Bát nháo kit test cúm A, sốt xuất huyết…
Dịch COVID-19 lắng xuống, kit test trở thành thứ hàng bình thường, hết thời thịnh hành. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên thị trường lại nổi lên các loại kit test chuyên dụng cho nhiều loại bệnh giao mùa như sốt xuất huyết, Adeno, cúm A, cúm B... Tâm lý lo lắng, nhiều người hễ có triệu chứng sốt, ho, thậm chí là chưa bị bệnh cũng tìm mua kit test… để kiểm tra, khiến cho mặt hàng này trở nên bát nháo, kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn khôn lường về sức khỏe.
Rối loạn với kit test
Ngày 5-10, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 2-10 đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài sốt xuất huyết, hiện nay mùa mưa bão đã về, thành phố và các vùng lân cận đang phải đối phó với các loại bệnh như cúm A, B, sốt do virus gây ra. Trước diễn biến trên, thị trường kit test trở nên nhộn nhịp và sôi động.
Bệnh nhi sốt virus đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh.
Vào những ngày đầu tháng 10, chị Đào Thị Mai Dung, 32 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh xuất hiện các triệu chứng ho và sốt theo cơn, người ớn lạnh và mệt lả. Trước đó một tháng, chị Dung cũng gặp triệu chứng như vậy và đã đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ kết luận chị bị sốt siêu vi, không phải sốt xuất huyết. Lần này, chị Dung không đến bệnh viện mà tìm mua kit test sốt xuất huyết về thử. Nếu như test COVID-19 lấy dịch từ mũi hoặc nước bọt thì với loạt kit test sốt xuất huyết phải lấy bằng huyết thanh.
Công đoạn chọc kim vào tay lấy máu không phải ai cũng dám làm, may mắn là chị Dung không sợ đau và không sợ máu nên đã hoàn thành được việc lấy máu và nhỏ vào kit. Kết quả, không phát hiện ra virus sốt xuất huyết trong người chị Dung.
Phần nào yên tâm, nhưng qua hai, ba ngày sau, những cơn sốt liên tục ập tới khiến chị Dung vô cùng khổ sở. Mất ngủ, chán ăn, người chị Dung bơ phờ hốc hác. Gia đình khuyên chị Dung đi bệnh viện. Chị Dung ái ngại, một lần đi viện là một lần mệt mỏi, khổ sở nên ráng ở nhà uống thuốc hạ sốt. Sang ngày thứ 4, chị Dung lả đi vì kiệt sức do những cơn sốt hành hạ. Người nhà nhanh chóng đưa chị Dung vào bệnh viện cấp cứu. Qua các xét nghiệm ban đầu, bác sĩ khẳng định chị Dung bị sốt xuất huyết. Chị Dung bàng hoàng, không tin nổi mình đã mắc bệnh, vì trước đó hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của kit test.
Sau khi được bác sĩ lý giải, không nên tin vào loại kit test trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường. Mặt khác, do quá trình tự lấy mẫu tại nhà mắc sai lầm, không đúng với quy trình nên ra kết quả sai. Bác sĩ cảnh báo chị Dung, đã có trường hợp chết oan vì tin vào kit test sốt xuất huyết. Chị còn giữ được tính mạng là may mắn. Không chỉ chị Dung “mắc lừa” kit test sốt xuất huyết mà nhiều bậc cha mẹ đã và đang sử dụng loại kit test tìm bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc tự ý sử dụng kit test tại nhà là vô cùng nguy hiểm.
Con trai đã từng bị sốt xuất huyết cách đây 2 tháng nên lần sốt này, anh Lê Hoàng Linh, 38 tuổi, ngụ Q.7, TP Hồ Chí Minh không hề nghĩ đến khả năng con bị lại lần nữa. Anh Linh nghi ngờ con bị cúm A hoặc sốt siêu vi nên đã tự mua thuốc hạ sốt về cho con uống. Ba ngày chưa đỡ, con vẫn lên cơn sốt, thậm chí co giật khiến anh Linh lo lắng bất an. Được các bà mẹ bỉm sữa trong công ty mách, mua kit test 3 trong 1 (phát hiện cùng lúc 3 loại cúm khác nhau) về thử xem, bây giờ nhiều bệnh giao mùa đang gia tăng. Anh Linh đặt mua 1 que test nhưng shop không bán lẻ, buộc anh phải mua một vỉ 5 chiếc với giá 550.000 ngàn, giao hàng tận nhà.
Loại kit này kiểm tra bằng nước bọt nên cũng tiện lợi. Lần đầu tiên cho ra kết quả âm tính với virus, anh Linh yên tâm đoán rằng con trai có thể cảm thông thường. Sang ngày thứ hai, con trai vẫn nóng sốt rất cao, kèm nôn ói, chân tay co giật, anh Linh vội vã test lại, vẫn cho kết quả âm tính. Anh lập tức gọi bác sĩ nhờ tư vấn. Sau khi kiểm tra các triệu chứng của bé, bác sĩ yêu cầu anh đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
Bé đến viện trong tình trạng nguy hiểm, co giật, nghiến răng, nhỏ dãi, chân tay co quắp, chẩn đoán nhiễm khuẩn hô hấp cấp, viêm phế quản, hen suyễn. Sau thời gian hồi sức tích cực, bé đã qua cơn nguy kịch. Anh Linh phân trần, do quá tin tưởng vào kit test nên nghĩ con bị bệnh thông thường, nếu vẫn chờ kết quả của kit test, kéo dài thêm thời gian đi cấp cứu thì hệ quả xảy ra có lẽ anh sẽ hối hận cả đời.
Cùng điều trị bệnh với con trai anh Linh là con trai của chị Thu Vân, 26 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Trước khi vào bệnh viện cấp cứu do sốt nhiễm trùng biến chứng tim phổi, suy hô hấp, con trai chị Vân đã trải qua 4 ngày điều trị tại nhà vì tin tưởng vào kết quả của kit test sốt xuất huyết. Khi bé bắt đầu có triệu chứng sốt, chán ăn và nôn mửa, chị Vân nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, nhưng để chắc chắn, chị đã đặt mua kit test trên mạng về kiểm tra. Kết quả test cho âm tính, người mẹ yên tâm và bắt đầu cho con uống thuốc hạ sốt bình thường. Ngày thứ 3, những cơn sốt cao liên tục, bé nôn ói và quấy khóc, chị Vân tiếp tục test cho con để kiểm tra cúm A, B và sốt virus thì cho ra kết quả dương tính. Tuy nhiên, khi biết kết quả con bị sốt virus cúm thì chị Vân không biết phải xử lý làm sao liền gọi điện cho bác sĩ để xin đơn thuốc. Bác sĩ đã từ chối với lý do không thể kê đơn thuốc dựa vào kết quả của kit test. Bác sĩ khuyên nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. “May là nghe lời bác sĩ tôi đưa con đi bệnh viện, nếu cứ ở nhà thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, chị Thu Vân xót xa chia sẻ.
Kit test nhanh sốt xuất huyết và kit test COVID-19.
Đừng để “tiền mất tật mang”
Trong khi dịch sốt xuất huyết vẫn đang gia tăng, người dân lại phải chiến đấu với dịch Adeno virus, cùng nhiều loại bệnh khác đang lưu hành trong mùa mưa bão, các bậc phụ huynh mách nhau, trong mỗi gia đình nên sắm vài bộ kit test khác nhau để phòng khi con trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi… thì sẽ dùng đến để chẩn đoán bệnh nhanh. Hiện nay, các bệnh sốt virus đang bùng phát, phụ huynh lo lắng con cái sẽ nhiễm bệnh lây qua đường hô hấp nên rất e dè chuyện đưa con đến bệnh viện. Chỉ khi nào thật sự cần thiết thì mới đi, tránh được nơi đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm. Hơn nữa, nếu test cho con mà phát hiện dương tính cũng không nhất thiết phải tới bệnh viện ngay, tùy vào triệu chứng và thể trạng của con, có thể gọi cho bác sĩ hướng dẫn mua thuốc điều trị tại nhà.
Với tâm lý đó, nhiều cha mẹ đã không ngại chi tiền sắm kit test khiến cho thị trường sôi lên với hàng trăm đại lý, nhỏ lẻ chào mời mua kit test. Lướt một vòng trên các trang mạng xã hội hoặc các trang quảng cáo, chúng tôi không khó khăn khi tiếp cận nơi bán kit test. Loại nào cũng có, sẽ ship hàng tới tận cửa cùng một bảng hướng dẫn sử dụng chi tiết. Giá kit test không cố định mà có sự chênh lệch rất lớn.
Với kit test sốt xuất huyết, giá thành từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng/hộp/25 que test được bán tại các nhà thuốc và sàn thương mại điện tử. Trên mạng xã hội, giá này chỉ còn 1.200.000 -1.500.000/hộp/25 que và được quảng cáo nhập khẩu từ Châu Âu.
Các loại kit test cúm mùa đang được rao bán tràn lan trên mạng.
Chị Lê Thị Minh Tâm, 29 tuổi, ngụ Q.8, TP Hồ Chí Minh có con nhỏ từng bị sốt xuất huyết. Sợ con bị lại hoặc mắc các bệnh khác nên chị rất lo lắng. Sau khi tìm hiểu, chị Tâm quyết định mua một hộp que test sốt xuất huyết với giá 650.000 ngàn/5 que và 1 hộp kit test virus tổng hợp với giá 550.000/5 que.
“Mình thấy nhiều ý kiến trái chiều về công dụng, đặt ra câu hỏi sử dụng kit test sốt xuất huyết hay các loại cúm khác tại nhà có thực sự an toàn, chính xác không nên mình cũng còn nhiều thắc mắc, nhưng cứ mua tạm cho yên tâm”, chị Tâm chia sẻ.
Ngoài que test sốt xuất huyết, hiện nay trên thị trường đang thịnh hành que test 3 trong 1 bao gồm Cúm A, B và COVID-19. Nếu một người bị nhiễm một trong ba loại bệnh trên, khi test ra cho kết quả dương tính, từ đó tùy thể trạng mà chủ động cách điều trị. Tuy nhiên, ngoài tính ưu việt như quảng cáo, thì que test 3 trong 1 cũng gây ra những rắc rối khiến người bệnh lợi bất cập hại. Bà Thái Thị Giang, ngụ Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết, vào tháng trước bà được con gái mua tặng một hộp test 3 trong 1 phòng khi nào có bệnh thì dùng.
May mắn là bà Giang chưa phải dùng đến nên khi đứa cháu nhà hàng xóm bị sốt đến ngày thứ 2 chưa hạ thì bà Giang đã nhanh nhảu mang que test sang tặng. Cháu gái được test và cho ra kết quả “hai vạch đỏ chót”. Gia đình bối rối, không biết bé nhiễm cúm A, B hay là COVID -19 để dùng đúng thuốc. Muốn chắc chắn, gia đình đi mua một que test COVID-19 về test và cho kết quả dương tính. Đang thừa que test, bà Giang đề xuất test thử loại que dành riêng cho cúm A xem thế nào. Kết quả là dương tính. Gia đình vô cùng hoang mang, không biết bé bị COVID-19 hay bị cúm A hay bị cả hai loại bệnh.
Chúng tôi mang thắc mắc này hỏi một shop chuyên bán kit test trên mạng, thì được tư vấn rất nồng nhiệt và chắc chắn: “Đối với loại kit test 3 trong 1 của bên em, đảm bảo nhận dạng được các loại cúm và COVID-19. Nếu cho kết quả dương tính thì bệnh nhân dùng thuốc theo bệnh nào cũng được, vì giữa cúm và COVID-19 các triệu chứng là giống nhau và cách điều trị cũng giống nhau”.
Bác sĩ Lê Ngọc Khánh - Viện Y dược học dân tộc cho rằng, mỗi loại bệnh đều có một phác đồ điều trị khác nhau, không thể nói cúm nào cũng là cúm và cứ sốt là uống thuốc hạ sốt hoặc kháng sinh. Các dụng cụ test chỉ nên dùng để tham khảo, không nên phó mặc vào kết quả, hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, kit test sốt xuất huyết đã xuất hiện từ lâu trong ngành y. Đối với các bệnh viện, việc sử dụng loại kit test này không phổ biến, vì bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị nên khi bệnh nhân nhập viện đều được làm lấy máu và làm các xét nghiệm để xác định bệnh nhân có kháng thể sốt xuất huyết hay không. Việc người dân tự ý mua kit test nhanh sốt xuất huyết sử dụng tại nhà là vô cùng nguy hiểm. Theo quy trình sử dụng loại kit test nhanh này là lấy huyết thanh (máu) của người bệnh để làm xét nghiệm, không phải lấy nước bọt như test nhanh COVID-19, điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng rất cao, hoặc dễ cho ra kết quả âm tính giả vì không làm đúng quy trình chuẩn.Đối với các loại kit test virus khác cũng tương tự, người dân không nên tốn tiền để mua và tự ý test tại nhà, hãy theo dõi và lắng nghe cơ thể của mình nhiều hơn thay vì trông chờ vào kit test. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận