Bị "tố" không nộp phần thuế thu hộ cho tài xế, Grab giải thích thế nào?
Mới đây một số tài xế “tố“ Grab đã giữ 3,6% tổng doanh thu khách hàng với danh nghĩa nộp hộ thuế VAT, thuế TNCN, nhưng... không nộp về Cục thuế.
Grab thu thuế hộ nhưng không... nộp hộ (!?)
Trong đơn khiếu nại gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Tòa án Nhân dân Quận 10, ông Nguyễn Văn Hưng - chủ sở hữu của chiếc ô tô mang biển số: 51F-940.46, và là xã viên của HTX Dịch vụ - Thương mại - Vận tải Hòa Bình, cho biết: "Tôi đã hợp tác với Công ty TNHH Grab đối với các tài xế, đối tác của Grab trong việc cung cấp dịch vụ Grabcar từ tháng 1/2018 đến ngày 14/11/2018. Doanh thu khách hàng trong thời gian từ 1/1/2018 đến ngày 14/11/2018 là gần 205,5 triệu đồng. Trong đó, tôi hưởng 75% doanh thu, tương ứng 154,1 triệu đồng và Grab hưởng 25% doanh thu, tương đương 51,4 triệu đồng. Bên cạnh việc thu phí sử dụng phần mềm 25% doanh thu, Grab còn thu 3,6% tổng doanh thu khách hàng để nộp tiền thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân”.
Bộ GTVT gửi công văn cho Sở GTVT TP.HCM đề nghị giải quyết những kiến nghị của tài xế Grab (Ảnh: Quốc Hải)
Sau khi Grab đột ngột ngắt ứng dụng vào ngày 14/11/2018, ông Hưng đã nhiều lần đề nghị Công ty TNHH Grab phát hành chứng nhận đã nộp thuế VAT và thuế TNCN cho khoản thu nhập được phân chia, nhưng công ty chưa thực hiện.
Ngày 4/4/2019, ông Hưng đã làm đề nghị xin xác nhận nộp thuế TNCN lên Cục thuế TP.HCM lần thứ nhất. Đến ngày 9/4/2019, Cục thuế TP.HCM đã có văn bản trả lời số 4786/TB-CT, trong đó nêu “Không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông Hưng…”
Đến ngày 18/6, ông Hưng nhận được chứng từ khấu trừ thuế TNCN kinh doanh, do Công ty TNHH Grab ghi ngày phát hành là 12/4/2019, theo đó xác nhận khoảng thời gian từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018 đã nộp thuế TNCN cho khoản thu nhập chịu thuế là 154,1 triệu đồng.
Để xác thực thông tin trên, ông Hưng tiếp tục gửi đơn xác nhận nộp thuế TNCN lên Cục thuế TP.HCM yêu cầu Cục thuế TP.HCM xác nhận việc đã hoàn thành nghĩa vụ thuế TNCN trong thời gian hợp tác với Công ty TNHH Grab giai đoạn 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, văn bản trả lời số 12092/TB-CT ngày 24/6/2019 của Cục thuế TP.HCM một lần nữa ghi rõ “Không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông Hưng trong tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2018 của công ty TNHH Grab trên hệ thống của cơ quan thuế”.
“Bên cạnh việc yêu cầu Công ty TNHH Grab cung cấp chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân, tôi vẫn tiếp tục yêu cầu Công ty TNHH Grab phải xuất trình những chứng từ chứng minh đã nộp thuế VAT cho tôi. Tuy nhiên, đề nghị này đến nay vẫn chưa được Công ty TNHH Grab đáp ứng”, ông Hưng cho hay.
Ngoài ra, ông Hưng cũng đòi khoản tiền bồi thường từ khi bị ngắt tài khoản với số tiền 1.250.000đồng/ngày tính từ ngày 15/11/2018 tạm tính đến ngày 18/04/2019 số tiền là: 192.500.000 đồng.
Bảng tính của các tài xế cho thấy cứ chạy 2km thì tài xế Grab lỗ gần 3.000 đồng (Ảnh: Quốc Hải)
Tương tự, tài xế Nguyễn Thế Thiện - chủ sở hữu ô tô mang biển kiểm soát số 93A- 130.86, cũng khởi kiện lên Tòa án Nhân dân Quận 10, cáo buộc Grab 4 điểm.
Thứ nhất, phải khôi phục tài khoản cho ông Thiện trên ứng dụng để ông tiếp tục hoạt động lại bình thường khi tự quyền khóa tài khoản trái với Quy tắc ứng xử GrabCar.
Thứ hai, buộc Grab phải chi trả khoản thu nhập kể từ ngày ngưng ứng dụng (ngày 21/11/2018) với khoảng bồi thường là 1.000.000đồng/ngày tính từ ngày ngưng ứng dụng ( 21/11/2018) đến thời điểm kích hoạt lại. Số tiền tạm tính là 100.000.000 VNĐ.
Thứ ba, Grab phải đưa ra một hợp đồng điện tử phù hợp và tuân thủ theo pháp luật hiện hành nhằm nâng cao quyền lợi song song với nghĩa vụ của đối tác là các tài xế.
Thứ tư, đề nghị Grab cung cấp hóa đơn chứng từ đã thu của tôi và đóng hộ tôi về phần thuế thu thập cá nhân và thuế VAT 3,6% trên doanh thu từ tháng 1 năm 2018 đến nay.
Grab hiện có tới 200.000 đối tác (Ảnh IT)
Grab giải thích thế nào?
Liên quan đến các cáo buộc của tài xế, Grab khẳng định những cáo buộc trên là sai sự thật. "Toàn bộ nghĩa vụ thuế bao gồm cả khoản nghĩa vụ thu hộ của đối tác được Grab nộp đầy đủ vào Ngân sách Nhà nước theo đúng kỳ thuế phát sinh. Hiện chúng tôi đã gửi công văn tới Cục Thuế TP.HCM đề nghị điều chỉnh lại thông tin cho chính xác", đại diện Grab khẳng định.
Theo Grab, cơ quan thuế đã ủy quyền cho Grab thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế cho các đối tác tài xế với tỷ lệ tổng cộng là 4,5% doanh thu của tài xế. Trong đó 3% là tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, 1,5% là tỷ lệ thuế TNCN.
“Những thành viên của hợp tác xã thì nghĩa vụ thuế sẽ được thực hiện thông qua mã số thuế nộp thay. Dữ liệu nếu cần tra soát cũng cần đối chiếu tại mã số thuế nộp thay này. Việc tra cứu nghĩa vụ thuế cá nhân kinh doanh thông qua mã số chính sử dụng cho mục đích tiền công, tiền lương của Grab như cách thức một số đối tác đang yêu cầu tra soát sẽ không thể phản ánh đúng thông tin về người nộp thuế", phía Grab cho hay.
Ngoài ra, Grab cũng khẳng định, mọi dữ liệu thuế trong suốt quá trình hoạt động của tất cả đối tác tài xế đã được cung cấp đầy đủ cho cơ quan thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường