24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyen Duc Hao.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất đồ uống có đường sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sữa được đưa ra khỏi danh sách

Bộ Tài chính đề xuất đưa sữa, nước rau, quả... ra khỏi danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời bổ sung đồ uống có đường vào danh sách này.

Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Theo tài liệu này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được ý kiến của 16 bộ, 5 cơ quan thuộc Chính phủ, 49 địa phương, 3 Tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, World Bank), Đại sứ quán (Anh), 2 tổ chức phi chính phủ quốc tế, 24 hiệp hội, doanh nghiệp (DN).

74 ý kiến nhất trí bổ sung đồ uống có đường chịu thuế TTĐB

Trong đó 35 đơn vị nhất trí hoàn toàn, 65 đơn vị cơ bản nhất trí và có một số ý kiến cụ thể về kết cấu dự thảo báo cáo, câu chữ cho phù hợp quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, nhóm chính sách bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB có 74 ý kiến nhất trí và có 26 ý kiến khác.

Bộ Tài chính giải trình: việc bổ sung thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là thực hiện theo đúng chủ trương Nhà nước đã nêu tại các Nghị quyết 07, Nghị quyết 20…

Tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe con người đã được các tổ chức quốc tế về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đưa ra tài liệu chứng minh. Các tổ chức này đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này.

Theo số liệu của WHO, hiện nay có khoảng 85 quốc gia áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả.

Tại Việt Nam tỉ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Một số ý kiến đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật.

Bộ Tài chính cho biết, theo TCVN 12828:2019, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước có thể chứa đường phụ gia thực phẩm, hương liệu. Có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga.

Nước giải khát gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây.

Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải là nước giải khát theo TCVN và là hàng hóa phục vụ cho mục đích dinh dưỡng cho sức khỏe con người.

Để tránh trường hợp DN tiếp tục có kiến nghị đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến theo hướng sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo TCVN” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo đó, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Bên cạnh đó, để khuyến khích DN sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng đường thấp.

Tham khảo kinh nghiệm của các nước, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án luật được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Thuốc lá điện tử chịu thuế TTĐB nếu được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tại Việt Nam

Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Thuế TTĐB còn đưa ra phương án coi các sản phẩm thuốc lá điện tử là mặt hàng chịu thuế TTĐB tương tự như thuốc lá điếu, trong đó 93 ý kiến đồng tình.

Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất đồ uống có đường sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sữa được đưa ra khỏi danh sách
Người dân đang mua thuốc lá tại con đường chuyên bán thuốc lá quận 3. ẢNH: TÚ UYÊN

Trong số ý kiến khác, Bộ Y tế, Bộ Công an và một số địa phương đề nghị không đưa hoặc cần cân nhắc việc đưa thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Lý do là đưa vào luật sẽ dẫn đến cách hiểu Việt Nam hợp pháp hóa mặt hàng này.

Bộ Y tế nhấn mạnh cơ quan này đã có nhiều văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ về việc không cho phép thí điểm mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì những hệ lụy đối với sức khỏe, xã hội…

Về nội dung này, Bộ Tài chính giải trình: Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khỏe con người đã được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra các tài liệu chứng minh. Mặt hàng này hiện nay không được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và tiêu dùng tại Việt Nam, nhưng trên thực tế vẫn đang được thanh thiếu niên sử dụng và ngày càng phố biến.

Để không gây hiểu lầm việc đưa thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào Luật Thuế TTĐT tức là Việt Nam hợp pháp hóa cho mặt hàng này, Bộ Tài chính cho biết luật sẽ nêu rõ điều kiện áp dụng luật là chỉ khi mặt hàng được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tại Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 67/2013 và Nghị định 106/2017 trong đó có nội dung thí điểm kinh doanh thuốc lá mới tại Việt Nam.

Trường hợp mặt hàng này được phép kinh doanh thí điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa có quy định về thuế thì sẽ không hạn chế và định hướng kịp thời việc tiêu dùng mặt hàng này.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ như nội dung đề xuất tại dự thảo tờ trình Chính phủ.

Về nội dung quy định cụ thể về các loại sản phẩm thuốc lá mới, cách đánh thuế với các bộ phận, thiết bị của thuốc lá mới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật thuế TTĐB.

Sẽ tiếp tục tăng thuế TTĐB với bia rượu

Về đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia có 91 ý kiến nhất trí và 9 ý kiến khác.

Bộ Tài chính cho biết, đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia vào thời điểm này là thực hiện theo đúng phương hướng huy động nguồn lực đã nêu tại Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
64.30 (0.00%)
230.10 -19.40 (-7.78%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả