Bộ Công Thương họp khẩn với Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi diễn biến của dịch COVID-19
Các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn như Big C, VinMart… đều khẳng định nguồn cung hàng hóa dồi dào, cam kết bình ổn giá; khuyến cáo người dân chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình.
Doanh nghiệp cam kết đủ hàng, không tăng giá
Chiều 7/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp khẩn với Sở Công Thương Hà Nội và doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Thủ đô về công tác chuẩn bị hàng hóa phòng chống dịch COVID-19.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên nhiễm dịch COVID-19, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, sáng 7/3, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội tăng cường nguồn hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
“Ngay trong sáng 7/3, chúng tôi đã triển khai lực lượng xuống địa bàn, điểm bán hàng của các siêu thị. Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng có tăng, nhưng nguồn cung tại các siêu thị vẫn đáp ứng đủ”, ông Trần Duy Đông cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho hay, do tâm lý hoang mang của 1 số khách hàng nên lượng khách tới siêu thị cùng 1 thời điểm tăng đột biến. Do vậy dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên quầy. Một số mặt hàng bán chạy là gạo, giấy vệ sinh, mỳ... Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chủ động trữ lượng hàng hóa tăng lên 3 - 4 lần, do đó hoàn toàn đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Riêng mặt hàng tươi sống, trong ngày 7/3, Big C đã tăng lượt giao hàng lên 4 lần, thay vì 1 lần vào buổi sáng như thường ngày.
“Từ ngày 8/3, Big C sẽ mở cửa từ 7 giờ sáng cho đến khi hết khách, (thay vì 8 giờ cho đến 0 giờ đêm). Chúng tôi cam kết đủ hàng và không tăng giá trong giai đoạn này”, bà Nguyễn Thị Phương cho biết.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Vincommecre cho biết, ngay khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh, hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu; phục vụ nhu cầu người dân. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, VinMart và VinMart+ cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa trên toàn thành phố Hà Nội và toàn quốc.
“Khách hàng không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hóa rất dồi dào và được bổ sung liên tục trong ngày. Đặc biệt tăng cường các hàng hóa thiết yếu thịt sạch MEAT Deli và rau củ quả VinEco, mỳ gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang... trên toàn bộ các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+”, bà Dương Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo bà Tâm, việc người dân ồ ạt đi mua đồ dự trữ, hay di chuyển khỏi nơi cư trú hoàn toàn không cần thiết, chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn. Bà Tâm cho biết thêm, VinMart là đơn vị được chỉ đạo sẽ cung cấp hàng hóa thiết yếu cho vùng dịch bị cách ly.
Lên kịch bản cho những trường hợp cực đoan
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay từ đêm 6/3 và sáng 7/3, các doanh nghiệp Thủ đô đã có phương án tăng cường lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch. Lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp hiện đã tăng gấp 4 - 5 lần ngày bình thường. Các nhà cung cấp đã lên kế hoạchchuyển hàng từ các tỉnh về bổ sung cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…
Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố. Cấp độ 1 - 2 là bình thường, cấp độ 3 là có 20 người lây nhiễm, cấp độ 4 là từ 1.000 người trở lên, trong đó tập trung vào cấp độ 3 - 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.
“Nếu 1.000 người mắc bệnh thì chúng tôi đã chuẩn bị hàng hóa cho 5.000 người bị cách ly. Người dân không lo thiếu hàng, chỉ mua đúng nhu cầu tiêu dùng của mình, tránh mua nhiều khiến nhu cầu hàng hóa tăng cục bộ. Chúng tôi cam kết đủ hàng và người dân không phải dự trữ”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, bên cạnh việc ứng phó với tình thế trước mắt, Bộ cũng thực hiện những biện pháp trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân. Bộ Công Thương sẽ cùng với Sở Công Thương Hà Nội và các địa phương khác bám sát diễn biến thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối bán lẻ hàng hóa phục vụ người dân. Các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung nhanh nhất, đảm bảo chất lượng.
“Nếu doanh nghiệp có vướng mắc cần hỗ trợ thì có thể thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương, Sở Công Thương hoặc các cơ quan chức năng khác để phối hợp xử lý”, ông Trần Duy Đông cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dù dịch bệnh diễn ra mức độ nào cũng phải chủ động chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối hàng hóa nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để thiếu hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân.
“Phải tính đến yếu tố khi không chỉ cách ly một gia đình mà là cả khu phố, khu vực lớn thì áp lực với phân phối, cung ứng hàng hóa như thế nào? Chính quyền địa phương càng phải chủ động hơn, không chỉ ở yếu tố cung ứng hàng hóa mà là đảm bảo hoạt động của cả hệ thống phân phối”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội phải tính đến trường hợp cực đoan nhất, để xem việc ổn định nguồn cung sẽ như thế nào. "Các siêu thị, các nhà phân phối phải tính đến việc ổn định nguồn cung hàng hóa trong lâu dài, thậm chí trong tình huống xấu là dịch bệnh không chỉ ở Hà Nội, mà có thể xảy ra tại nhiều địa phương, đô thị khác trên cả nước”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận