Bỏ giá FiT, Bộ Công Thương đề xuất chính sách hỗ trợ gì cho điện sạch?
Bộ Công Thương nêu quan điểm rằng việc tiếp tục duy trì các chính sách giá ưu đãi (FIT) không còn phù hợp. Việc khuyến khích nguồn điện năng lượng tái tạo nên được thực hiện thông qua khung giá phát điện, linh hoạt phù hợp định hướng phát triển trong từng thời kỳ, trong đó có đề xuất hỗ trợ tiền cho hộ gia đình.
Tại Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương cho biết nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu; đảm bảo định hướng về chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo sang chính sách cạnh tranh, cần thiết hoàn chỉnh khung chính sách nhằm quy định cụ thể đối với việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện chất thải rắn, thủy điện nhỏ, trong đó có chính sách giá điện hỗ trợ.
Điểm chung của chính sách giá điện hỗ trợ là áp dụng cơ chế mua bán điện theo giá hỗ trợ tại điểm giao nhận điện, ưu tiên mua điện của bên mua đối với nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu với thời hạn 20 năm.
Chính sách giá FIT được Bộ Công Thương được ban hành áp dụng trên cơ sở kinh nghiệm của thế giới đối với các nước có thị trường điện năng lượng tái tạo mới hình thành và phát triển, các điều kiện thị trường điện chưa sẵn sàng, các dịch vụ, sản xuất phụ trợ chưa sẵn sàng, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống.
Tuy nhiên, chính sách giá FiT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định về năng lượng tái tạo, vì vậy Bộ Công Thương cho rằng cần nghiên cứu chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ sang chính sách cạnh tranh nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý hệ thống, cạnh tranh về chi phí và đảm bảo cung cấp điện chất lượng, ổn định, bền vững.
Theo đó, Bộ Công Thương nêu quan điểm: Việc tiếp tục duy trì các chính sách giá FiT nêu trên không còn phù hợp. Việc khuyến khích nguồn điện năng lượng tái tạo nên được thực hiện thông qua khung giá phát điện, linh hoạt phù hợp định hướng phát triển trong từng thời kỳ.
Đối với hộ gia đình, có thể thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp do UBND cấp tỉnh quyết định (thông qua hỗ trợ tiền trực tiếp cho hộ gia đình hoặc thông qua hỗ trợ về kỹ thuật).
Giá FiT hay còn gọi là biểu giá điện hỗ trợ được quy định và hỗ trợ bởi Chính phủ hoặc cơ quan điều hành năng lượng để mua lại năng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo, như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, và biogas.
Tại Việt Nam, giá FiT ưu đãi 20 năm với điện mặt trời, theo Quyết định 13/2020, dự án vận hành trước 31/12/2020 sẽ được hưởng giá FiT 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) với dự án điện mặt trời mặt đất. Giá điện mặt trời nổi là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.783 đồng/kWh) và điện mặt trời mái nhà 8,38 cent/kWh, tức 1.943 đồng/kWh.
Còn dự án điện gió vận hành thương mại trước 1/11/2021, theo Quyết định 39/2018 là 9,8 cent/kWh (2.223 đồng/kWh) với dự án trên biển; dự án trên bờ là 8,5 cent (1.927 đồng)/kWh.
Tuy vậy, có 85 dự án điện tái tạo bị chậm giá FiT, với công suất hơn 4.600 MW. Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 23/5, có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện.
Trong đó, có 72 dự án với tổng công suất 4.128,01MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 ngày 7.1.2023 của Bộ Công Thương.
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/72 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 63 dự án, tổng công suất là 3.429,41 MW.
Trong số các dự án đã gửi hồ sơ, có 29 nhà máy, phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.577,65 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại (gọi tắt là COD), phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 23.5 đạt hơn 2,597 tỉ kWh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường