BIDV dự kiến phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu
Từ quý III - IV/2023, BIDV dự kiến phát hành tối đa 5 đợt trái phiếu, qua đó huy động 2.500 tỷ đồng.
HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giá trị 2.500 tỷ đồng trong năm 2023 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Dự kiến phát hành tối đa 5 đợt, khối lượng phát hành dự kiến mỗi đợt tối thiểu 50 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến từ quý III - IV/2023. Kỳ hạn trái phiếu từ 1 - 5 năm.
Lãi suất được quyết định cụ thể đối với mỗi đợt phát hành, trên cơ sở tình hình thị trường, khả năng chấp nhận/nhu cầu vốn của BIDV tại thời điểm phát hành. Lãi trái phiếu được trả sau, định kỳ hàng năm hoặc tuỳ theo quy định của ngân hàng tại mỗi đợt phát hành. Gốc trái phiếu được trả 1 lần vào ngày đáo hạn, trừ trường hợp trái phiếu được ngân hàng mua lại trước hạn hoặc tuỳ theo quy định của BIDV tại mỗi đợt phát hành.
Số tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu được BIDV sử dụng để cho vay khách hàng trong nền kinh tế. Trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của BIDV.
Về tình hình kinh doanh, khép lại quý II/2023, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của BIDV lần lượt đạt 13.807 tỷ đồng và 6.943 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ trích lập dự phòng rủi ro 6 tháng giảm tới 30%, giảm 4.118 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo BIDV, 6 tháng đầu năm nay ngân hàng chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng tín dụng theo mục tiêu, giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đạt mức tăng trưởng tốt.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của BIDV trong nửa đầu năm ghi nhận đạt 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với hồi đầu năm, một nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) với gần 13.000 tỷ đồng, tăng 10%.
Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) có diễn biến tăng nhanh, lên gấp 2,5 lần đến 7.729 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng tới 96%. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,59%.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng mở rộng thêm 0,2% lên 2.124 triệu tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng đạt hơn 1.629 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm đạt hơn 1.545 triệu tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận