Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 được tổ chức thế nào?
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào ngày 5/11 là kết quả của những quy trình bầu cử được tiến hành suốt gần hai năm.
Luật pháp Mỹ quy định bầu cử tổng thống diễn ra 4 năm một lần vào năm chẵn và được tổ chức vào ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 5/11.
Đối với cử tri Mỹ việc bầu tổng thống mới luôn là mối quan tâm hàng đầu, bên cạnh đó họ cũng bỏ phiếu chọn ra các nghị sĩ cho Quốc hội Mỹ (Hạ viện và Thượng viện). Ngoài ra, tùy theo luật pháp của từng bang, lá phiếu của cử tri sẽ chọn ra thống đốc bang cũng như bầu ra cơ quan lập pháp và các chức vụ dân cử khác.
Các giai đoạn bầu cử
Theo hiến pháp Mỹ, người đủ tư cách ứng cử vào vị trí tổng thống phải là công dân Mỹ khi sinh ra, hoặc nếu sinh ra ở nước ngoài thì ít nhất phải có bố (mẹ) là công dân Mỹ. Độ tuổi của ứng viên ít nhất là 35 tuổi, và cư trú tại Mỹ trong ít nhất 14 năm. Phó tổng thống cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự.
Người nắm giữ chức tổng thống Mỹ chỉ được tối đa 2 nhiệm kỳ. Người đã làm tổng thống 2 nhiệm kỳ sẽ không được làm phó tổng thống.
Kỳ bầu cử năm nay ông Donald Trump được bầu làm ứng viên Đại diện cho đảng Cộng hòa, còn ứng viên đảng Dân chủ là Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Quá trình bầu cử bao gồm 2 giai đoạn. Thứ nhất, giai đoạn bầu chọn ứng cử viên của các đảng gọi là bầu cử sơ bộ. Thứ hai, giai đoạn chính thức bầu tổng thống từ trong số các ứng cử viên đại diện cho đảng gọi là tổng tuyển cử.
Các ứng cử viên sẽ vận động sự ủng hộ trong nội bộ đảng để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng của mình. Trong các cuộc họp nội bộ, các đảng viên gặp gỡ, thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn người mà họ cho ứng cử viên xuất sắc nhất trong đảng. Kỳ bầu cử năm nay ông Donald Trump được bầu làm ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa, còn ứng viên đảng Dân chủ là Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Từ năm 1853 đến nay, người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng luôn là ứng cử viên của đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ dù một số đảng khác cũng có ứng cử viên tham gia tranh cử. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden là đảng viên đảng Dân chủ.
Ở giai đoạn tổng tuyển cử khi ứng cử viên tổng thống tổ chức các cuộc vận động tranh cử trên khắp nước Mỹ. Họ còn tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình để cử tri hiểu rõ hơn về quan điểm và năng lực của từng ứng viên.
Khi đi bỏ phiếu, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ - lá phiếu phổ thông - có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri, hay còn gọi là đại cử tri cho bang mình. Các đại cử tri tập hợp lại thành cử tri đoàn của bang. Sau đó, đại cử tri có nhiệm vụ bầu ra tổng thống và phó tổng thống.
Hiến pháp Mỹ quy định mỗi bang được phân bổ tỷ lệ phiếu đại cử tri nhất định trong cử tri đoàn. Số lượng đại cử tri mỗi bang tỉ lệ thuận với dân số và tương ứng với số đại biểu của bang đó tại Quốc hội Mỹ. Do đó bang nào càng đông dân thì bang đó càng có nhiều phiếu đại cử tri.
Nước Mỹ có tổng số 538 đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ (100), hạ nghị sĩ (435) và đặc khu Columbia (3). Trong đó, một số bang đông dân như California có 55 phiếu đại cử tri, Texas có 38 phiếu đại cử tri, Florida có 29 phiếu đại cử tri. Những bang quy mô dân số nhỏ như Wyoming chỉ có ba phiếu đại cử tri.
Mỗi đại cử tri tương ứng với một phiếu bầu. Một ứng viên cần đạt được đa số phiếu bầu hay nói cách khác trên 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu để giành chiến thắng, và trở thành tổng thống Mỹ.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, đánh bại ông Donald Trump - người chỉ nhận được 232 phiếu.
Ngay sau khi các phòng bỏ phiếu đóng cửa, giới chức địa phương sẽ bắt đầu quá trình kiểm phiếu và kết quả từ từng khu vực sẽ dần dần được công bố. Các cơ quan báo chí sẽ theo dõi và cập nhật luôn số phiếu đại cử tri giành được, do vậy thông thường các năm, danh tính người chiến thắng có thể được xác định vài giờ đồng hồ sau khi bỏ phiếu kết thúc.
Sau khi kết quả bầu cử phổ thông được công bố, các đại cử tri sẽ được triệu tập vào tháng 12 để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó Tổng thống. Các phiếu này được gửi về Quốc hội và kiểm trực tiếp trong phiên họp toàn thể vào đầu tháng 1/2025. Sau đó, tổng thống và phó tổng thống Mỹ đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Hiến pháp Mỹ quy định mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia các cuộc bầu cử.
Ai có thể đi bầu cử tại Mỹ?
Hiến pháp Mỹ quy định mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia các cuộc bầu cử. Chẳng hạn năm 2020, khoảng 252 triệu người Mỹ có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên trong các kỳ bầu cử luôn có một bộ phận lớn người dân không muốn đi bỏ phiếu, do không quan tâm tới chính trị hay đơn giản là không thích các ứng cử viên. Số cử tri tham gia bầu cử tổng thống năm 2020 chỉ là hơn 158 triệu người.
Luật pháp Mỹ quy định ngày bầu cử là ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Tuy nhiên hầu hết người dân Mỹ có thể đi bỏ phiếu sớm hơn ngày bầu cử chính thức. Bên cạnh việc đi bầu trực tiếp ở các phòng phiếu, người dân Mỹ còn có thể thực hiện bỏ phiếu vắng mặt hoặc qua thư.
Một vấn đề mới được đặt ra trong kỳ bầu cử năm nay việc các công dân Mỹ từng có tiền án cũng muốn được tham gia bầu cử. Và dựa trên luật pháp mỗi bang vấn đề này có cách thức xử lý khác nhau.
Tại các bang California và Minnesota, chỉ những người hiện đang chấp hành án mới không được tham gia bỏ phiếu bầu cử. Những người đã chấp hành án có thể đi bầu cử như một công dân đủ điều kiện bình thường.
Trong khi đó, bang Virginia nổi tiếng nơi có quy định nghiêm ngặt nhất về việc bỏ phiếu đối với những người có tiền án. Theo đó, bất kỳ ai bị tuyên án các tội danh thuộc nhóm trọng tội sẽ bị cấm bỏ phiếu. Những người đã thi hành án xong và nộp đầy đủ các khoản tiền phạt liên quan cũng chỉ có thể gửi đơn yêu cầu khôi phục quyền bỏ phiếu đến thống đốc bang Virginia.
Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) ước tính các bang ở Mỹ tước quyền bỏ phiếu của 4,6 triệu người có tiền án. Việc những người này có được khôi phục quyền bỏ phiếu bầu cử hay không sẽ tùy thuộc vào quá trình xem xét của thống đốc bang.
Các bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 gồm: Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada. (Ảnh: The New York Times)
Bang chiến địa
Bang chiến địa hay còn gọi với cái tên “bang dao động” thuật ngữ chỉ những bang mà các bên tranh cử thường khó biết trước kết quả. Kết quả bầu cử ở các bang này cũng thường “dao động”, thay đổi vào mỗi kỳ bầu cử. Tầm quan trọng của các bang chiến trường khiến các ứng cử viên thường chi khoảng 75% ngân sách tranh cử để thu hút cử tri tại những địa phương này.
Năm 2000, ứng cử viên AI Gore của đảng Dân chủ giành được 48,38% phiếu phổ thông, cao hơn 47,87% của ứng cử viên đảng Cộng hòa George Bush. Tuy nhiên, ông Bush lại đạt được 271 phiếu đại cử tri so với 266 phiếu của ông AI Gore. Bang Florida nơi mang về chiến thắng cho Tổng thống Bush với 25 phiếu đại cử tri dù sự chênh lệch số phiếu phổ thông chỉ 537.
Năm 2016, ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ đạt được hơn 65,8 triệu phiếu phổ thông, nhiều hơn ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa gần ba triệu phiếu. Song, ông Trump lại có được 306 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống. Các bang chiến địa như Florida, Ohio, Iowa giúp ông Trump giành chiến thắng.
Năm 2020, đến cuối ngày bầu cử (3/11) kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống vẫn còn chưa ngã ngũ. Cuộc đua tranh giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden tại các bang chiến địa như Arizona, Bắc Carolina, Nevada, Wisconsin, Michigan, Maine, Georgia và Pennsylvania chưa được phân định rõ ràng nhưng có đôi chút nghiêng về ông Trump. Phải đến sáng sớm ngày 6/11, kết quả kiểm phiếu mới bắt đầu cho thấy ông Biden dẫn trước ở bang Georgia và giành chiến thắng cuối cùng.
Ở Mỹ, có một số bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ như California, New York và một số bang thường ủng hộ đảng Cộng hòa như Oklahoma, Alabama. Ở những bang này, dù ứng cử viên tổng thống có là ai thì đa số cử tri vẫn bầu cho đảng mà họ ủng hộ. Do vậy, chiến thắng của mỗi ứng cử viên phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử ở bang chiến địa. Ở những bang này, các ứng cử viên phải thuyết phục được cử tri còn dao động và lưỡng lự.
Ông Donald Trump hiện dẫn trước ở các bang Arizona và Bắc Carolina, trong khi bà Kamala Harris đang dẫn đầu tại Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, và Georgia. Tại Nevada, hai ứng viên đang ở thế cân bằng. (Ảnh: Getty)
Mỗi lá phiếu đều rất quan trọng ở các bang chiến địa. Năm 1948, ứng viên Harry S. Truman của đảng Dân chủ đánh bại đối thủ Thomas Dewey với số phiếu bầu nhiều hơn chưa đến 1 điểm % tại một số bang chiến địa, trong đó có Ohio. Cuộc đua quá sít sao đến mức có tờ báo đăng tin sai là ông Dewey thắng cử. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng viên Richard M. Nixon và John F. Kennedy năm 1960, kết quả thắng thua tại 10 bang rung lắc chỉ chênh lệch chưa đến 2 điểm % phiếu bầu.
Lịch sử cũng cho thấy Ohio luôn là chiến địa rất quan trọng. Trong những cuộc bầu cử tổng thống trước đây, ứng cử viên hầu như đều phải thắng ở bang Ohio thì mới trúng cử.
Theo trang web chuyên về các vấn đề chính trị của Mỹ, các bang chiến địa của năm 2024 gồm: Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada.
Theo thăm dò mới nhất từ trang Politico, ông Donald Trump hiện dẫn trước ở các bang Arizona và Bắc Carolina, trong khi bà Kamala Harris đang dẫn đầu tại Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, và Georgia. Tại Nevada, hai ứng viên đang ở thế cân bằng. Dù vậy, khoảng cách giữa hai ứng viên tại các bang này đều rất sít sao.
Trong các ngày tranh cử cuối cùng, hai ứng cử viên đang tập trung vào nhóm đối tượng chưa quyết định. Theo thăm dò của báo New York Times, tại các bang chiến địa chỉ còn khoảng 3,7% cử tri, tương đương 1,2 triệu cử tri, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Chiếm phần đông trong số này là cử tri trẻ, da màu (21% cử tri da đen), trình độ học vấn và thu nhập thấp, ít quan tâm tới chính trị, đang phải vật lộn kiếm sống và chịu tác động nặng nề của lạm phát, giá cả sinh hoạt tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận