Bất ổn chính trị đang bủa vây TTCK toàn cầu trước thềm năm 2025
Lệnh thiết quân luật bất ngờ của Hàn Quốc trong tuần này cho thấy rõ rằng rủi ro địa chính trị là mối nguy mà các nhà đầu tư phải luôn cảnh giác. Tình trạng bất ổn chính trị từ Mỹ, châu Âu đến Trung Đông nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây ra biến động đáng kể trong năm 2025.
Đêm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc. Động thái của người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư rằng bất ổn địa chính trị là rủi ro chưa bao giờ dứt đối với các thị trường toàn cầu.
Tuy lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ nhanh chóng sau khi Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu phản đối vào rạng sáng ngày 4/12, khoảng thời gian ngắn ngủi đó vẫn đủ để gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sụt 2% trong phiên 4/12 và đồng won có lúc giảm tới 3% so với USD. Giá chứng chỉ quỹ ETF iShares MSCI Hàn Quốc có lúc giảm đến 7%, các cổ phiếu liên quan tới Hàn Quốc tại thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến mức giảm nặng nề trước khi phục hồi một số tổn thất.
Mặc dù thị trường Hàn Quốc đã ổn định trở lại, các nhà phân tích nói rằng hành động của Tổng thống Yoon Suk-yeol có thể có ảnh hưởng lan rộng và làm tổn thương niềm tin của nhà đầu tư trong lâu dài.
Bà Min Joo Kang, nhà kinh tế tại ING Economics, bình luận hôm 3/12: “Chúng tôi lo những sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc”.
Vị chuyên gia cho biết sau vụ luận tội của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào năm 2017, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bị tổn hại, dẫn đến hoạt động kinh tế giảm tốc. Tổng thống Yoon Suk-yeol giờ cũng đang đối mặt với yêu cầu luận tội từ phe đối lập.
Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics, cũng phát đi cảnh báo về Hàn Quốc tới nhà đầu tư. Ông đánh giá: “Giai đoạn bất ổn chính trị phía trước của Hàn Quốc sẽ làm rạn nứt niềm tin vào nền kinh tế”.
Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất đối mặt với bất ổn chính trị. Chính phủ Pháp vừa bị lật đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 4/12. Nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu có nguy cơ sẽ kết thúc năm 2024 mà không có một chính phủ ổn định và ngân sách cho năm 2025.
Sự kiện này đã được các nhà đầu tư lường trước và gây ra biến động đáng kể trên thị trường ngoại hối. Ngay sau khi các chính trị gia kêu gọi tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Pháp, giá euro đã sụt khoảng 1% so với USD. Nhưng sau khi kết quả bỏ phiếu được thông báo, giá euro gần như đi ngang.
Tuy nhiên, trái phiếu Pháp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực. BCA Research lưu ý mức chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Pháp và Đức đã tăng mạnh trong tuần trước và lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2012.
Trong khi đó, các kế hoạch thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đang hâm nóng căng thẳng địa chính trị.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ tăng mạnh thuế quan lên các đối thủ kinh tế của Mỹ như Trung Quốc và những nước đe dọa từ bỏ đồng USD. Thậm chí, ông còn chĩa mũi dùi vào những đồng minh và đối tác thương mại thân thiết của Mỹ như Mexico và Canada.
Barclays ước tính nếu ông Trump thực sự áp thuế quan 25% lên hàng hóa Canada và Mexico, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ giảm 2,8%. Điều này nhiều khả năng sẽ đẩy chứng khoán Mỹ đi xuống.
Theo tờ Markets Insider, các nhà đầu tư cho rằng nguy cơ thuế quan, chiến tranh thương mại và sự phá vỡ các thông lệ chính trị trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ làm tăng thêm biến động của thị trường chứng khoán.
Cuối cùng, xung đột tại Ukraine và khu vực Trung Đông đã tạo rung chấn khắp các thị trường trong suốt năm 2024, từ vàng cho đến trái phiếu và dầu mỏ. Hiện tại có rất ít khả năng những cuộc chiến này sẽ chấm dứt vào năm 2025. Ông Trump hứa sẽ dàn xếp để chấm dứt chiến sự ở Ukraine nhưng chưa đưa ra phương án rõ ràng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường