menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Vân

Big Tech tiếp tục đẩy mạnh M&A trong năm 2021 bất chấp nỗ lực kiểm soát của Mỹ

Bất chấp những nỗ lực tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ lớn của Chính phủ Mỹ, Microsoft, Amazon và Alphabet đã công bố nhiều giao dịch mua lại doanh nghiệp trong năm 2021.

Theo số liệu của công ty phân tích thị trường Dealogic, bất chấp những nỗ lực tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ lớn (Big Tech) của Chính phủ Mỹ, Microsoft, Amazon và Alphabet đã công bố nhiều giao dịch mua lại doanh nghiệp trong năm 2021 hơn bất kỳ năm nào trong thập kỷ qua.

Giới quan sát cho rằng điều này báo hiệu các “đại gia” trên đang cố gắng tăng tốc giao dịch mua lại doanh nghiệp trước một cuộc điều tra chống độc quyền sắp tới - hoặc họ không tin rằng các nhà quản lý Mỹ có bằng chứng đủ mạnh để kiện ngăn chặn hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) của mình.
Trong bảy tháng kể từ khi bà Lina Khan nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), đã có một “cuộc chiến tranh lạnh” giữa một số công ty công nghệ lớn nhất và giới chức quản lý. Bà Khan đã không ngần ngại đề xuất FTC tích cực thực thi chính sách chống độc quyền.

Tới nay, bà đã đệ đơn khiếu nại chống lại Facebook, với tuyên bố rằng vụ mua lại mạng xã hội Instagram và ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã góp phần cho vị thế độc quyền trên thị trường mạng xã hội của Facebook. Phía Facebook và Amazon cũng chỉ trích rằng Chủ tịch FTC đương nhiệm không thích hợp để đánh giá một cách công bằng các vấn đề liên quan đến các công ty đó.
Câu hỏi đặt ra cho năm 2022 là liệu tình hình có “nóng lên” hay không.

Thỏa thuận trị giá 69 tỷ USD của Microsoft mua lại nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard trong tuần này là ví dụ mới nhất về việc một Big Tech có khả năng thách thức hành động của các nhà quản lý ra sao.

Thương vụ này cũng tiếp nối một số thỏa thuận lớn trong năm 2021 của các “đại gia” công nghệ, bao gồm vụ chi 19 tỷ USD mua lại công ty phần mềm Nuance Communications của Microsoft và thỏa thuận 8,5 tỷ USD của Amazon với công ty sản xuất phim MGM Studios.
Theo Dealogic, tính riêng trong năm 2021, Alphabet đã có 22 giao dịch, Microsoft là 56 giao dịch và Amazon thực hiện 29 giao dịch - đây đều là những mức cao nhất trong 10 năm của mỗi công ty.

Mặc dù số liệu của Dealogic chỉ tính đến giá trị giao dịch được tiết lộ công khai, nhưng dựa trên những thống kê đó, tổng khối lượng giao dịch của Alphabet và Microsoft cũng ở mức cao nhất trong 10 năm, lần lượt là 22 tỷ USD và 25,7 tỷ USD.

Tổng khối lượng giao dịch của Amazon là 15,7 tỷ USD - chỉ kém một chút so với mức cao nhất trong thập kỷ qua.
Ông Erik Gordon, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, cho biết: các Big Tech đang muốn nhanh chóng hoàn thành các giao dịch trước khi FTC thành công đưa ra án lệ mới. Khi một thẩm phán đã đặt ra một án lệ trong phòng xử án, các thẩm phán khác sẽ dễ dàng tuân theo án lệ đó hơn.

Cho đến nay, FTC dưới sự điều hành của bà Khan đang dựa vào chiến lược răn đe để kiểm soát hoạt động M&A của các công ty, trong khi họ phải vật lộn để bắt kịp sự gia tăng lịch sử về hồ sơ xin phép sáp nhập trên nhiều ngành khác nhau và ngân sách hạn chế.

Một trong những hành động như vậy là FTC sẽ gửi thư tới một số công ty đang tìm cách hợp nhất, cho họ biết cơ quan này sẽ tiếp tục điều tra các giao dịch ngay cả khi thời gian chờ theo luật định kết thúc.

Bức thư về cơ bản cảnh báo rằng các doanh nghiệp có thể tự chịu rủi ro khi hợp nhất, nhưng FTC sau đó có thể đệ đơn kiện để buộc họ đảo ngược giao dịch của mình.
Song hiện chưa rõ cơ quan này sẵn sàng mạnh tay tới đâu để hiện thực hóa các lời cảnh báo trên mặt trận chống độc quyền.

Giới phân tích lưu ý rằng những động thái nêu trên khó thay đổi hành vi của các công ty. Theo Giáo sư Gordon, cho đến khi các tòa án đưa ra phán quyết về cách luận giải luật chống độc quyền của các cơ quan quản lý, các Big Tech có thể sẽ tiếp tục tiến độ giao dịch như vũ bão với hy vọng hoàn thành càng nhiều thương vụ càng tốt.

Bên cạnh đó, những “ông lớn” này thường có nguồn lực tài chính để chi trả cho hàng chục luật sư, cả nội bộ lẫn bên ngoài, để tư vấn làm sao cho giao dịch của họ được chấp thuận.

Microsoft, Amazon, Meta (công ty mẹ của Facebook), Alphabet và Apple là năm cái tên bị xem xét kỹ lưỡng nhất khi tính tới về sức ảnh hưởng thị trường của họ.

Nhìn bề ngoài, việc Amazon mua một xưởng phim (MGM) hay Microsoft mua lại một công ty trò chơi (Activision) hoặc một công ty phần mềm Trí tuệ nhân tạo (Nuance) không có những yếu tố kích hoạt các cảnh báo chống độc quyền theo truyền thống.

Điều này đặt bà Khan vào tình thế phải chứng minh lập luận rằng luật chống độc quyền nên được điều chỉnh cho phù hợp với môi trường tư bản hiện tại.

Quốc hội Mỹ đang nghiên cứu các luật mới có thể giảm bớt công việc của giới hữu trách trong việc chứng minh trước tòa rằng một số hành vi nhất định của các nền tảng trực tuyến là bất hợp pháp.

Mới đây, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã đưa ra một dự luật lớn nhằm cấm các nền tảng trực tuyến lớn phân biệt đối xử với các sản phẩm của đối thủ trên nền tảng của họ.

Trong khi dự luật đó tập trung vào hành vi của công ty, các nhà lập pháp trong Hạ viện cũng đã xem xét một dự luật sẽ chuyển trách nhiệm chứng minh trong các giao dịch M&A sang các công ty lớn./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại