‘Bệnh X’ bí ẩn bùng phát, một loạt quốc gia châu Á cảnh báo: Liệu có tái diễn kịch bản Covid-19?
Hàng chục người đã tử vong và hàng trăm người mắc phải căn bệnh giống cúm có tên gọi là 'Bệnh X'.
'Bệnh X' lần đầu tiên được phát hiện ở một khu vực hẻo lánh của Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối tháng 10/2024.
Các tổ chức y tế quốc tế và chính quyền Congo đã cử các đội ngũ đến điều tra, nhưng nguyên nhân của dịch bệnh vẫn chưa được xác định. Những người nhiễm bệnh gặp phải các triệu chứng như sốt, nhức đầu, ho, sổ mũi và đau cơ.
Hàng trăm người đã mắc phải căn bệnh giống cúm bí ẩn ở Congo
Tỷ lệ tử vong cao và số ca mắc bệnh được phát hiện trong một khoảng thời gian ngắn đã dấy lên lo ngại về sự xuất hiện của một tác nhân gây bệnh mới có khả năng lan rộng. Điều này xảy ra chỉ vài năm sau khi đại dịch Covid-19 buộc các quốc gia phải đóng cửa biên giới và khiến nền kinh tế, xã hội gần như đình trệ.
Mối đe dọa lan rộng tới châu Á
Không chỉ ảnh hưởng tại châu Phi, thông tin về Bệnh X đã làm dấy lên cảnh báo tại nhiều quốc gia châu Á. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã nâng mức độ giám sát y tế, đồng thời yêu cầu tăng cường phòng chống các bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu quốc tế.
Sân bay của Hong Kong (Trung Quốc) đã áp dụng lệnh kiểm tra sức khỏe nhằm chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện không có chuyến bay thẳng nào giữa Congo và Hong Kong nhưng có rất nhiều du khách tời Hong Kong quá cảnh tại các sân bay của châu Phi, đặc biệt là Johannesburg ở Nam Phi và Addis Ababa ở Ethiopia.
Theo đó, du khách sẽ được kiểm tra thân nhiệt. Những người có triệu chứng cần được tiến hành đánh giá y tế và sẽ chuyển các trường hợp nghi ngờ đến bệnh viện để kiểm tra.
Các chuyên gia y tế ở châu Á nhấn mạnh rằng khu vực này có mật độ dân số cao và giao thương quốc tế sôi động, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu Bệnh X vượt ra ngoài biên giới Congo. Những biện pháp như tăng cường kiểm tra sức khỏe tại sân bay và chuẩn bị cơ sở y tế dự phòng đã được triển khai, tương tự như giai đoạn của đại dịch Covid-19.
Chuyên gia từ WHO cũng cảnh báo rằng, các quốc gia có nguy cơ cao tại châu Á cần đặc biệt chú ý đến nguy cơ lây lan từ các khu vực trung gian như Trung Đông và châu Âu, những nơi có tuyến giao thương trực tiếp với châu Phi.
Tại sao đến nay mới đưa ra cảnh báo?
Cộng hòa Congo có diện tích tương đương với Tây Âu và là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, với hệ thống y tế sơ khai và ít khả năng chẩn đoán phục vụ cho dân số hơn 100 triệu người.
Các ca bệnh Bệnh X chủ yếu xuất hiện tại khu vực y tế Panzi ở tỉnh Kwango, phía Tây Nam, cách thủ đô Kinshasa khoảng 700 km. Do địa hình hiểm trở và hệ thống y tế kém phát triển, thông tin về dịch bệnh mới được chính phủ nhận được vào ngày 1/12.
Các tổ chức y tế quốc tế và chính quyền Congo đã cử đội ngũ chuyên gia đến điều tra, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định.
Những tác nhân có thể gây bệnh
Chưa có xét nghiệm nào kết luận được nguyên nhân chính xác, nhưng hiện tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê viêm phổi cấp tính, cúm, Covid-19, sởi và sốt rét là những yếu tố tiềm ẩn gây ra bệnh.
Các chuyên gia còn nhận định có thể nhiều bệnh khác nhau đang góp phần vào các ca nhiễm và tử vong. Một nguồn gốc tiềm tàng của các bệnh mới chính là lượng virus khổng lồ lưu hành trong động vật hoang dã, có khả năng lây lan sang các loài khác, kể cả con người, tạo ra các bệnh nhiễm mà con người không có miễn dịch.
Đáng chú ý, tất cả những người bị nhiễm bệnh đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, với phần lớn dưới 5 tuổi.
‘Bệnh X’ xuất hiện vào thời điểm mùa cúm đang lưu hành mạnh, và có khả năng liên quan đến các bệnh truyền qua không khí, theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia của Congo. Căn bệnh này có thể không có triệu chứng tương tự ở các nơi khác với điều kiện y tế khác nhau.
Cho đến nay, các ca bệnh chỉ được phát hiện ở Congo và chưa có dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát đã lan ra ngoài khu vực Panzi, nơi không nằm trên các tuyến giao thông chính.
Tại sao gọi là ‘Bệnh X’?
Thuật ngữ "Bệnh X" được tạo ra cách đây nhiều năm như một cách để khuyến khích các nhà khoa học phát triển các biện pháp đối phó với các mối đe dọa lây nhiễm chưa biết, thay vì chỉ tập trung vào những bệnh đã được biết đến như virus Ebola.
Ý tưởng này nhằm khuyến khích phát triển các công nghệ nền tảng, bao gồm vắc xin, liệu pháp thuốc và xét nghiệm chẩn đoán, có thể nhanh chóng được điều chỉnh và triển khai để đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh có tiềm năng đại dịch trong tương lai.
WHOTổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm ‘Bệnh X’ vào danh sách các mầm bệnh ưu tiên nghiên cứu vào năm 2017, cùng với các kẻ giết người nổi tiếng như Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) và virus Marburg.
Covid-19, do một loại virus corona mới gây ra, là một ví dụ về ‘Bệnh X’ khi nó gây ra đại dịch vào cuối năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường