Black Pink, rác, và khai phóng
Một người bạn hỏi tôi “Black Pink có cái gì mà nhiều người hâm mộ dữ? Em xem xong thấy âm nhạc thì dưới trung bình, nhảy nhót cũng dưới trung bình, cả nghe và nhìn nó xàm xàm. Tất nhiên là sân khấu hoành tráng vì nhiều tiền nhưng điều này đâu có cứu vãn được chất lượng nghệ thuật? Em thiệt không hiểu!”
Đừng vội đánh giá bạn tôi. Hãy tìm hiểu bạn ấy 1 xíu. Bạn ấy có con nhỏ. Bạn ấy cho con nghe nhạc từ cổ điển của Mozart, Beethoven, Schubert, … cho đến Cocomelon. Con bạn ấy học nhảy từ ballet cho đến street dance. Con bạn ấy theo chân ba mẹ đi làm và du lịch gần như khắp thế giới. Bạn ấy có 1 business bán hàng cho gen Z.
“Anh nghĩ là em đã hiểu sai về Black Pink”, tôi nói.
Black Pink không phải là ca vũ nhạc mà em đi đánh giá theo tiêu chí ca vũ nhạc. Black Pink là công nghệ idol. Họ không bán ca vũ nhạc, họ bán một câu chuyện, họ bán một trải nghiệm vay mượn qua câu chuyện đó.
Hồi nhỏ anh xem phim kiếm hiệp nhiều lắm. Đi học về là xem hết tập này qua tập khác. Không phải là phim quá hay mà là anh sống với các câu chuyện đó. Anh luôn muốn biết Tỉnh ca sẽ đi về đâu, Lệnh Hồ ca sẽ như thế nào, Tiêu Phong sẽ vượt qua thử thách ra sao. Anh vui và buồn với các câu chuyện trong phim. Rồi một hôm anh nhận ra, ủa, mấy cái này trong phim mà, hơi đâu, nhà bao việc. Thế là anh quay về với cuộc sống của mình. Rồi anh nhận ra, sống cuộc sống của mình nó khó hơn là sống với các câu chuyện trong phim. Cực lắm! Cũng may, anh chưa bao giờ quay lại cuộc sống theo phim mà vẫn tiếp tục sống cuộc sống của mình một cách trọn vẹn nhất. Cực nhưng vui và ý nghĩa. Anh vẫn xem phim. Nhưng bây giờ anh xem phim để giải trí. Các câu chuyện trong phim không bao giờ đi ra khỏi bộ phim và anh không bao giờ quan tâm đến các diễn viên có cuộc sống thế nào.
Black Pink hay các thể loại idols của Hàn hiện nay là xây dựng một câu chuyện để bán cho những người thích các trải nghiệm vay mượn. Trải nghiệm vay mượn lúc nào cũng dễ hơn trải nghiệm thật nên nó rất cuốn hút với đám đông, nhất là các bạn trẻ. Rất nhiều người lăn theo trái bóng trên TV, nhưng rất ít người thật sự ra sân để lăn theo trái bóng.
Câu chuyện của Black Pink là hành trình gian khổ của các cô gái nhỏ phấn đấu để trở thành idols. Theo như một bà mẹ có con nhỏ là fan của Black Pink thì “cái hay là tuổi trẻ đủ mọi sắc dân đều đam mê thể loại nhạc này vì kpop songwriters rất giỏi mang vào bài nhạc những câu chuyện rất thường ngày, những khó khăn nổ lực của chính các thành viên trong band, những hoàn cảnh từ đứa trẻ nghèo nhưng có đam mê và hăng say luyện tập đến thành idol là 1 hành trình khó khăn vô cùng, và giới teens mê cái attitude đó, "You can do it if you give it your own".”
Các bạn trẻ chỉ cần “trải nghiệm” Black Pink thì đã có thể vay mượn câu chuyện đó. Nó dễ và hấp dẫn hơn là tự mình phấn đấu để trở thành idols. Tất nhiên là bạn không thể trở thành Black Pink bằng cách hâm mộ Black Pink! Muốn trở thành một cái gì đó trong đời thực thì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Black Pink rời Hà Nội đã để lại … một đống rác (hình 1)! Tất nhiên là với doanh số như thế và với biên lợi nhuận cao nhất trong các tour diễn trên thế giới, Black Pink hoàn toàn có thể thuê một đội ngũ vệ sinh chuyên nghiệp dọn dẹp sau đêm diễn với 1 ít tiền lẻ. Nhưng có lẽ họ đang lo phấn đấu thành các idols tài sắc vẹn toàn nên … quên mấy chuyện lẻ tẻ này.
Đừng vội phê phán các fans của Black Pink nhé. Rác là biểu hiện của trình độ khai phóng. Đi qua các thành phố ở Mỹ thì tôi thấy thế này, nơi nào càng khai phóng thì càng có nhiều rác. Các thành phố khai phóng hàng đầu ở Mỹ như San Francisco, Los Angeles, New York, Chicago, … là những thành phố nhiều rác nhất. Quang cảnh sau đêm diễn của Black Pink ở Hà Nội rất giống ở các thành phố trên sau các sự kiện tương tự. Hình 2 là sau một suất chiếu phim ở rạp trong Thung Lũng Silicon thần thánh ở gần San Francisco mà mình đi xem.
Xem đống rác sau đêm diễn của Black Pink thì có lẽ trình độ khai phóng của Hà Nội đã ngang tầm các thành phố trên. Vậy mà nhiều bạn Việt Nam cứ kêu gào giáo dục Việt Nam không có khai phóng, phải khai phóng hóa giáo dục Việt Nam. Lạ!
Khi mới qua Mỹ mình cũng thích khai phóng lắm. Dọn về San Francisco ở cho bằng được (đó là một quyết định rất đắt giá mà mình sẽ kể sau). Nhưng bây giờ mình đã dọn ra ở một nơi ít khai phóng hơn để … tránh rác. Không biết sao nhiều người vẫn thích rước thêm khai phóng về Việt Nam. Có nhiều cái nghe thì hay nhưng thực tế nó khác lắm cơ.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường