Bất động sản Thủ Thiêm còn hấp dẫn sau khi 4 doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc?
Như vậy, 4 lô đất Thủ Thiêm có diện tích 30.014 m2 đã không thực hiện được giao dịch thành công, để mang về cho ngân sách nhà nước 37.346 tỷ đồng.
4 doanh nghiệp bỏ hơn 1.050 tỷ đồng
Ngày 16/7, Cục Thuế TPHCM cho biết, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm đã không đóng tiền vào ngân sách nhà nước sau khi kết thúc 180 ngày theo thời gian trên hợp đồng. Cụ thể, Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đã không thực hiện đóng số tiền hơn 8.000 tỷ đồng vào ngân sách, khi ngày 6/7 là hạn cuối cùng để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cho lô đất trúng đấu giá trước đó.
Vào ngày 10/12/2021, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2) và phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1 m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Hiện tại, Cục Thuế TPHCM làm văn bản chính thức gửi Sở Tài nguyên Môi trường về việc này để tiến hành hủy hợp đồng đã ký kết trước đó với doanh nghiệp.
Ngoài 2 công ty này, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá 2 lô đất Khu đô thị Thủ Thiêm đã thông tin bỏ cọc gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà Thương mại Bình Minh.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12, có diện tích 10.059,7 m2 giá 24.500 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà Thương mại Bình Minh trúng lô số 3-9, diện tích 5.009,1 m2, giá 5.026 tỷ đồng.
Số tiền 4 doanh nghiệp đã đặt cọc tổng cộng 1.051 tỷ đồng. Cụ thể Công ty CP Dream Republic cọc 115 tỷ đồng, Công ty CP Sheen Mega 203 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cọc hơn 588 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà Thương mại Bình Minh cọc hơn 145 tỷ đồng.
Như vậy, 4 lô đất Thủ Thiêm có diện tích 30.014 m2 đã không thực hiện được giao dịch thành công, để mang về cho ngân sách nhà nước 37.346 tỷ đồng.
Đất Thủ Thiêm có giảm sức hút?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha được bao bọc bởi sông Sài Gòn và có vị trí đối diện quận 1, TPHCM. Thủ Thiêm được quy hoạch với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố và sẽ là một trong những khu vực có hoạt động kinh tế, giải trí sôi động bậc nhất Đông Nam Á.
Với đặc điểm địa hình bán đảo, các công trình hạ tầng giao thông kết nối của Thủ Thiêm được chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Cụ thể, phía Bắc bán đảo có cầu Thủ Thiêm và Xa lộ Hà Nội. Kết nối với quận 1 là cầu Thủ Thiêm 2. Trong tương lai sẽ có cầu Thủ Thiêm 4 nối với quận 7 qua khu chế xuất Tân Thuận. Phía Đông còn có các tuyến đường quan trọng là đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, giúp kết nối Thủ Thiêm với đường Võ Chí Công, cảng Cát Lái. Bên trong nội khu bán đảo cũng có những tuyến đường quan trọng như Đại lộ Vòng cung, đường Ven hồ trung tâm, đường Ven sông, đường châu thổ.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam đánh giá: “Với loạt công trình hạ tầng quan trọng đã được đưa vào hoạt động và sớm hoàn thiện một cách có hệ thống, chúng ta có thể kỳ vọng về sự phát triển nhanh chóng của Thủ Thiêm. Tôi tin rằng trong thời gian tới khu vực này sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách và sự phát triển chung của thành phố”.
Theo ông Neil MacGregor, tương tự như sự phát triển của Phố Đông ở Thượng Hải ở bờ đối diện của sông Hoàng Phố, Savills Việt Nam kỳ vọng rằng trung tâm tài chính mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một phần mở rộng cho khu trung tâm truyền thống ở quận 1.Theo ghi nhận của Savills, với những dự án bất động sản đầu tiên ra mắt từ năm 2015, thị trường khu vực Thủ Thiêm đã có sự phát triển mạnh mẽ với hơn 10.000 sản phẩm nhà ở cao cấp và hạng sang. Nhìn từ góc độ đầu tư, ông Neil MacGregor cho rằng các chủ đầu tư ngay từ sớm đã nhanh chóng nhìn ra tiềm năng phát triển khu dân cư và thương mại ở đây.
“Thủ Thiêm đã thu hút được một số nhà phát triển tốt nhất tại Việt Nam và Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Keppel Land, Lotte, GS E&C, Swire, Gaw Capital, Refico và Sơn Kim Land. Những đơn vị này sẽ cùng phát triển các dự án bất động sản chất lượng cao nhất cho thị trường Việt Nam. Các dự án có thiết kế hiện đại và được nghiên cứu phát triển kỹ lưỡng để phù hợp với cộng đồng cư dân tương lai cũng như sự phát triển bền vững và lâu dài của bán đảo Thủ Thiêm”, ông Neil MacGregor.
Tổng giám đốc Savills Việt Nam khẳng định, dù kết quả cuộc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm vào tháng 12/2021 đã gây ra nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận Thủ Thiêm luôn là một khu vực rất hấp dẫn đối với các chủ đầu tư đang cân nhắc bước vào thị trường Việt Nam, khi các nghiên cứu về tính khả thi của dự án đều cho thấy doanh nghiệp có thể đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Với tình trạng khan hiếm quỹ đất phát triển dự án tại TPHCM vào thời điểm này, cơ hội phát triển tại Thủ Thiêm càng trở nên hấp dẫn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận