Bộ Kế hoạch và đầu tư nói gì về siêu doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ đồng?
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, vụ doanh nghiệp đăng ký với số vốn 144.000 tỷ đồng là bài học của công tác quản lý đăng ký kinh doanh theo cơ chế hậu kiểm.
Về việc doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng, tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 2/2020, ông Phương cho biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật là hoàn toàn đúng. Trên cơ sở xét duyệt hồ sơ thì không có lý do gì để không cấp đăng ký kinh doanh cho họ.
Tuy nhiên, các cán bộ quản lý cũng rất trách nhiệm khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường. Đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận trường hợp này và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục các thủ tục. Đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết.
Hiện bộ vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại thì sẽ tiếp nhận theo đúng quy định pháp luật.
"Về vấn đề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp là thành quả của 20 năm đổi mới. Chúng ta đã rất nỗ lực, cố gắng để chuyển từ cơ chế xin - cho trước đây sang cơ chế tự chịu trách nhiệm, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Thêm nữa, cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển nền kinh tế đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm", ông Phương nhấn mạnh.
Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam đang cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt rất cần doanh nghiệp lớn. Do vậy, những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn, thì các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ phải quen dần với những con số lớn này.
Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm chắc chắn bộ sẽ phải kiểm tra việc thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật hơn nữa. Tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.
Về định hướng sắp tới, ông Phương cho rằng, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm. Theo đó, điểm quan trọng là phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, cần tăng cường công tác hướng dẫn của đơn vị đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, liên quan đến phần đơn vị tiền tệ trong hồ sơ, khi dùng các khái niệm khác nhau (đồng, nghìn đồng, triệu đồng, tỷ đồng) thì phải thống nhất lại để chuẩn hoá trong quá trình đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với phần mềm đăng ký kinh doanh và dễ quy đổi đơn vị tiền tệ khi đăng ký số tiền của doanh nghiêp.
Ông Phương hy vọng rằng với những nỗ lực nêu trên sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn những quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, siêu doanh nghiệp này là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của doanh nghiệp này là kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.
Mới đây, bà Kim Thị Phượng, một trong ba cổ đông tham gia thành lập doanh nghiệp đã tới Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội với mục đích hủy bỏ việc thành lập công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận