BMP – Giá cổ phiếu liệu đã phản ánh hết kì vọng tăng trưởng?
Một trong những doanh nghiệp công bố báo cáo tích cực trong Q3 vừa qua có thể kể đến CTCP nhựa Bình Minh. Theo báo cáo, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng 39% - còn giá cổ phiếu đã tăng mạnh khoảng 40% kể từ đáy tháng 8. Vậy liệu giá cổ phiếu đã phản ánh hết các kỳ vọng của nhà đầu tư đối với BMP hay chưa? Bài viết này của team sẽ phân tích báo cáo Q3/24 vừa được công bố cũng như những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của BMP trong quý tới.
I. Kết quả kinh doanh Q3/24
CTCP Nhựa Bình Minh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất Q3/24 với nhiều con số đáng chú ý. Cụ thể, doanh thu quý vừa qua ghi nhận đạt 1.407 tỷ đồng – tăng 52% yoy và tăng 22% so với Q2/24. Bên cạnh việc doanh thu tăng mạnh do mức nền thấp của cùng kỳ, thì sự tăng trưởng mạnh này còn đến từ việc BMP đã thực hiện chương trình khuyến mãi lớn. Theo giải trình từ công ty thì đây là chương trình tập trung mạnh vào việc chiết khấu thanh toán cho khách hàng để lấy lại thị phần. Kết quý, lãi gộp đạt 606 tỷ đồng, tăng tương ứng với mức tăng doanh thu do giá PVC đầu vào vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ tăng trung bình 2% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp duy trì ở mức cao, đạt 43%. (Hình 1)
Do có chương trình kích cầu, chi phí tài chính tăng mạnh 180% - đạt mốc hơn 71 tỷ đồng trong khi cùng kì chỉ đạt 25 tỷ. Chi phí chiết khấu này kì nào cũng có nhưng Q3 vừa qua là quý nổ mạnh nhất. (Hình 2)
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên mốc 165 tỷ đồng do công ty tổ chức “Hội nghị Hệ thống phân phối năm 2024” tại Thái Lan cho hơn 2.000 nhà phân phối vào giữa tháng 7 vừa qua. Đây là chuyến đi được tổ chức 2 năm 1 lần để khen thưởng và thắt chặt mối quan hệ với mạng lưới các nhà phân phối của công ty. Các chi phí khác gần như không có nhiều biến động.
Kết thúc quý, LNST của doanh nghiệp đạt 290 tỷ đồng, tăng 39% yoy. Biên lãi ròng đạt 20,6% - thấp hơn mức 24,3% trong Q2 và 22,5% của Q3/23.
Tuy kết quả Q3 ghi nhận sự tăng trưởng khá ấn tượng nhưng do 2 quý đầu năm thấp nên kết quả 9T24 đạt 3,563 tỷ đồng (-4% yoy) và lãi ròng đạt 760 tỷ (-3% yoy). Với kết quả này, BMP hoàn thành lần lượt 64% và 74% kế hoạch năm được đề ra. Với tình hình này chúng tôi tin rằng BMP sẽ có 1 năm về đích thành công.
II. Những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh đáng chú ý
Báo cáo Q3/24 của BMP ấn tượng, tuy nhiên giá cổ phiếu cũng đã tăng mạnh rồi. Điều khiến giá cổ phiếu tiếp tục tăng phải đến từ việc lợi nhuận phải duy trì mức tăng trưởng đều đặn. Vì thế, trong phần 2 này chúng tôi sẽ phân tích những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của BMP.
Giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ
Theo ChemOrbis, giá PVC dự báo sẽ duy trì ở mức thấp và được giao dịch ở biên độ thu hẹp dần trong bối cảnh cầu suy yếu kéo dài trên khắp các lĩnh vực hạ nguồn, trong khi nguồn cung vẫn rất dồi dào. Hiện tại, giá PVC Trung Quốc đang ở mức thấp hơn khoảng 8-10% so với cùng kỳ, tạo ra môi trường kinh doanh khá thuận lợi cho BMP. Chúng tôi cho rằng nếu không có thông tin nào đủ lớn làm thay đổi lượng cung – cầu của giá PVC hiện tại thì giá hạt nhựa này sẽ đi ngang ở vùng 5500 đến 5700 RMB/ton từ nay tới cuối năm. (Hình 3)
Sản lượng tiêu thụ phục hồi.
Trong nửa đầu năm, thị phần của BMP tụt mạnh xuống mức ~23% do công ty duy trì chính sách giá bán không đổi, trong khi giá hạt nhựa đầu vào tụt mạnh. Sau 2 quý duy trì như vậy, sản lượng bán ra không đủ để bù cho mức giá bán không đổi nên doanh thu 1H24 khá thấp. Đến Q3, nhờ chính sách khuyến mãi hấp dẫn cho các đại lý cấp 1, cùng với việc đối thủ lớn là NTP chịu ảnh hưởng tiêu cực của bão Yagi nên thị phần của BMP đã tăng mạnh lên mức 27,3% - cao hơn mức 27% của NTP. Tổng sản lượng tiêu thụ tiêu thụ trong Q3 vừa qua ước tính đạt 23,5 nghìn tấn với giá bán bình quân là 59,7 triệu đồng/tấn.
Chúng tôi cho rằng BMP sẽ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi trong Q4/24 để giữ thị phần, sau khi đã giành được một miếng bánh lớn như vậy. Tuy nhiên chúng tôi cũng đặt câu hỏi cho việc liên tục cạnh tranh bằng giá như vậy, bởi nếu tìm trong báo cáo Q2/24 vừa qua của NTP thì chúng tôi thấy công ty này cũng chi mạnh tay hơn 32 tỷ để tăng chiết khấu nhưng đến Q3/24 thì không còn. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh mạnh về giá cũng sẽ ảnh hưởng đến biên lãi ròng nên BMP sẽ phải cân nhắc để duy trì mức biên lãi tốt trên 20% như hiện nay.
Ảnh 4: báo cáo Q1 và Q2/24 của NTP.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kì vọng sản lượng của BMP sẽ được duy trì tích cực trong Q4.24 nhờ nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới sẽ sáng sủa hơn. Cụ thể, chúng tôi cho rằng cuối năm tình hình đầu tư công sẽ gấp rút hơn, còn thị trường BĐS ấm lên sau thời gian dài đóng băng. Tuy nhiên, mức phục hồi của thị trường BĐS trong giai đoạn này sẽ chậm và không đồng đều và được dự báo đến cuối 2024 – đầu 2025 thì sự phục hồi mới rõ nét hơn. Dù vậy chúng tôi vẫn đánh giá rằng viêc ngành BĐS bước sang chu kì mới sẽ đem lại doanh thu quay trở lại cho BMP trong bối cảnh giá NVL đầu vào đang rất tích cực.
Link: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-bat-dong-san-dao-chieu-nhung-cham-phuc-hoi-160014-160014.html
Mức lợi tức khá hấp dẫn
BMP cũng sở hữu mức lợi tức khá hấp dẫn. Hiện công ty không có kế hoạch mở rộng sản xuất hay đầu tư xây mới nên với vị thế tài chính mạnh, chúng tôi cho rằng BMP sẽ liên tục chi trả cổ tức ở mức cao. Chúng tôi thống kê mức lợi tức mà BMP đã chi trả trong 5 năm gần đây để nhà đầu tư dễ theo dõi (Hình 5)
Có thể thấy, BMP đang duy trì một mức cổ tức cao, đủ để thắng việc gửi tiết kiệm. Nên nhà đầu tư theo trường phái đầu tư an toàn, hưởng cổ tức hoàn toàn có thể lựa chọn BMP vào trong danh mục dài hạn của mình.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin điểm danh một số rủi ro có thể xảy đến với BMP trong Q4 sắp tới đây:
Mức nền doanh thu và lợi nhuận của Q4/23 rất cao, nếu báo cáo Q4 không vượt qua được con số lợi nhuận trên 260 tỷ thì sẽ gây thất vọng cho nhà đầu tư và dễ bị bán tháo như case của PNJ, MWG,… trong thời gian gần đây.
Việc tiếp tục hạ giá, chiết khấu để giữ thị phần sẽ làm giảm biên lãi ròng của doanh nghiệp. Cân bằng giữa thị phần và biên lãi sẽ là một bài toán khó cần BMP giải quyết trong thời gian tới.
PE hiện tại đã ở mức 11,2 lần – cao hơn mức trung bình 3 năm gần đây là 10 lần nên không còn quá hấp dẫn.
III. Đánh giá, kết luận
Tổng kết lại, chúng tôi cho rằng báo cáo Q3 của BMP là một báo cáo khá tốt, tuy nhiên chúng tôi vẫn lo ngại một số điểm sau:
Mức nền cao của Q4/23 sẽ là cản trở đáng kể khiến BMP khó duy trì mức tăng trưởng mạnh như hiện nay. Hiện tại giá NVL đầu vào giảm mạnh tạo môi trường kinh doanh lý tưởng cho doanh nghiệp, những việc phải ghi nhận chi phí vào việc chiết khấu, đánh chiếm thị phần sẽ khiến biên lãi ròng nhiều khả năng quay trở lại mức dưới 20% sau 2 quý vất vả duy trì.
Thị trường BĐS và đầu tư công có dấu hiệu tích cực hơn, nhưng tín hiệu này chưa quá sắc nét mà cần thêm thời gian, từ đó khiến sản lượng của BMP chưa thể bứt phá ngay được.
Sau mức tăng lên đến 40%, hiện PE của BMP không còn quá hấp dẫn. Hiện mức PE đạt ở mức 11,2 lần, cao hơn trung bình 3 năm gần đây. Tuy nhiên mức cổ tức lại rất hấp dẫn, lên đến 11% cho năm nay, phù hợp với nhà đầu tư ôm dài hạn để lấy cổ tức.
Hiện thị trường đang bước vào vùng khó khăn, sự phân hóa rất rõ nét nên nhà đầu tư cần thận trọng phân tích trước khi xuống tiền mua cổ phiếu của một doanh nghiệp thay vì chỉ nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận như trước đây. Với báo cáo này thì chúng tôi thấy khá tốt, nhưng chưa đủ đẹp để team đưa khuyến nghị mua, nhất là khi giá đã treo ở vùng cao như vậy. Với diễn biến này, chúng tôi cho rằng trong Q4, giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ khó bứt phá thêm mà cần tái tích lũy lại ở vùng quanh 120.000đ/cổ phiếu và chờ thêm báo cáo Q4 để đánh giá tiếp tình hình.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường