Bất ngờ loạt đơn hàng xuất khẩu Mỹ, Hà Lan đầu năm mới
Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo có nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp Việt sớm nhận được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần DH Foods - chia sẻ, ngay mồng 6 Tết, trong ngày đầu tiên đi làm trở lại, công ty rất bất ngờ nhận được đơn đặt hàng gồm một container xuất khẩu các sản phẩm gia vị đi Hà Lan.
Theo ông Dũng, đây là tin vui, tạo động lực lớn cho doanh nghiệp ngay từ đầu năm mới. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu khác đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, DH Foods vẫn đều đặn nhận các đơn hàng từ nhiều thị trường khó tính.
“Như trong thời điểm cuối tháng 12/2022, công ty xuất hai container sản phẩm mới đi Nhật Bản. Bước sang đầu tháng 1/2023, công ty tiếp tục xuất nhiều lô hàng sang Mỹ. Hiện, doanh nghiệp tiếp tục nhận được các đơn hàng từ thị trường châu Âu nên phải huy động tất cả nhân viên bắt tay ngay vào công việc để kịp tiến độ", ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.
Công nhân DH Foods bắt tay ngay vào làm việc ngay từ đầu năm mới để chuẩn bị kịp đơn hàng |
Cùng chung niềm vui, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) - công ty chuyên chế biến nha đam và thạch dừa - cho biết, doanh nghiệp đang tăng tốc, làm việc ngày đêm trong những ngày đầu năm mới khi liên tiếp nhận được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu mới từ các đối tác. Đến nay, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp chiếm khoảng 30% sản lượng theo kế hoạch sản xuất trong năm 2023.
“Đây là những tín hiệu rất đáng mừng giúp doanh nghiệp vững vàng tiến về phía trước trong một năm dự báo nhiều khó khăn”, lãnh đạo G.C Food nói.
Lãnh đạo G.C Food cho biết, trước xu hướng người tiêu dùng tại thị trường Mỹ, châu Âu thắt chặt hầu bao, doanh nghiệp đang vạch ra chiến lược đa dạng hóa khách hàng, tìm thêm thị trường mới như Đông Âu, Đông Nam Á, Trung Đông…; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, công thức mới để tiếp tục đưa nông sản Việt Nam vươn mạnh ra thị trường quốc tế trong năm 2023.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - cho biết, dù trong quý IV/2022, các đơn hàng tại một số thị trường suy giảm khiến lượng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, nhờ việc chủ động cơ cấu lại thị trường, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc...
"Năm nay, công ty sẽ tăng diện tích ao nuôi tôm, đồng thời tập dượt cho đội ngũ phương án tăng tốc khi thời cơ đến, hướng đến mục tiêu doanh nghiệp bền vững ổn định lâu dài”, ông Lực chia sẻ.
Doanh nghiệp tôm đón tin vui khi vẫn duy trì đơn hàng trong đầu năm mới |
Lĩnh vực dệt may cũng được dự báo chịu tác động không nhỏ khi tình trạng lạm phát tại một số thị trường lớn có xu hướng gia tăng. Tuy vậy, ông Phạm Quang Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - chia sẻ, ngay từ chiều mùng 3 Tết ông đã nhận được cuộc gọi từ một khách hàng bên Mỹ để chốt đơn hàng.
“Đây là khách hàng mà công ty đã làm việc thời điểm trước Tết và gửi mẫu, báo giá sang. Nhưng rất bất ngờ, chỉ ít ngày sau, họ đã gọi điện sang và cho biết rất hài lòng về sản phẩm và thông báo sau khi Việt Nam kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ xúc tiến thỏa thuận đơn hàng mới luôn”, ông Quang Anh nói.
Ông Nguyễn Tiến Hậu - Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế - chia sẻ, đến thời điểm này công ty đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết quý I/2023 và tỷ lệ đơn hàng FOB chiếm tới hơn 50%.
Theo đại diện công ty này, năm 2023, công ty phấn đấu nâng tổng doanh thu hơn 2.060 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu hơn 130 triệu USD. Đặc biệt, công ty sẽ đầu tư thêm nhà máy may 3 tầng với quy mô 40 dây chuyền với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận