Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh, ngưỡng cao hay thấp?
Ngưỡng nợ thuế 10 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với doanh nghiệp phù hợp tại Việt Nam hiện nay nhưng thấp hơn nhiều quốc gia khác. Cần cơ chế giám sát cơ quan hành chính, tránh lạm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh đang được lấy ý kiến công chúng.
Bộ Tài chính đề xuất: Từ 1/1/2025, cá nhân/chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Phù hợp với Việt Nam nhưng thấp hơn thế giới
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHN Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet, cho rằng, đối với cá nhân, lấy mức 10 triệu đồng nợ thuế quá hạn để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được xem là hợp lý, tránh việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho những khoản nợ nhỏ, gây phiền hà không cần thiết.
Đối với doanh nghiệp, mức 100 triệu đồng cũng phù hợp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức này tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời không quá thấp để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Về thời hạn nợ thuế quá hạn trên 120 ngày, ông Cường cũng đánh giá là “hợp lý”. Khoảng thời gian này đủ để người nộp thuế sắp xếp tài chính và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Đồng thời, giúp cơ quan thuế quản lý hiệu quả hơn, tránh tình trạng nợ đọng kéo dài.
Luật sư Phạm Thành Long, Nhà sáng lập Công ty Luật Gia Phạm, phân tích: Xét thực trạng ở Việt Nam hiện nay thì ngưỡng nợ thuế 10 triệu, 100 triệu đồng và thời hạn 120 ngày như đề xuất có thể coi là hợp lý.
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác thì ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh như vậy còn quá nhỏ; số người có nguy cơ bị ngăn xuất cảnh sẽ rất lớn.
“Tại Mỹ, nợ thuế 55.000 USD (khoảng trên 1,3 tỷ đồng) bao gồm cả phần tiền lãi và phạt, người nợ thuế mới có thể bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh”, ông Long dẫn chứng.
Về thời hạn 120 ngày, luật sư Phạm Thành Long đề nghị phải cân nhắc tính từ thời điểm nào, thời điểm phát sinh giao dịch nợ thuế hay sau khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế khác. Nhiều trường hợp thông báo nợ thuế gửi qua đường bưu điện hoặc tin nhắn, người nộp thuế không nhận được thông tin nên không biết mình nợ thuế.
Ở Canada và nhiều quốc gia khác, thủ tục tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp gần như sau cùng, khi đã áp dụng các biện pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng... mà vẫn không thu được thuế.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh, nếu mức quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Mỗi con số đưa ra cần có cơ sở logic, có sự liên kết với các quy định pháp luật khác để đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện; khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn”, ông Đức nói.
Chẳng hạn, thay vì đặt ra số cụ thể 10 triệu đồng đối với cá nhân, ông Đức đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh. Tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi lại phải điều chỉnh con số cho phù hợp.
Phía sau quy định ngưỡng nợ thuế
“Nhiều bạn bè của tôi từng bị giữ lại khi ra cửa khẩu. Giờ hễ chuẩn bị đi đâu, 'kiểm tra thuế chưa' đã thành câu cửa miệng”, luật sư Phạm Thành Long kể.
Dưới góc nhìn của luật sư, ông Long nhấn mạnh: Việc cơ quan/tổ chức nào có quyền được sử dụng việc ngăn chặn quyền đi lại như một biện pháp hành chính cần phải được xem xét một cách đầy đủ và chi tiết, tránh trường hợp lạm quyền.
Trước thực trạng vừa qua, không ít người ra sân bay mới biết mình bị hoãn xuất cảnh, gây lãng phí lớn vì đã đặt vé máy bay, sắp xếp lịch trình,... giám đốc iViet đề nghị cơ quan quản lý phải “làm sao để người nợ thuế biết rằng họ đang bị nợ thuế và nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh”.
Ngoài việc đa dạng phương thức thông báo cho người nộp thuế (từ tài khoản thuế điện tử, eTax Mobile đến VNeID và email, SMS, Zalo... ), cơ quan thuế cần cần tuyên truyền để người nộp thuế biết những nơi có thể tra cứu nợ thuế, danh sách hoãn xuất cảnh.
“Không phải ai cũng biết vào ứng dụng eTax Mobile, tài khoản giao dịch điện tử (thuedientu.gdt.gov.vn) để tự tra cứu. Việc đa dạng hóa các phương thức thông báo giúp đảm bảo người nộp thuế nhận được thông tin kịp thời và chính xác”, ông Cường nhận xét.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp tốt hơn giữa cơ quan thuế, hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh. Cơ quan thuế phải thường xuyên cập nhật danh sách cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế và chia sẻ với cơ quan xuất nhập cảnh.
“Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, quá trình này có thể được thực hiện trong thời gian ngắn, thậm chí theo thời gian thực, giúp người nộp thuế nhanh chóng được phép xuất cảnh sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế”, ông Cường khẳng định.
Theo ông Cường, hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh cũng nên kiểm tra thông tin hành khách dựa trên danh sách tạm hoãn xuất cảnh; cần thông báo ngay cho hành khách về tình trạng nợ thuế và khả năng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Khi phát hiện hành khách thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh, hãng hàng không hoặc cơ quan xuất nhập cảnh nên thông báo ngay, giúp họ có thời gian xử lý khoản nợ thuế trước khi chuyến bay diễn ra, tránh lãng phí chi phí và thời gian.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường