Bộ Tài nguyên và Môi trường: Một số đối tượng tham gia đấu giá đất chủ yếu vì mục đích đầu cơ
Sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt tại một số địa phương, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một số đối tượng tham gia đấu giá không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo số 254/BC-BTNMT gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, về tình hình triển khai Luật Đất đai 2024.
Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, bước đầu đã đi vào cuộc sống góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Sau hơn 02 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả như việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định giá đất...
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sau khi Luật Đất đai 2024 được thi hành, một số địa phương đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Điều này tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, ra soát nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc lập, công khai quy hoạch khu vực phát triển nhà ở chưa bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.
Một số đối tượng tham gia đấu giá không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.
Đặc biệt, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt tại một số địa phương.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại huyện Thanh Oai, sau phiên đấu giá 68 lô đất tại khu ngõ 3 thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao ngày 11-8, giá trúng đấu giá đất được đẩy lên 100 triệu đồng/m² gây ồn ào dư luận, đến nay chỉ có 12 người trúng đấu giá nộp tiền đất, 56 người chưa nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế.
Số thửa đất trúng đấu giá chưa nộp tiền chiếm khoảng 80% tổng số thửa đất mang ra đấu giá.
Tương tự, 19 thửa đất ở thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội dù người tham gia đấu giá đã thức xuyên đêm để đấu giá đất, giá trúng đấu giá được đẩy lên tới 133 triệu đồng/m², nhưng đến nay còn 8 thửa đất người trúng đấu giá chưa nộp tiền theo quy chế đấu giá đất, chiếm 42,1% tổng số thửa đất đem ra đấu giá.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng việc các địa phương thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn tới nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài đã đẩy giá trúng đấu giá đất tăng cao.
Bên cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời (thấp hơn nhiều lần mặt bằng giá đất thực tế) để làm giá khởi điểm, dẫn tới giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn.
Những vấn đề nổi lên trên thị trường đất đai thời gian qua theo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, vì vậy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện đấu giá đất để hạn chế bất cập, vướng mắc.
Vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của luật để áp dụng từ ngày 1/1/2026; tránh "cú sốc" tăng giá đột biến trong bảng giá đất, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ, thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong bảng giá sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với bảng giá đất hiện hành.
Đặc biệt với các địa phương trong suốt giai đoạn 2021-2024, nếu không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, nay thực hiện điều chỉnh thì có biên độ chênh lệch lớn, khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất trước khi điều chỉnh.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết khi lấy ý kiến lần đầu đã gặp phản ứng của người dân và doanh nghiệp do giá đất tại một số khu vực có thay đổi lớn, tăng đột biến so với giá đất trong bảng giá hiện hành.
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành và Thành phố Hồ Chí Minh họp thống nhất phương án giải quyết. Sau đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có phương án điều chỉnh bảng giá với lộ trình phù hợp với thực tế ở địa phương.
Về vướng mắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để lập dự toán xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất mà nhiều địa phương phản ánh, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 32/2019 của Chính phủ, cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai liên quan đến bảng giá đất là xuất phát từ khâu thực hiện chưa tốt, chưa chủ động, thiếu linh hoạt, không phải do vướng mắc từ chính sách hoặc quy định của Luật Đất đai 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận