BIDV kỳ vọng gì từ thương vụ 20 nghìn tỷ với KEB Hana Bank?
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng 15% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng giá trị giao dịch ước tính 20,3 nghìn tỷ đồng.
Thông báo từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) mới đây cho biết: HĐQT của ngân hàng đã ban hành Nghị quyết số 696/NQ-BIDV về giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là 20.295.103.029.840 đồng.
Trong số 4 "ông lớn" ngân hàng do Nhà nước chi phối vốn gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, BIDV là ngân hàng thứ 3 có cổ đông chiến lược nước ngoài. Sau khi phát hành cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank, vốn nhà Nước tại BIDV sẽ giảm còn trên 80% vốn điều lệ, so với mức 95,28% trước đó.
Cũng như 3 cái tên còn lại, BIDV có vốn điều lệ quá thấp, không đáp ứng đủ hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) so với chuẩn Basel II, đặc biệt là khi mở rộng tín dụng. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thương vụ với KEB Hana Bank, vốn cấp 1 của BIDV sẽ tăng thêm khoảng 18 nghìn tỷ đồng (giả định giá phát hành mỗi cổ phần là 30.000 đồng).
Đồng thời, ngân hàng có dư địa huy động thêm vốn cấp 2 sẽ tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ số CAR theo Basel I mới tăng đáng kể lên khoảng 13%, ở mức chấp nhận được để tiếp tục xét lên chuẩn Basel II.
Với nguồn vốn thu được sau thương vụ, BIDV có thể tập trung cho hoạt động tín dụng thông qua cơ cấu lại danh mục cho vay với các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh; hoạt động đầu tư trên liên ngân hàng và giấy tờ có giá; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm mới và nâng cao chất lượng kinh doanh qua việc mở rộng kênh phân phối.
Trả lời trên VnEconomy, một lãnh đạo BIDV cho biết: KEB Hana Bank sẽ đóng góp cho BIDV mảng sản phẩm bán lẻ, phát triển hệ thống Digital Banking và quản trị rủi ro theo các chuẩn mực hiện đại.
Tại Nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2019, BIDV đặt mục tiêu huy động vốn tăng 11%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/7, giá cổ phiếu BID đứng ở mức 35.750 đồng/cp, cao hơn 6,3% so với mức giá dự kiến bán cho đối tác KEB Hana Bank. So với hồi đầu tháng, cổ phiếu BID đã tăng tới 13%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận