Bình minh trung tâm Kuala Lumpur nhìn từ trên cao
Nếu như tòa tháp đôi Petronas hay KL Tower đã quá quen thuộc thì thủ đô của Malaysia ngày nay có thêm một biểu tượng mới là tòa nhà Merdeka cao thứ hai thế giới. Tất cả tạo nên một Kuala Lumpur hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Kuala Lumpur là thủ đô liên bang và là thành phố đông dân nhất tại Malaysia. Nội thị thành phố này có diện tích 243km², dân số gần 2 triệu người. Cả vùng đô thị Kuala Lumpur rộng hơn 2.200 km² và dân số trên 8,1 triệu người.
Là một thành phố trẻ, khởi nguyên vào những năm 1850, Kuala Lumpur có nhiều công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, pha trộn giữa kiến trúc truyền thống châu Á, Hồi giáo Malaysia, hiện đại và hậu hiện đại.
Nói đến Kuala Lumpur không thể không nhắc tới tòa tháp đôi Petronas. Với chiều cao đo được từ mặt đất lên đến đỉnh là 452m, tòa tháp này từng giữ vị trí cao nhất thế giới từ năm 1998 đến tháng 10/2003.
Công trình được thiết kế dựa trên cảm hứng từ kiến trúc của các nhà thờ Hồi giáo kết hợp với phong cách hiện đại, tạo nên sự độc đáo không nơi nào trên thế giới có được.
Được đầu tư xây dựng bởi tập đoàn dầu khí hùng mạnh nhất Malaysia, tòa tháp được đánh giá là địa điểm thuê văn phòng với không gian làm việc lý tưởng bởi bên trong có những khu vực rộng tới 1.300 – 2.000m2.
Biểu tượng thứ hai ở thủ đô của Malaysia là Tháp truyền hình Kuala Lumpur (KL Tower). Với chiều cao 421m, đây từng là tháp viễn thông cao thứ 7 thế giới (tụt một bậc trong bảng xếp hạng sau khi Tokyo Skytree khai trương vào năm 2012).
Tháp được xây dựng trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, cho tầm nhìn tuyệt vời để ngắm trung tâm thành phố. Phía trên tháp có một đài quan sát Sky Deck ở độ cao 300m so với mặt đất. Công trình mở cửa cho du khách lên tham quan từ năm 1996 (gần 5 năm sau khi bắt đầu xây dựng).
Nhìn từ trên cao, Kuala Lumpur còn có một công trình mới sắp khánh thành hoàn toàn là tòa nhà Merdeka. Tháp này cao 678,9m (bao gồm cả phần chóp) với 118 tầng, hiện cao thứ hai thế giới (sau tòa tháp Burj Khalifa ở UAE) và cao nhất Đông Nam Á.
Nằm trong không gian công cộng rộng lớn, không có ô tô, bao gồm cây xanh và mặt nước tòa tháp Merdeka 118 có diện tích sử dụng khoảng 3.1 triệu m2. Công trình đã được xây dựng trong 5 năm. Về thiết kế, lớp bên ngoài tòa nhà được lấy cảm hứng từ các hoa văn nghệ thuật thủ công của Malaysia và được tạo thành từ sự sắp xếp điêu khắc của các phần kính hình tam giác.
Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Malaysia khởi động chương trình chuyển đổi kinh tế, mở rộng loại hình du lịch hội nghị, thúc đẩy Kuala Lumpur trở thành điểm du lịch mua sắm hàng đầu châu Á.
Với nhiều trung tâm shopping, bán lẻ và thời trang rộng lớn, chính sách thuế ưu đãi, thủ đô của đất nước Hồi giáo này được đánh giá là “thiên đường mua sắm”, vượt cả Bangkok (Thái Lan) hay Singapore.
Cơ sở hạ tầng của Malaysia cũng được chú trọng đầu tư. Nhờ có hệ thống giao thông hiện đại và toàn diện, kinh tế Kuala Lumpur nhanh chóng phát triển với tốc độ nhanh và hiệu quả.
Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền thành phố dự kiến tất cả lĩnh vực (hành chính, trường học, bệnh viện, giải trí...) đều được quản lý nhờ giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Với gần 40 triệu dân, có 3 dân tộc chính gồm Malay, Hoa và Ấn, Malaysia là quốc gia đa chủng tộc nhưng sống rất hài hòa. Sau khi đại dịch Covid-19 được không chế, vương quốc Hồi giáo mở cửa du lịch hoàn toàn từ 1/4/2022 và đã đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế trong vòng 8 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường