BIDV Thanh Hóa lộ “tử huyệt” trong vụ thu giữ tài sản của Công ty Hồng Phúc
BIDV Thanh Hóa sử dụng “biện pháp mạnh” để thu giữ tài sản của Công ty Hồng Phúc rồi đem bán đấu giá nhằm xử lý nợ xấu đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Vậy đâu là lỗ hổng pháp lý cần chắp vá nhìn từ vụ việc này?
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định thế nào về thu giữ tài sản bảo đảm?
Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định Quyền thu giữ tài sản bảo đảm nêu rõ:
“1. Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;
b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật…”.
Thực tế, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng áp dụng các thủ tục rút gọn thu giữ tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Thế nhưng, trong một số trường hợp khi áp dụng Nghị quyết vào thực tiễn vẫn còn nhiều điều khiến dư luận băn khoăn.
Vậy, đâu là lỗ hổng pháp lý cần chắp vá để việc thực thi Nghị quyết 42 hiệu quả hơn, đặc biệt là nhìn từ vụ việc Ngân hàng BIDV thu giữ tài sản của Công ty Cổ phần Hồng Phúc?
Cuộc vật lộn không cân sức
Khung cảnh hoang tàn, vắng vẻ bao trùm lên toàn bộ khuôn viên rộng lớn của Công ty Cổ phần Hồng Phúc sau lớp giấy niêm phong phía ngoài cảnh cổng. Ông Trần Tiến Quân, Giám đốc Công ty Hồng Phúc thở dài thườn thượt, chỉ dám liếc mắt nhìn căn phòng làm việc của mình bị “phong tỏa” phía bên trong. Cách đó không lâu, ông chủ doanh nghiệp Hồng Phúc bỗng này rơi vào cảnh trắng tay sau cuộc thu giữ tài của ngân hàng BIDV Thanh Hóa để xử lý khoản nợ xấu.
Cách đây vài năm, cú sốc vì làm ăn thua lỗ do biến cố của thị trường, cộng thêm di chứng của bệnh đột quỵ do tai biến, ông Quân đành giao phó, ủy thác quản lý doanh nghiệp cho các cổ đông.
Vị chủ doanh nghiệp đá xẻ từng nức tiếng với sản phẩm đã xẻ ở xứ Thanh không ngờ rằng có ngày ông cùng các cổ đông của mình bị đẩy ra đường vì biến cố nợ nần. Cơ ngơi mà bấy lâu ông cùng các cổ đông xây dựng bằng tất cả tâm huyết và tiền bạc bỗng chốc tiêu tan.
Chưa thể trả được khoản nợ ngân hàng, doanh nghiệp Hồng Phúc đối diện với viễn cảnh bị thu giữ tài sản. Ông Quân chạy đôn đáo kêu cứu, cầu viện sự giúp đỡ với hy vọng níu giữ lại chút tài sản mong manh, làm tiền đề để gây dựng lại danh tiếng của Hồng Phúc như cách đây vài năm.
Vị chủ doanh nghiệp nhớ như in ngày lực lượng thực hiện nhiệm vụ thu giữ tài sản công ty: “Mặc cho doanh nghiệp phản đối việc thu giữ tài sản, nhưng lực lượng bảo vệ được BIDV Thanh Hóa thuê đã dùng sức xốc nách, khống chế tôi và nhân viên công ty, áp giải ra khỏi phòng để thực hiện cưỡng chế thu giữ tài sản, bất chấp sự có mặt của chính quyền địa phương và lực lượng giữ gìn an ninh trật tự”.
Ông Quân chia sẻ, đó là cú sốc lớn đầu tiên trong cuộc đời làm kinh doanh của mình: “Chúng tôi không đủ sức để can ngăn hành vi khống chế người, thu giữ tài sản doanh nghiệp của nhóm vệ sĩ này”.
Vị chủ doanh nghiệp chua chát khi chứng kiến tài sản công ty bị kiểm kê, niêm phong để bán đấu giá mà không nói thành lời. Ông biết phía trước sẽ là quãng thời gian dài đằng đẵng với nhiều gian nan, thử thách để tìm lại cái tên Hồng Phúc nức tiếng một thời. Và rồi phía sau câu chuyện làm ăn của công ty là cuộc sống của hàng chục gia đình người lao động, mà nếu phá sản thì họ sẽ chẳng còn gì để bấu víu.
Tài sản bị thu giữ để bán đấu giá, ông Quân cùng các cổ đông đã ngược xuôi gửi đơn cầu cứu tới cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng đến nay, tất cả chỉ mới dừng lại ở màn tranh đấu pháp lý gay gắt chưa có hồi kết giữa hai bên.
BIDV lộ “tử huyệt” khi thu giữ tài sản
Nhìn nhận từ góc độ pháp luật, BIDV hoàn toàn có quyền thu giữ tài sản doanh nghiệp khi hai bên có thỏa thuận và cần theo tinh thần thượng tôn pháp luật theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng để xử lý nợ. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền của ngân hàng theo Nghị quyết 42 cần đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong việc thu giữ bởi đây vừa là quyền vừa là trách nhiệm của cả ngân hàng và doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu.
“Nút thắt” lớn nhất chưa được tháo gỡ trong vụ ngân hàng BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản của doanh nghiệp chính là việc nhà băng này dùng lực lượng vệ sỹ khống chế ông chủ, cán bộ doanh nghiệp để thu giữ tài sản bất chấp sự phản đối của họ.
Phía doanh nghiệp cho rằng, hành vi trên của ngân hàng là vi phạm “điều cấm” và trái với Nghị quyết 42 trong việc xử lý nợ xấu. Trong khi đó, ngân hàng BIDV thì có quan điểm ngược lại.
Mới đây, trong văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền, Ngân hàng BIDV Việt Nam tiếp tục khẳng định việc Ngân hàng BIDV Thanh Hóa áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng đối với việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc là có đầy đủ cơ sở pháp lý.
“BIDV Thanh Hóa đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Khoản 2, Điều 7, Nghị quyết 42, bao gồm cả điều kiện thứ 2: Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Cụ thể, theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm). Ngân hàng BIDV Thanh Hóa đã thu giữ và xử lý tài sản căn cứ vào thỏa thuận của Công ty Hồng Phúc tại các hợp đồng thế chấp tài sản và các biên bản làm việc được ký kết giữa Giám đốc Trần Tiến Quân - Đại diện pháp luật của Công ty và đại diện ngân hàng”.
Phía Ngân hàng BIDV Việt Nam cũng cho rằng, những nội dung khiếu nại của Công ty Hồng Phúc và BIDV Thanh Hóa đã được trả lời cụ thể, đồng thời, doanh nghiệp nên khởi kiện ra tòa án nếu không đồng ý với kết quả giải quyết.
“Các cơ quan chức năng đã xác minh và kết luận việc thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của BIDV thì có quyền khởi kiện tại tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật”, văn bản của ngân hàng BIDV Việt Nam nêu rõ.
Ngay sau khi BIDV có văn bản với nội dung giữ nguyên quan điểm về thu giữ tài sản, đại diện Công ty Hồng Phúc đã có văn bản phúc đáp gửi nhà băng này, đồng thời đưa ra các lập luận để khẳng định việc BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản doanh nghiệp là trái với quy định của pháp luật, không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định theo Nghị quyết 42.
Trao đổi về tính pháp lý khi ngân hàng BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản bảo đảm của doanh nghiệp Hồng Phúc, luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Hải Phòng, đại diện pháp lý của Công ty Hồng Phúc cho rằng, BIDV Thanh Hóa có nhiều vi phạm khi thu giữ tài sản doanh nghiệp.
Vị luật sư diễn giải: “Hợp đồng bảo đảm ký kết giữa Công ty Hồng Phúc với BIDV Thanh Hóa không có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”.
Do đó, việc thu giữ này vi phạm Điểm b, Khoản 2, Điều 7, Nghị quyết 42/2017/QH14: “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật)”.
Ngoài ra, vị luật sư cũng khẳng định, hành động thu giữ tài sản doanh nghiệp căn cứ vào các văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) của ngân hàng BIDV là không đảm bảo tính pháp lý để thực hiện thu giữ.
“Thứ nhất, việc BIDV cho rằng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc căn cứ vào thỏa thuận bằng biên bản làm việc được ký giữa ông Quân và Ngân hàng là không thỏa mãn các điều kiện cho việc thu giữ tài sản.
Khi có thỏa thuận khác thì việc sửa đổi hợp đồng phải được hai bên đồng ý sửa đổi bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 119 Bộ luật Dân sự). Trong khi biên bản làm việc giữa BIDV Thanh Hóa và ông Trần Tiến Quân không được công chứng, chứng thực nên hoàn toàn vô hiệu theo quy định tại Khoản 2, điều 117 Bộ luật Dân sự. Do đó, biên bản làm việc này không thể được coi như “văn bản khác” theo Khoản 1, Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 như tại văn bản của Ngân hàng BIDV.
Mặt khác, tại văn bản làm việc, ông Quân chỉ ký với tư cách cá nhân, không đại diện cho Công ty, không chức danh, không con dấu, do đó không thể coi là căn cứ thể hiện thỏa thuận, cam kết của Công ty Hồng Phúc với BIDV Thanh Hóa.
Tóm lại, việc BIDV Thanh Hóa căn cứ vào biên bản làm việc giữa cá nhân ông Trần Tiến Quân và ngân hàng để thực hiện thu giữ tài sản là không phù hợp, không đủ căn cứ pháp lý để thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc. Việc thu giữ này là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của Công ty và các cổ đông”, luật sư Tùng phân tích.
Ngoài ra, văn bản của Ngân hàng BIDV Việt Nam khẳng định việc thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Hồng Phúc là đúng quy định của pháp luật, nhưng không làm rõ được việc ngân hàng BIDV có được dùng người để khống chế ông chủ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thu giữ hay không. Hay nói cách khác, luật pháp có cho phép ngân hàng BIDV Thanh Hóa dùng vệ sỹ, khống chế, áp giải con nợ trong quá trình thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm hay không?
Nhận định về hành vi này, ông Tùng cho rằng, việc BIDV Thanh Hóa cho người khống chế cán bộ, nhân viên công ty khi thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm là hành vi xâm phạm thân thể, chỗ ở của cán bộ nhân viên Công ty Hồng Phúc: “Hành vi trên đã vi phạm điều cấm của pháp luật do: Xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm đến thân thể, danh dự, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 20 và Điều 22 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mặt khác, BIDV Thanh Hóa hoàn toàn không có thẩm quyền thực hiện việc cưỡng chế đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Do đó, rõ ràng việc thu giữ tài sản của BIDV Thanh Hóa đã vi phạm khoản 6 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.”
Mặt khác, BIDV Thanh Hóa thực hiện thu giữ trái với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Mặc dù Công ty Hồng Phúc không đồng ý việc thu giữ, nhưng BIDV Thanh Hóa vẫn cố tình tiến hành cưỡng chế thu giữ là trái với quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự: Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác".
Không ai có quyền đứng trên pháp luật
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thanh Hóa cho rằng, nếu phản ánh nêu trên của doanh nghiệp là đúng, thì ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm là chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
“Theo phản ánh của doanh nghiệp, tại thời điểm thu giữ, doanh nghiệp không đồng ý thu giữ. Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật và Nghị quyết 42 về thu giữ tài sản để áp dụng trong trường hợp này, thì ngân hàng thu giữ khi chưa đủ điều kiện. Tại thời điểm thu giữ, doanh nghiệp không đồng ý với việc thu giữ của ngân hàng. Trong trường hợp này hai bên phải đưa nhau ra tòa án để phán xử.
Trong tố tụng, cơ quan thi hành án là cơ quan thực hiện việc cưỡng chế tài sản. Trong hành chính thì phải theo quyết định của cơ quan hành chính về việc cưỡng chế tài sản của người vi phạm hành chính. Khi đó các lực lượng chức năng mới được tổ chức thực hiện. Trường hợp này, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên không được thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu giữ như cơ quan thi hành án”, luật sư Trịnh Ngọc Ninh cho hay.
Cũng theo Luật sư Ninh, trong trường hợp doanh nghiệp không hợp tác tại thời điểm thu giữ tài sản, điều 8, Nghị quyết 42 quy định cho ngân hàng 1 quyền “đặc biệt” đó là khởi kiện ra tòa án theo thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm.
“Trong trường hợp này, ngân hàng được thực hiện quyền khởi kiện Công ty Hồng Phúc ra tòa án, buộc Công ty Hồng Phúc phải có nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm để ngân hàng xử lý nợ theo quy định.
Về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp nợ ngân hàng thì phải có trách nhiệm trả. Nếu không trả thì phải có trách nhiệm xử lý tài sản bảo đảm để trả. Mọi tranh chấp đều được giải quyết trên tinh thần trước hết là tự nguyện, thương lượng, hòa giải khi phát sinh tranh chấp. Hai bên cần ngồi với nhau để có những thương thuyết, hòa giải, nhìn nhận những điểm chưa đúng của mình để cùng nhau tháo gỡ. Ví dụ, về phía doanh nghiệp, điểm chưa đúng là chưa thực hiện hợp tác đến cùng để cùng nhau xử lý tài sản bảo đảm.
Còn phía ngân hàng, tại thời điểm thu giữ tài sản, phía doanh nghiệp đã phản đối việc thu giữ, thì ngân hàng cần phải dừng lại để đưa nhau ra tòa án để phán xử. Cả hai phía có thể dùng phương pháp thương lượng để ngân hàng thu được nợ và doanh nghiệp đạt được quyền của mình đối với việc xử lý tài sản bảo đảm cũng như uy tín, danh dự của doanh nghiệp.
Trong trường hợp hai bên không thể ngồi với nhau để thương lượng được thì cần phải đưa vụ việc ra tòa án. Tòa án sẽ là cơ quan phán xử. Ngay tại tòa án, các bên cũng được thương lượng. Tòa án cũng là cơ quan trung gian để thực hiện hòa giải trước khi đưa vụ việc ra xét xử”, luật sư Trịnh Ngọc Ninh cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận