BID: Chất lượng tài sản hồi phục sau quá trình tái cơ cấu
Trong 6T.2021, BID công bố tổng thu nhập hoạt động và LNTT đạt lần lượt 31.661 tỷ đồng (+42,9%) và 8.122 tỷ đồng (+86,3% yoy), hoàn thành 62% kế hoạch năm 2021. Tăng trưởng thu nhập tích cực đến từ biên lãi ròng NIM mở rộng, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi và tiết giảm chi phí hoạt động
KẾT QUẢ KINH DOANH 6T.2021
Lợi nhuận tăng cao nhờ cải thiện NIM và tiết giảm chi phí hoạt động
Thu nhập lãi thuần ghi nhận 23.528 tỷ đồng (+46,3% yoy, chiếm 74,3% tổng thu nhập hoạt động). NIM tăng lên 3,3% do chi phí vốn tiếp tục giảm nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp
Cho vay khách hàng của BID đạt 1.297 nghìn tỷ đồng (+6,8% ytd). Tỷ lệ dư nợ phân khúc bán lẻ của BID liên tục tăng trong các năm qua nhưng tỷ lệ dư nợ ngắn hạn cũng tăng (hiện chiếm 63,9% dư nợ), cùng với áp lực miễn giảm lãi suất khiến lợi suất cho vay duy trì thấp. Huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá ghi nhận 1.392 nghìn tỷ đồng (+7,9% ytd). Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng +5,5% ytd chiếm 95% tổng huy động, giấy tờ có giá tăng +54,7% ytd. Tỷ lệ CASA tăng nhẹ lên 18,2%.
Thu nhập từ các hoạt động ngoài lãi đạt 3.199 tỷ đồng (+33,9% yoy, chiếm 25,7% tổng thu nhập hoạt động). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ duy trì mức tăng cao, đạt 5.259 tỷ đồng (+39,2% yoy), trong khi lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán chỉ đạt 79 tỷ đồng (-92,7%) do thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khoảng 500 tỷ đồng. Lợi nhuận khác với cấu phần lớn nhất từ thu hồi nợ xấu đã xóa đạt 3.966 tỷ đồng (+118,9% yoy), với hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy mạnh nhờ thị trường bất động sản thuận lợi.
Chi phí hoạt động ghi nhận 17.696 tỷ đồng (+7,1% yoy). Kể từ năm 2017, ngân hàng đã liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ, cũng như sự hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược. Trong năm 2021, nhiều chi phí hoạt động được cắt giảm, nhờ đó tỷ lệ CIR giảm mạnh xuống 25,4%. BID hiện là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất ngành.
Chất lượng tài sản cải thiện
Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 1,63%, giảm nhẹ so với mức 1,76% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) cải thiện đáng kể từ Q4.2020, hiện duy trì ở mức 2,7%. Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 và 03 ghi nhận khoảng khoảng 13.400 tỷ đồng, tương đương 1% dư nợ, giảm -55% so với cuối năm 2020. BID dự kiến sẽ trích lập khoảng 5.000 tỷ đồng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong năm nay
BID tiếp tục duy trì tỷ lệ xóa nợ cao đạt 6.683 tỷ đồng trong kì (+49% yoy). Chi phí trích lập dự phòng đạt 15.424 tỷ đồng (+48,9% yoy), tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) tăng lên 131.3%, cao hơn mức trung bình của hệ thống.
TRIỂN VỌNG KINH DOANH
Triển vọng
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chất lượng tài sản ngày càng cải thiện: Hiện ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và dự kiến hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2021. Do đã trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2021 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tích cực trong năm 2021 khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt và trọng tâm dần chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ: BID vừa nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 9,5%. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng tín dụng của BID có thể được cải thiện trong Q4.2021 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt với nhu cầu tín dụng tăng cũng như lực đẩy từ việc tăng vốn, đồng thời ngân hàng cơ cấu lại danh mục tập trung tăng tỷ trọng phân phúc bán lẻ và doanh nghiệp SME nhằm cải thiện mức lãi suất cho vay cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu
Kiểm soát tốt chi phí hoạt động: Tỷ lệ CIR ở mức thấp của ngành nhờ sự hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược, cùng với việc ứng dụng công nghệ mới và các giải pháp số hóa vào hoạt động (như Ứng dụng Smartbanking, hệ thống nộp và rút tiền tự động CRM,…).
Lộ trình tăng vốn 2021-2023: Kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2% đang xin ý kiến chấp thuận của chính phủ, trong khi đó kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 8,5% đang tiếp tục trong giai đoạn đàm phán. Lộ trình tăng vốn của BID có thể lùi lại một năm so với dự kiến, theo đó, NHNN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65% vào cuối năm 2023. Như vậy, trong 2 năm tới, tỷ lệ cổ phần còn lại cho cổ đông ngoại còn hơn 15%; đây là mức hấp dẫn để thu hút các quỹ ngoại hoặc một đối tác chiến lược tiềm năng khác.
Rủi ro
Các rủi ro đối với BID bao gồm:
(1) Rủi ro nợ xấu: Trong trường hợp dịch bệnh tiếp diễn kéo dài, nợ xấu và nợ tái cơ cấu của BID có thể tăng nhanh và ngân hàng sẽ phải đối mặt với một giai đoạn trích lập dự phòng ở mức cao kéo dài hơn so với kế hoạch hiện tại.
(2) Rủi ro biên lãi ròng NIM thu hẹp: Các NHTM nhà nước chịu nhiều áp lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng hơn các NHTM tư nhân. Từ tháng 7.2021, BID đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, với tổng doanh thu hỗ trợ khách hàng là 7.100 tỷ đồng cho cả năm. Với tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) xoay quanh mức 86- 87%, sắp tới BID có thể phải chịu rủi ro về chi phí vốn khi tăng huy động để đảm bảo tỷ lệ LDR đáp ứng quy định. Lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lãi suất huy động khó giảm thêm có thể khiến cho biên lãi ròng NIM của BID thu hẹp làm giảm tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo
(3) Rủi ro trì hoãn trong việc tăng vốn: Nếu điều kiện thị trường không thuận lợi do dịch Covid, kế hoạch tăng vốn có thể tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng tín dụng cho các năm tới.
ĐỊNH GIÁ
Dự phóng 2021
Dự phóng của chúng tôi dựa trên một số giả định chủ yếu sau:
(1) Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 10%.
(2) Lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi đạt 6,8%.
(3) Chi phí vốn giảm xuống 4,5%.
(4) Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu tăng lên 101%.
(5) Tỷ lệ CIR giảm xuống 33,3%.
Như vậy, cho năm 2021, chúng tôi giảm nhẹ dự phóng LNTT của BID đạt 14.881 tỷ đồng (+64,9% yoy), tương đương EPS đạt 2.588 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 22.746 đồng/cổ phiếu. Một số chỉ tiêu cụ thể như sau:
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận