24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bệ đỡ mới cho lợi nhuận của KSB

Kinh doanh khu công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Xây dựng và khoáng sản Bình Dương (KSB).

Mặc dù “con gà đẻ trứng vàng” là mỏ đá Tân Đông Hiệp hết hạn khai thác cuối năm ngoái nhưng ban lãnh đạo KSB vẫn đặt ra tham vọng lớn về doanh thu và lợi nhuận năm nay.

Tài liệu đại hội cổ đông thường niên công bố mới đây cho thấy, KSB đặt mục tiêu 1.476 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2020, giảm không đáng kể so với năm 2019 - năm cuối cùng KSB được phép khai thác mỏ Tân Đông Hiệp.

Với lợi thế về vị trí ở thị xã Dĩ An nên chi phí vận chuyển đến thị trường xây dựng TP. HCM và Bình Dương thấp cũng như chất lượng đá ở mức cao, mỏ Tân Đông Hiệp từ trước đến nay là "mỏ vàng" của KSB.

Năm ngoái, mỏ Tân Đông Hiệp mang về 409 tỷ đồng trong tổng số 885 tỷ đồng doanh thu của KSB. Do chi phí thấp nên biên lợi nhuận từ mỏ này rất lớn, với lợi nhuận thu về lên tới 163 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số 291 tỷ đồng lợi nhuận từ các mỏ đá và 415 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế của KSB.

Tuy nhiên, mỏ Tân Đông Hiệp hết hạn khai thác vào 31/12/2019, khiến cho KSB bị hụt thu một khoản rất lớn từ năm nay. Vậy, tại sao ban lãnh đạo KSB vẫn đặt mục tiêu tăng doanh thu thêm 110 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ giảm nhẹ 10 tỷ đồng so với năm trước?

Chiến lược “mở rộng và xuống sâu”

Theo ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT KSB, sản lượng đá khai thác từ năm ngoái cũng như trong thời gian hoàn nguyên mỏ Tân Đông Hiệp vẫn có thể cung cấp một lượng đá lớn cho thị trường trong năm 2020 và một phần năm 2021.

Đồng thời, để bù đắp thiếu hụt từ mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa, KSB tiếp tục thực hiện hai giải pháp là “xuống sâu và mở rộng” để gia tăng sản lượng ở các mỏ hiện hữu cũng như tích cực tìm kiếm và mua lại doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá lớn, chất lượng tốt tương đương mỏ Tân Đông Hiệp.

Về chiến lược “mở rộng”, hoạt động mua lại cổ phần tại công ty Phú Nam Sơn, Huệ Minh và HTX Thăng Long của KSB trong cách đây hai năm đã góp phần gia tăng sản lượng khai thác của công ty trong năm 2019, cũng như bù đắp phần nào thiếu hụt sản lượng từ việc dừng khai thác mỏ Tân Đông Hiệp trong năm 2020-2021.

KSB cũng đã uỷ thác đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng nhằm mục đích mua doanh nghiệp sở hữu mỏ đá và khoản uỷ thác này mới đây đã được chuyển về cho một công ty con quản lý. Được biết, khoản đầu tư này nhắm đến một doanh nghiệp sở hữu những mỏ đá lớn, chất lượng ở Đồng Nai và KSB đã cử hai thành viên tham gia hội đồng quản trị của doanh nghiệp này.

Về chiến lược “xuống sâu”, KSB đã có đề án trình UBND tỉnh Bình Dương xem xét đánh giá và điều chỉnh quy hoạch khai thác xuống sâu -150m đối với mỏ Tân Mỹ và -100m đối với mỏ Phước Vĩnh. Sản lượng khai thác cấp phép của hai mỏ này là 33 triệu m3, trong đó, trữ lượng còn lại là hơn 20,7 triệu m3. Năm ngoái, hai mỏ này mang về 407 tỷ đồng doanh thu và 117 tỷ đồng lợi nhuận.

Ngoài ra, KSB đang đẩy nhanh tiến độ xin giấy phép mỏ Tam Lập với trữ lượng gần 10 triệu m3, độ sâu khai thác -20m và diện tích 18,55ha.

“Mỏ vàng” mới

Bên cạnh “trụ cột” khai thác khoáng sản, ông Đạt cho biết, KSB sẽ thúc đẩy hoạt động cho thuê bất động sản khu công nghiệp để đảm bảo nguồn thu ổn định hàng năm.

Cuối năm 2017, KSB thành lập công ty KSB IDC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng để quản lý, khai thác khu công nghiệp Đất Cuốc với tổng diện tích 553ha tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cách TP. Thủ Dầu Một 30km và cách TP. HCM 50km.

KSB tham vọng phát triển một hệ sinh thái khu công nghiệp để từ đó tăng thêm doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh này.

Thực tế cho thấy, kể từ khi được thành lập, KSB IDC liên tục tăng trưởng và ngày càng có đóng góp lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của công ty mẹ.

Cụ thể, năm 2017, trong khi mảng khai thác và chế biến khoáng sản mang về xấp xỉ 853 tỷ đồng, KSB IDC mới chỉ đóng góp gần 30 tỷ đồng trong tổng doanh thu 1.122 tỷ đồng của KSB.

Nhưng chỉ một năm sau, KSB IDC có bước nhảy vọt khi ghi nhận 319 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn hai lần so với kế hoạch và 10 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, mảng khai thác và chế biến khoáng sản dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng đã giảm, khi mang về 785 tỷ đồng trong tổng doanh thu 1.215 tỷ đồng.

Sang năm 2019, doanh thu của KSB IDC đã xấp xỉ 395 tỷ đồng và lợi nhuận 114 tỷ đồng.

Theo ông Đạt, ban lãnh đạo KSB đã dự tính trước được nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng cao do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, tạo cơ hội phát triển cho mảng bất động sản khu công nghiệp. Do đó, KSB đã đẩy mạnh kinh doanh và đầu tư mảng bất động sản khu công nghiệp trong năm vừa qua.

Năm nay, KSB tiếp tục đặt mục tiêu cao từ kinh doanh khu công nghiệp, với doanh thu dự kiến lên tới 473 tỷ đồng và lợi nhuận 121 tỷ đồng. Nếu đạt được mục tiêu này, kinh doanh khu công nghiệp sẽ chiếm 1/3 tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của KSB.

KSB IDC đang được hậu thuận mạnh mẽ bởi công ty mẹ trong việc đầu tư mở rộng khu công nghiệp Đất Cuốc. Năm ngoái, KSB IDC đã tiến hành mở rộng được gần 1,3 triệu m2, trong đó đã đền bù được hơn 1,1 triệu m2, đạt 86% tiến độ.

Năm nay, KSB dự kiến dành 1.088 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng 13,35ha còn lại của giai đoạn 1 và 100ha trên tổng số 212ha diện tích thuộc giai đoạn 2, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thị trường cũng đang ủng hộ kế hoạch kinh doanh của KSB IDC khi tỷ lệ cho thuê, giá thuê khu công nghiệp luôn ở mức cao. Hơn nữa gần đây đang có xu hướng các tập đoàn đa quốc gia rời Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung cấp và Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng. Điều này khiến nhu cầu thuê các khu công nghiệp ở Việt Nam tăng lên, cùng với đó là giá cho thuê cũng tăng.

Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường JLL cho thấy những tháng đầu năm 2020, lượng yêu cầu thuê đất trong khu công nghiệp, nhà xưởng vẫn tốt. Mặc dù giao dịch bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cho thuê bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn tăng và đây là xu hướng đầu tư dài hạn.

Đơn cử, số lượng yêu cầu thuê đất ở các khu công nghiệp phía Nam tăng cao, giá thuê trung bình trong quý 1 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP. HCM và Long An.

Với nguồn thu và lợi nhuận từ kinh doanh khu công nghiệp bù đắp phần nào sự thiếu hụt do mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa, giá cổ phiếu KSB đã phục hồi mạnh trong thời gian gần đây, từ mức thấp nhất 12.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/3 lên 20.050 đồng vào ngày 8/5. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh 58.200 đồng được thiết lập vào ngày 13/7/2017.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
17.80 +0.20 (+1.14%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả