Binance mất dần thị phần trước các vướng mắc pháp lý
Các sàn giao dịch tiền điện tử quy mô nhỏ đang ngày càng mở rộng thị phần của họ ở châu Á, trong khi Binance còn phải vật lộn với nhiều vấn đề pháp lý và khó được chấp nhận.
Các sàn giao dịch tiền điện tử toàn cầu đang chiếm thị phần giao dịch Bitcoin của Binance bên ngoài Hoa Kỳ trước nỗ lực mở rộng ra nước ngoài và làn sóng quy định bắt đầu định hình lại động lực cạnh tranh của lĩnh vực tài chính kỹ thuật số.
Theo công ty nghiên cứu Kaiko, trong năm qua, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance đã chứng kiến tỷ lệ giao dịch Bitcoin giảm mạnh xuống 55,3% từ 81,3%. Đối với các altcoin, tỷ lệ này giảm xuống 50,5% từ 58%.
Các nhà phân tích của Kaiko ghi chú: “Ở những thị trường ngoài Hoa Kỳ, các sàn giao dịch nhỏ hơn đang lấy đà tăng tốc khi khối lượng giao dịch tiền điện tử phục hồi. Trong đó, một số nền tảng như Bybit và OKX ngày càng mở rộng thị phần của họ ở châu Á, trong khi Binance còn phải vật lộn với nhiều vấn đề pháp lý. Theo đó, thị phần giao dịch Bitcoin ngoài Hoa Kỳ của Bybit đạt 9,3% trong năm qua, tăng từ mức 2% còn OKX hiện chiếm 7,3%, tăng từ 3%”.
Toàn bộ ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số đã được hưởng lợi từ việc giá Bitcoin tăng gấp bốn lần từ đầu năm ngoái, đưa đồng tiền lên mức cao kỷ lục 73.798 USD/BTC vào tháng 3/2024, thúc đẩy khối lượng giao dịch tăng vọt. Sau nhiều phiên trồi sụt, tính đến chiều ngày 26/4, giá Bitcoin chỉ còn giao dịch quanh mốc 64.500 USD/BTC.
Được biết, sàn giao dịch tiền điện tử Binance thành lập vào năm 2017 bởi doanh nhân người Canada gốc Hoa Changpeng Zhao và trở thành một gã khổng lồ về tiền điện tử.
Chỉ vài tháng sau khi ra mắt, Binance đã xuất hiện trong số các sàn giao dịch hàng đầu xét theo khối lượng giao dịch, cạnh tranh với các sàn giao dịch kỳ cựu của Mỹ như Coinbase. Thành công của nó một phần là nhờ vào việc cung cấp token ban đầu (ICO) thành công và nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ sẵn sàng đón nhận các altcoin mới trên thị trường.
Đến tháng 11/2023, Changpeng Zhao đã buộc phải từ chức CEO sau khi bị buộc tội vi phạm luật chống rửa tiền ở Hoa Kỳ và phải nộp phạt hơn 4 tỷ USD. Theo Bloomberg đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang yêu cầu mức án 3 năm tù dành cho cựu CEO.
Binance đã và đang cố gắng xây dựng lại danh tiếng của mình đồng thời hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Dưới thời giám đốc điều hành mới - ông Richard Teng, sàn giao dịch này cũng thắt chặt hơn các quy tắc niêm yết token và bổ nhiệm một ban giám đốc mới.
Tuy nhiên, vấn đề của Binance ở Mỹ đã ảnh hưởng đến sàn giao dịch trên phạm vi toàn cầu khi một số cơ quan chức năng bắt đầu thể hiện thái độ thận trọng hơn. Tuần trước, chính quyền Dubai mặc dù đã đồng ý cấp cho Binance FZE (Binance Dubai) giấy phép Nhà cung cấp tài sản ảo đầy đủ, nhưng lại trì hoãn việc phê duyệt cho đến khi cựu CEO Changpeng Zhao đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát biểu quyết đối với tổ chức này. Các nhà chức trách nhấn mạnh vào điều này, vì những vấn đề pháp lý của sàn giao dịch đang khá “nóng”.
Điều này cũng xảy ra tương tự ở Hàn Quốc. Tháng 2/2023, Binance đã mua lại phần lớn cổ phần của sàn giao dịch tiền điện tử địa phương - Gopaxvà cố gắng tái gia nhập Hàn Quốc thông qua Gopax sau khi rời bỏ thị trường này vào tháng 1/2021. Đồng thời mua lại cổ phần tại các sàn giao dịch địa phương khác để tiếp tục mục tiêu của mình. Nhưng các báo cáo đều cho thấy, Binance đang tìm cách rời khỏi mảnh đất này lần thứ hai vì triển vọng pháp lý nhìn chung không thuận lợi.
Nhìn chung, các cơ quan quản lý ở thị trường châu Á đang phát triển các quy tắc chặt chẽ hơn đối với dịch vụ tiền điện tử, một số trong đó có vẻ khó chấp nhận đối với Binance.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường