuế về đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kế hoạch phát triển thương mai điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội của UBND thành phố. Qua đó, đã nhận diện mô hình hoạt động, dòng tiền của các hoạt động thương mại điện tử để thực hiện phân loại các nhóm đối tượng quản lý và xác định biện pháp cụ thể đối với từng nhóm.
Theo dữ liệu tại Cục Thuế Hà Nội, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp cho thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, năm 2022, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành thuế là 1.174.900 tỷ đồng; trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, toàn ngành thuế sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, góp phần giúp người nộp thuế duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình thức trực tuyến.
Đồng thời, ngành thuế sẽ triển khai các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, tăng cường cán bộ công chức đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế để có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận