menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tuyên Đức

Bỏ giá trần vé máy bay tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không

Tại Toạ đàm “Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt” mới đây do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức, nhiều chuyên gia hàng không, tài chính kinh tế, hãng bay nội địa... đều đưa ra kiến nghị cần sớm thay đổi cơ chế điều hành giá, sớm bỏ giá trần vé máy bay, để tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không.

Doanh nghiệp hàng không khó khăn phục hồi kinh doanh

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, ngành Hàng không Việt Nam đang dần phục hồi nhanh. Dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không nội địa năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022; tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa so với trước dịch COVID-19 (năm 2019).

Bỏ giá trần vé máy bay tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không
Bỏ giá trần vé máy bay tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, sau 3 năm chịu tác động của tình hình dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraina, lãi suất cao cùng với sự biến động về tỷ giá... dòng vốn của các doanh nghiệp hàng không đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các hãng hàng không đều bị thua lỗ do tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, quá tải hạ tầng hàng không, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá nguyên nhiên liệu và chi phí đầu vào tăng cao..., trong khi điều hành về giá vé máy bay chưa theo được cơ chế thị trường.

Bỏ giá trần vé máy bay tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ về việc tiếp sức doanh nghiệp hàng không.

Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thị trường hàng không mới chỉ phục hồi 77% và cứ đà như hiện tại thì tới cuối năm 2023, khả năng phục hồi vẫn còn mong manh, ước tính đạt 85%, cuối 2024 mới phục hồi được 100%. Vì vậy, Nhà nước Nhà nước cần tiếp tục cân nhắc có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, giãn, hoãn thuế, giảm các loại thuế phí (như đã áp dụng trong năm 2022); kiểm soát tốt giá xăng dầu, thúc đẩy du lịch và thay đổi cơ chế điều hành giá.

Một trong những giải pháp cấp bách cần được tháo gỡ ngay để tiếp sức cho doanh nghiệp hàng không chính là điều chỉnh chính sách khung giá trần tại thị trường nội địa, tăng quyền quyết định mức giá cước vận tải hàng không cho doanh nghiệp, từng bước nới lỏng và tiến tới xóa bỏ việc can thiệp vào giá dịch vụ bằng cách quy định mức giá cước vận tải hàng không.

Bỏ giá trần vé máy bay tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airline chia sẻ khó khăn của hãng bay nội địa.

Thực tế, do chính sách giá trần, thời gian qua, thị trường đang xảy ra hiện tượng giá vé máy bay nội địa cao hơn bay quốc tế. “Bay nội địa các hãng bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do, nội địa lại kiểm soát, nên bay quốc tế đang rẻ hơn nội địa, ngành Hàng không lấy quốc tế nuôi nội địa đang là sự bất hợp lý”, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airline chia sẻ.

Cần công thức điều hành giá mới

Bỏ giá trần vé máy bay tiếp sức cho các doanh nghiệp hàng không
TS Lương Hoài Nam - Phó chủ tịch Công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi phân tích mức giá trần vé máy bay.

TS Lương Hoài Nam - Phó chủ tịch Công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi phân tích, giá trần vé máy bay hiện nay cần được gỡ bỏ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Các nước trên thế giới hiện nay không còn quản lý vé máy bay bằng giá trần, cạnh tranh tự do, giá vé máy bay do thị trường quyết định. Việc áp giá trần tại Việt Nam đang ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của khách hàng, cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không, kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Do đó, bỏ giá trần sẽ tạo cơ hội cải thiện doanh thu bằng cách linh hoạt giá vé.

Làm rõ hơn về khoảng cách giữa cơ chế định giá và thực tiễn ứng dụng trong ngành Hàng không, GS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chỉ ra, giá cả hàng không có sự khác biệt với giá hàng hoá thông thường. Giá cả hàng không, xét về mặt cấu trúc tạo nên chi phí thì phức tạp và các yếu tố này có biến động ngoài tầm kiểm soát của các hãng, ví dụ như giá nhiên liệu, tỷ giá, giá nhân lực... Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước nên bỏ giá trần vé máy bay, thay bằng một công thức điều hành giá đủ rộng, để đảm bảo mức độ cạnh tranh phù hợp.

Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc tranh cãi bỏ hay giữ áp giá trần vé máy bay đã “nóng” từ 2005 đến nay, nhưng đã đến lúc bỏ giá trần có điều kiện. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, không thể có quy định riêng quốc gia và việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành Hàng không...

Qua tìm hiểu hiện nay, thị phần nội địa Vietjet đã vượt lên 35%, Vietnam Airlines còn 30%, Bamboo Airways 15%, thì không còn dấu hiệu độc quyền. Luật Giá dự thảo hiện cũng không đưa giá vé hàng không vào điều tiết. Tuy nhiên, nếu bỏ giá trần vé máy bay, các doanh nghiệp hàng không phải công khai, minh bạch hơn để khách hàng yên tâm không bị các hãng “bắt tay nhau ép giá” và các hãng bay nên đa dạng phân khúc khách hàng theo từng mức giá, quản trị cải thiện minh bạch hơn, tái cấu trúc quyết liệt hơn.

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, khung giá vé máy bay được quy định theo Luật Hàng không dân dụng. Hiện nay, thực tế giá sàn bằng 0, giá trần thì đang áp dụng, đợt điều chỉnh cuối cùng là vào tháng 12/2015, tại thời điểm đó tất cả các hãng hàng không đều phải giải trình chi phí đầu vào để ra được mức giá trần. Từ 2015 đến nay, qua các năm, hầu như năm nào các hãng cũng họp mấy lần với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam về giá trần, nhưng đến nay chưa có sự thay đổi nào. Các hãng hàng không cần được gỡ khó, để duy trì đến lúc thị trường hồi phục hoàn toàn.

Còn ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways nhận định, theo các quy định của Luật Giá và Luật Hàng không dân dụng, Bộ GTVT là cơ quan quy định về khung giá trần giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Đến thời điểm hiện tại, khung giá trần được ban hành từ 2015 vẫn được duy trì trong bối cảnh các hãng hàng không đang chịu các áp lực về chi phí nhiên liệu, tỷ giá đều tăng mạnh. Từ thực tiễn trong nước và quốc tế, việc sớm điều chỉnh chính sách khung giá trần tại thị trường nội địa là cần thiết. Xét về yếu tố quyền lợi của người tiêu dùng, việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng, vì các hãng có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá, khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn...

Hiến kế về giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Mạnh Quân đề xuất 3 nhóm giải pháp: Nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn. Còn Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt khuyến nghị, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước, để đảm bảo các hãng hàng không phát triển bền vững, lâu dài. Thực tế, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam ngày càng cao, nhu cầu di chuyển trong và ngoài nước đều lớn, đầy đủ điều kiện để các hãng bay Việt Nam trở thành thương hiệu trong khu vực. Để làm được điều này, cần đảm bảo cơ chế bình đẳng, minh bạch để các hãng hàng không phát triển, cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại