Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu giải ngân hơn 50.000 tỷ đồng năm 2022
Trong kế hoạch đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn dự kiến giải ngân là hơn 50.327 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Điểm đáng chú ý trong Chương trình hành động là Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu ở 3 lĩnh vực: Vận tải, kế hoạch đầu tư phát triển và an toàn giao thông. Trong đó, về kế hoạch đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn dự kiến giải ngân là hơn 50.327 tỷ đồng.
Về vận tải, chỉ tiêu được đưa ra là khối lượng luân chuyển hành khách phấn đấu tăng trưởng khoảng 6,52% (khoảng 100,9 tỷ lượt khách.km), luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 7,52% (khoảng 358,5 tỷ tấn.km), hàng hóa thông qua cảng biển phấn đấu tăng khoảng 3% so với năm 2021 (khoảng 725 triệu tấn).
Đối với an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2021; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ sẽ nâng cao hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới kịp thời, chất lượng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Về quản lý vận tải, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về giải pháp giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông Vận taior tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo an toàn giao thông theo Kết luận số 45/2019-KL/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.
Triển khai thực hiện Quyết định số 2060/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" theo hướng ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường bộ; triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2022 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách. Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán giao, nhất là công tác quản lý, điều hành chi nguồn vốn sự nghiệp kinh tế trên các lĩnh đảm bảo hiệu quả, phát huy tối đa công năng kết cấu tài sản hạ tầng trong khai thác sử dụng.
Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công, tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022…/.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận