BID – Nợ xấu nội bảng được kiểm soát
LNTT Q3/23- VDSC cho rằng Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng nhẹ, tuy nhiên các cấu phần chi phí kéo giảm tăng trưởng LNTT.
Trong quý 3/23, LNTT của BID là 5,9 nghìn tỷ (-12% yoy). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, LNTT của BID là 19,7 nghìn tỷ (+11% yoy) và hoàn thành được 78% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023 của ngân hàng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 17,8 nghìn tỷ đồng trong Q3/23 (+1,9% yoy). Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) đạt 13,7 nghìn tỷ đồng (-2,2% YoY), thu nhập phí dịch vụ và thu nhập từ kinh doanh ngoại hối là điểm sáng khi đạt lần lượt 1,7 nghìn tỷ đồng (+22,4% YoY) và 1,6 nghìn tỷ đồng (+109,9% YoY). Trong khi đó, hoạt động thu hồi nợ cho thấy sự chậm lại svck khi thu nhập từ hoạt động khác ghi nhận giảm 29,9% yoy xuống 741 tỷ đồng.
Về phía chi phí, tỷ lệ CIR (TTM) tăng 68 điểm cơ bản chủ yếu do chi phí lương nhân viên tăng 16,5% yoy làm cho chi phí hoạt động tăng 10,9% yoy. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tăng 9,6% yoy, tương đương với chi phí tín dụng (TTM) đi ngang ở mức 1,28%.
Lãi suất huy động bình quân giảm mạnh giúp đà giảm của NIM chậm dần
Trong quý 3 năm 2023, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt mức tương đối cao so với mặt bằng chung các ngân hàng quốc doanh đạt 8,3% YTD, chủ yếu đến từ danh mục cho vay khách hàng trong khi số dư trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giảm -33% YTD (đóng góp 0,5% tín dụng so với mức 0,8% cuối năm 2022). BID cũng cho thấy tỷ trọng đóng góp của khối khách hàng cá nhân tăng trở lại mức 44% sau khi giảm nhẹ về mức 43% trong Quý 2.
Về khía cạnh huy động, VDSC nhận thấy tăng trưởng huy động đạt mức 7% YTD, trong đó tiền gửi khách hàng tăng trưởng 7,46% YTD. Đáng chú ý, tiền gửi đến từ khách hàng cá nhân chiếm phần lớn tỷ trọng, ở mức 50% đảm bảo cho sự ổn định của huy động. Tỷ lệ CASA tiếp tục cho thấy sự phục hồi lên mức 18%.
Chi phí huy động (quy năm) trong quý 3 đã giảm 32 bps phản ánh các đợt giảm lãi suất trên toàn hệ thống. Trong khi đó, với việc lợi suất tài sản giảm 33 bps dẫn đến mức sụt giảm nhẹ đối với NIM ở mức 2bps so với giai đoạn Quý 2/2023. VDSC kết luận trong ngắn hạn, việc lãi suất huy động giảm nhanh và mạnh đang là yếu tố tác động tích cực nhất đến NIM. VDSC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong quý 4/2023, giúp NIM cân bằng và hoàn tất quá trình tạo đáy.
Chất lượng tài sản: Nợ xấu nội bảng được kiểm soát
Chất lượng tài sản của BID duy trì khi tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng hợp nhất đi ngang so với quý trước khoảng 1,59%, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm 30 bps so với quý trước. Nợ xấu hình thành ròng hàng quý ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 4 quý trở lại đây ở mức 3,9 nghìn tỷ đồng, làm cho tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng (TTM) giảm từ 1,99% trong quý 2 xuống 1,76%. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro của BID ghi nhận tăng 9,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí tín dụng (TTM) của BID tại thời điểm quý 3 ghi nhận ở mức 1,28%, thấp hơn rất nhiều so với mức 2% các năm qua.
Nợ cơ cấu (theo Thông tư 02/2023) có chiều hướng tăng trong quý 3/2023, lên 24 ngàn tỷ đồng. Mặc dù BID đã trích lập dự phòng 50% cho khoản nợ này theo quy định của Thông tư, VDSC cho rằng đây vẫn là yếu tố cần tiếp tục theo dõi.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận