menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Bộ Giao thông Vận tải: Cần hơn 13.000 tỷ đồng xử lý bất cập BOT

Theo Bộ Giao thông, để xử lý dứt điểm bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT cần bố trí vốn ngân sách Nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông), để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT cần bố trí vốn ngân sách Nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vừa có văn bản báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đáng chú ý tại báo cáo này, Bộ Giao thông cho hay để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT cần bố trí vốn ngân sách Nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng.

Cụ thể, theo Bộ Giao thông, trong tổng số hơn 70 dự án BOT do Bộ quản lý, Bộ đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.

Đối với 4 trạm thu phí BOT/dự án BOT có bất cập, chưa được thu phí; trong đó trạm thu phí La Sơn-Túy Loan (hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả), từ năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp xử lý.

Căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ không sử dụng trạm thu phí La Sơn-Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung vốn Nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án.

Đối với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, Bộ Giao thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền thông qua để thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước.

Với trạm thu phí Bỉm Sơn, Bộ Giao thông đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 920 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư.

Trạm thu phí Quốc lộ 3, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đề nghị Bộ Giao thông báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước (khoảng 3.250 tỷ đồng) để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 91, Bộ Giao thông và UBND thành phố Cần Thơ thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách Nhà nước (khoảng 1.879 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Đối với 4 dự án BOT sụt giảm doanh thu lớn, phá vỡ phương án tài chính, bao gồm dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148-Km1763+610 theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Giao thông đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn Nhà nước (khoảng 703 tỷ đồng) để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn Nhà nước (khoảng 2.049 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 612 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng như hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.

Đối với việc cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ Tp. Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất cân đối nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương triển khai thực hiện.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì, Bộ Giao thông đồng thuận và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 1.422 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Đối với vốn Nhà nước sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, theo lãnh đạo Bộ Giao thông hiện nay Luật Đầu tư công chưa có quy định sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Đồng thời, xét về giải pháp tổng thể để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT nêu trên cần bố trí vốn ngân sách Nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, để có cơ sở thực hiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về nguồn vốn thanh toán, Bộ Giao thông cũng kiến nghị xem xét, cân đối từ nguồn vượt thu ngân sách Nhà nước năm 2022 và từ các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán chi phí hợp lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại