Bầu cử Tổng thống Mỹ: Ông Trump đã chắc trong tay tấm cheque, bà Harris mới sở hữu một lời cam kết
Câu chuyện sắp tới phụ thuộc vào số lượng và thành phần cử tri thực sự sẽ đi bỏ phiếu.
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến ngày bầu cử (5/11) và chắc chắn trong thời gian tới này sẽ là giai đoạn tranh tranh cử rất quyết liệt. Hai bên phải giành nhau từng phân một.
Suốt thời gian vừa qua, có thể thấy rằng các bên đã hoạt động rất nhiều, bao gồm cả các hoạt động tranh cử, tranh luận ứng cử viên Tổng thống, tranh luận ứng cử viên phó Tổng thống…
Tuy nhiên, một điểm nhận thấy là các hoạt động tranh cử của cả 2 bên chủ yếu tập trung vào các bang chiến trường và những bộ phận cử tri dao động. Theo một số thăm dò dư luận, cho đến nay thì bà Kamala Harris có thể dẫn về phiếu phổ thông trên toàn liên bang, nhưng điểm chênh lệch cũng không quá nhiều, chỉ xung quanh từ 3 - 5 điểm %.
Riêng ở các bang chiến trường, tỷ lệ thăm dò dư luận rất là sát sao và đến nay dù bà Kamala Harris có dẫn điểm nhưng cả 2 ứng viên đều chưa ai có được trong tay 270 phiếu đại cử tri một cách chắc chắn.
Đây là bức tranh chung dự báo một cuộc bầu cử sẽ cực kỳ sát sao, kịch tính.
Bang chiến trường cả bà Harris và ông Trump đều bắt buộc phải thắng
Bảy bang chiến trường bao gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan (vùng Rust Belt) và 4 bang Georgia, Nevada, Bắc Carolina và Arizona (vùng Sun Belt) vẫn là những nơi chính để có thể mang lại số phiếu đại cử tri cần thiết và có lẽ bất cứ một bất ngờ xảy ra trong 3 tuần tới đều có thể làm tác động đến kết quả cuối cùng của ngày 5/11.
Như vậy, thử nhìn lại 7 bang chiến trường để thấy được con đường và khả năng thắng cử của mỗi bên.
Tổng cộng 7 bang này thì số phiếu đại cử tri rơi vào khoảng xung quanh 93 phiếu. Tỷ lệ thăm dò gần nhất ở 7 bang chiến trường thì số phiếu đại cử tri của bà Kamala Harris có khoảng 226 phiếu còn ông Donald Trump khoảng 219.
Như vậy, bà Kamala Harris cần 44 phiếu đại cử tri nữa ở các bang tranh chấp, tương đương với 3 bang. Còn với ông Trump, số phiếu cần thêm khoảng 50 - 51 phiếu đại cử tri nữa, tương đương số phiếu từ 4 bang.
Có thể nói "cửa" của bà Kamala Harris được cho là "nhỉnh" hơn so với đối thủ.
Nhưng qua các thăm dò dư luận cho đến nay thì bà Harris đang dẫn không nhiều, trong khoảng 1 điểm % ở 3 bang thuộc vùng Rust Belt là Pennsylvania, Wisconsin và Michigan.
trong 7 bang tranh chấp đó, bất cứ lúc nào một trong 2 ứng viên mất 1 - 2 bang đều có thể ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Kinh nghiệm từ 2 cuộc bầu cử trước vào 2020 và 2016 cho thấy nhiều khi người chiến thắng chỉ chênh vài chục ngàn phiếu và vô cùng gắt gao.
Với 3 bang đó, Pennsylvania có 19 phiếu đại cử tri, Michigan có 15 phiếu, Wisconsin có 10 phiếu, vừa đủ 44. Như vậy, đường đi dễ nhất của bà Kamala Harris là phải đạt được 3 bang này.
Cách thứ hai, bà Harris cũng có thể lấn sân sang 4 bang còn lại, trong đó có Nevada và North Carolina là 2 bang mà ông Trump không giành được ưu thế.
Trong khi đó, ông Trump chắc chắn là phải rất cần Pennsylvania, cộng với lại 2 - 3 trong số 4 bang vùng Sun Belt.
Tức là, càng gần đến ngày bầu cử thì bức tranh chung là trong 7 bang chiến trường, bang nào cũng quan trọng nhưng Pennsylvania sẽ là nơi mà quyết liệt nhất vì:
Thứ nhất, đây là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất (19 phiếu).
Thứ hai, bộ phận cử tri ở đây rất đa dạng, có rất nhiều cử tri dao động; có cả bộ phận mà vốn trước đây là của đảng Dân chủ nhưng bây giờ trở thành cử tri ủng hộ ông Trump; có bộ phận lớn là cử tri người Mỹ Latin…
Như vậy, với số phiếu đại cử tri lớn, tỷ lệ cử tri linh hoạt, và chiến thắng thường vô cùng sát sao, bang Pennsylvainia sẽ là nơi có yếu tố quyết định.
Nếu bà Harris mất Pennsylvania thì phải kiếm được phiếu từ 2 - 3 bang khác mới bù lại được. Bên cạnh đó, nếu mất Pennsylvania, bà Harris có khi mất cả Michigan và Wisconsin, là những bang cùng trong khu vực này.
Trong khi đó, nếu ông Trump có được Pennsylvania, cộng với vùng Sun Belt thì vẫn có cửa thắng.
Như vậy, cả ông Trump và bà Harris đều bắt buộc phải thắng được Pennsylvania.
Bất cứ một sự lung lay và chuyển hướng nào của Pennsylvania đều rất có thể là sẽ quyết định câu chuyện kết quả vào Nhà Trắng, đương nhiên nó có rất nhiều những hệ lụy khác nhưng như vừa phân tích thì dự báo là sắp tới các bên sẽ tranh chấp rất quyết liệt ở ở các bang chiến trường, đặc biệt là Pennsylvania.
Pennsylvania vốn lâu nay là của đảng Dân chủ. Tổng kết từ 1948 đến nay chưa có một ứng cử viên dân chủ nào mà vào được Nhà Trắng mà lại không thắng ở Pennsylvania.
Nếu không thắng Pennsylvania, bà Harris khó có thể vào được Nhà Trắng, nhưng vẫn có thể có những cửa khác, dù không chắc chắn bằng. Với ông Trump, nếu không thắng Pennsylvania thì rất ít cửa để có thể vào được Nhà Trắng.
Trong thời gian vừa qua, cả 2 bên đều đang tập trung ở đây. Khoảng đầu tháng 10, ông Trump đã có cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania, cùng với tỷ phú Elon Musk và khai thác nhiều câu chuyện ông Trump bị ám sát hụt ở đó.
Một cuộc bầu cử diễn biến khó lường
Suốt một giai đoạn từ 27/6, thời điểm diễn ra tranh luận giữa ông Trump và ông Biden cho đến Đại hội Đảng Cộng hòa vào giữa tháng 7, ông Trump vọt lên và cách biệt hoàn toàn so với Dân chủ. Nếu bỏ phiếu vào thời điểm giữa tháng 7 thì ông Trump có thể có đến xung quanh 300 phiếu đại cử tri.
Nhưng nếu tính từ cuối tháng 7, nhất là từ đầu tháng 8, thời điểm ông Biden rút lui (21/7) và bà Kamala Harris đạt được chấp nhận đề cử, thời điểm đó tạo ra một sự hưng phấn mới trong đảng Dân chủ. Cộng với sự ủng hộ từ các ông lớn cả chính trị lẫn kinh tế của đảng Dân chủ, bà Harris đã tạo ra đà mới và trong tháng 8 cục diện hoàn toàn đảo chiều.
Nếu bầu cử vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 thì bà Harris thậm chí đạt được số phiếu hơn 300 phiếu đại cử tri và thậm chí có thể đến 350 phiếu đại cử tri, độ thắng rất lớn.
Giai đoạn thứ ba là sau khi hai bên tranh luận, bắt đầu trình bày các dự kiến chính sách của mình thì cũng tạo ra sự hưng phấn mới của mỗi bên.
Tuy nhiên, thăm dò dư luận vẫn cho thấy dù vẫn duy trì được đà hưng phấn, có những chính sách lấy được lòng dân nhưng khả năng thực hiện các chính sách của bà Harris cụ thể ra sao, cử tri vẫn chưa thấy được.
Hiện nay, cử tri Mỹ quan tâm nhiều nhất các vấn đề kinh tế, nhập cư, vấn đề quyền phá thai, khủng bố, bạo lực, sắc tộc… nhưng thực sự vấn đề người dân quan tâm nhất vẫn là kinh tế.
Trong vài tuần gần đây, kinh tế đã có một số tín hiệu sáng như kiểm soát được lạm phát xuống khoảng 2,4 - 2,5% và FED công bố giảm lãi suất xuống 0,5%. Công ăn việc làm có thể chững lại nhưng bắt đầu có tăng trưởng dương.
Nhưng trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, những kết quả đó vẫn chưa đi vào cuộc sống và cử tri vẫn chưa cảm nhận được hiệu quả. Điều này có nghĩa là cử tri vẫn chưa cảm nhận được rõ rệt thành tựu của 4 năm cầm quyền Biden - Harris về mặt kinh tế và tiếp cận chính sách của bà Harris vẫn chưa đủ sức thuyết phục là sẽ làm cho cuộc sống người dân tốt hơn trong 4 năm tới.
Chính vì vậy mà từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 này, tức là trong vòng 2 tuần gần đây, độ dẫn của bà Harris không tăng mạnh như ban đầu nữa. Khoảng cách giữa hai bên từ nửa sau của tháng 9 cho đến tháng 10 này càng ngày càng thu hẹp lại. Khoảng cách của hai bên tại 7 bang chiến trường thì chỉ còn xung quanh 1 điểm % là cực kỳ sát sao.
Vào thời điểm phút chót này có rất nhiều điều có thể xảy ra. Cho đến nay, hai bên đều có cả thế mạnh và điểm yếu.
Nếu nhìn lại toàn cuộc cho đến thời điểm hiện tại, nhất là trong hơn 2 tháng qua, khi bà Harris bắt đầu tham trận thì có thể thấy rằng, hai bên đều hết sức tập trung vào 7 bang chiến trường, trong đó đặc biệt là Pennsylvania.
Bà Harris vừa muốn củng cố và vừa mở rộng thành phần ủng hộ của mình để bảo đảm chiến thắng. Bà Harris đã tiêu nhiều tiền hơn ông Trump vào cả 7 bang chiến trường để không chỉ giữ 3 bang Pennsylvania, Wisconsin và Michigan mà còn có thể lấn vào Sun Belt của ông Trump để có nhiều đường tiếp cận với 270 phiếu đại cử tri hơn.
Trong khi đó, ông Trump vẫn tập trung vào bộ phận cử tri trung thành, khoét sâu vào những vùng cử tri chưa ngã ngũ và có thể không bằng lòng với 4 năm cầm quyền của đảng Dân chủ. Tức là cơ sở cử tri của ông Trump không mở rộng ra nhưng cử tri nòng cốt ủng hộ thì rất trung thành và nhiệt huyết.
Bên cạnh đó, ông Trump không chỉ củng cố bộ phận cử tri ủng hộ mình mà còn tập trung vận động cử tri đã ủng hộ phải ra đường bỏ phiếu vào mùng 5/11 chứ không vận động đại trà nữa
Xét về cơ sở ủng hộ, dù cơ sở của bà Harris là rộng hơn so với ông Trump nhưng bà Harris chỉ có 3 tháng để tập hợp lực lượng, liệu nhóm này có nhiệt thành đối với bà hay không, hay còn có những lung lay nhất định và bất cứ một sự cố hay một phát biểu có thể làm họ thay đổi quyết định?
Một điểm nữa là trong bộ phận ủng hộ rộng rãi của bà Harris có rất nhiều những người trẻ. Theo thông lệ nhiều cuộc bầu cử của nước Mỹ, tỷ lệ người trẻ đi bỏ phiếu lại thấp hơn so với nhóm nhiều tuổi. Liệu điều này có ảnh hưởng đến tỷ lệ đi bỏ phiếu cuối cùng hay không vẫn là một dấu hỏi. Chưa thể biết kết quả ngã ngũ ở tháng 11 sẽ nghiêng về ai.
Để ví von thì nếu có ít hơn, ông Trump cũng đã nắm chắc trong tay tấm cheque ngân hàng còn bà Harris mới sở một hữu lời cam kết.
Trong vòng 3 tuần tới đây cho đến khi bầu cử, bất cứ "sự cố tháng 10" hay "bất ngờ tháng 10" đều có thể làm đảo chiều kết quả ở một bang chiến trường.
Sẽ khó có những sự cố lớn, nhưng bất kỳ sự cố nhỏ nào như một vụ bạo lực, xung đột sắc tộc trên đất Mỹ, hay diễn biến ở các điểm nóng như Trung Đông, Ukraine đều có thể làm ảnh hưởng đến một bộ phận cử tri không lớn nhưng đủ để thay đổi kết quả tại một bang.
Nước Mỹ phân hóa, hướng vào bên trong và đối ngoại thực dụng hậu bầu cử
Một cuộc bầu cử sát sao, lại trong bối cảnh xã hội Mỹ, chính trị Mỹ bị phân cực rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến chính sách của nước Mỹ trong thời gian tới, dù cho ai là người thắng cuộc.
Một là, nước Mỹ sẽ hướng nội nhiều hơn, tức là hướng vào lợi ích cụ thể, sẽ thực dụng hơn trong quan hệ đối ngoại.
Bởi vì khi cần cử tri hơn và sự chênh lệnh rất sát sao thì họ càng phải tính đến lợi ích thực dụng nhất. Thế cho nên là nước Mỹtrong cuộc tranh cử lần này, một nước Mỹ phân hóa chính trị thì sẽ hướng vào những lợi ích trong nước nhiều hơn và về đối ngoại, Mỹ sẽ thực dụng nhiều hơn, dù là cách tiếp cận của bà Harris hay ông Trump.
Một sự kiện trước đây mà có thể vẫn là bài học cho đến bây giờ. Đó là cuộc bầu cử năm 2016, khi đó có Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi vừa lên nắm quyền vào năm 2016, ông Trump đã rút ra khỏi TPP. Nhưng thời điểm đó dù là Hillary Clinton đắc cử thì TPP cũng vẫn mất vì người dân Mỹ đánh giá về những cam kết của Mỹ trong các hiệp định đa phương về kinh tế thương mại là làm thiệt cho nước Mỹ và không một Tổng thống nào dám thúc đẩy nội dung này. Đến Tổng thống Biden vừa qua cũng chỉ dám đưa ra một khung kinh tế (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - IPEF) chứ không mở cửa cho tiếp cận thị trường.
Thứ hai, cả 2 ứng cử viên trong cuộc đua lần này đều nằm ở hai cực của mỗi đảng. Bà Harris được cho rằng thiên tả nhiều hơn trong đảng Dân chủ. Trong khi đó, ông Trump lại thiên hữu nhiều hơn trong đảng Cộng hòa. Và như vậy, sự đối nghịch giữa trong chính sách giữa hai bên sẽ khác nhau hơn rất nhiều.
Lợi ích và giá trị nước Mỹ theo cách nhìn nhận của ông Trump và bà Harris rất khác nhau, trong bối cảnh nước Mỹ phân hóa, sẽ lại càng khác biệt.
Cuối cùng, cuộc bầu cử lần này cuộc bầu cử "3 trong 1": bầu cử Tổng thống, bầu cử Hạ viện và bầu cử Thượng viện. Trong khi đó tỷ lệ kiểm soát Thượng viện và Hạ viện của mỗi bên đang có độ chênh rất sát sao giữa 2 đảng.
Sắp tới với cơ cấu phân chia quyền lực sát sao như vậy, dù ai lên làm Tổng thống thì cũng sẽ rất khó đưa ra chính sách, bởi vì khó thông qua được Quốc hội. Bốn năm vừa rồi đã khó thì 4 năm tới nữa cũng sẽ lại càng rất khó.
Bên cạnh đó, dù cho ai là người thắng cử thì sẽ đều rất khác so với 4 năm trước và 8 năm trước.
Ông Trump sẽ khác với "Trump 1.0" và bà Harris sẽ khác với Tổng thống Biden.
Dù cho bà Harris có tiếp tục thì chính sách cũng sẽ rất khác thời Tổng thống Biden. Bà Harris có thể thừa kế và song trùng một số chính sách với ông Biden nhưng do bà Harris thuộc nhóm thiên tả trong đảng Dân chủ nên với những vấn đề ưu tiên, bà Harris sẽ cực đoan hơn so với thời ông Biden.
Còn ông Trump, sẽ không phải là một Trump cũ. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump có một ám ảnh là bị cấp dưới "quay lưng", vì thế, chắc chắn chuyện lựa chọn nhân sự sẽ khác.
Đồng thời ông Trump sẽ phải điều chỉnh so với nhiệm kỳ trước vì ông phải đề phòng với thất bại của 4 năm trước.
Bên cạnh đó, nếu trúng cử, đây sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Trump, các mong muốn sẽ dồn vào 4 năm này, tức là sẽ ưu tiên thực hiện các mục tiêu trước mắt chứ không tập trung chính sách lâu dài.
Chỉ còn hơn hai tuần, nhưng cả hai ứng viên Harris và Trump đều chưa ai có thể có trong tay 270 phiếu đại cử tri để trúng cử. Sự hưng phấn với Harris đã chững lại và người ta chưa thấy rõ chính sách khác biệt của bà so với 4 năm Tổng thống Biden.
Trong khi ông Trump, với cách tiếp cực đoan vốn có, cũng chưa thể mở rộng thêm được cơ sở cử tri.
Câu chuyện sắp tới sẽ còn phải tùy thuộc vào số lượng và thành phần cử tri thực sự sẽ đi bỏ phiếu. Ở đây, mối lo có lẽ sẽ nghiêng về bà Harris nhiều hơn khi mà liên minh ủng hộ bà mới chỉ được hình thành trong gần 3 tháng, trong khi thành phần ủng hộ Trump, dù ít hơn, nhưng nhiệt tình và vốn đã được thử thách qua 8 năm. Cuộc bầu cử sẽ sát sao cho tới phút chót và bất cứ sự thay đổi nào, dù nhỏ ở mức vài chục ngàn, của cử tri ở các bang chiến trường, cũng có thể làm đảo chiều và quyết định kết quả chung cuộc bầu cử lần này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận