Bất động sản hết thời "lùa gà, đánh sóng"
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, vài ngày trước thời điểm 1/8, chỉ một số chi nhánh có số người đăng ký làm thủ tục tăng lên, chỉ từ 5 - 10%, không có đột biến.
3 luật quan trọng liên quan mật thiết tới đời sống của người dân và thị trường bất động sản gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực, sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu.
Tại bộ phận trả kết quả của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Có khá nhiều người dân được trả kết quả, ở ngoài thì cũng có nhiều người đang chờ, xếp hàng được làm thủ tục. Tuy nhiên, đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội khẳng định, lượng giao dịch trong ngày hôm nay cũng như một vài ngày trước thời điểm ngày 1/8 không có quá nhiều đột biến.
Anh Khải là một công chứng viên, mỗi tháng, xử lý khoảng 60 bộ giấy tờ chuyển nhượng bất động sản, con số này cũng không thay đổi trong tháng gần đây.
"Bây giờ đang chững lại, giá nhà đất cũng không có biến động nhiều, người dân cũng muốn chờ đợi những hướng dẫn cụ thể hơn từ văn bản pháp luật để có thể thực hiện hiệu quả nhất, có lợi cho bản thân và cho doanh nghiệp", anh Trịnh Đức Khải, văn phòng công chứng Việt cho hay.
Còn với những người mua bán, nộp thuế trung thực như chị Ngà, thì thời điểm trước hay sau 1/8 không quan trọng.
"Dù tôi đã biết từ 1/8 thì có Luật Đất đai mới, có bỏ khung giá đất của từng khu vực rồi, bây giờ là mua bán thực tế trên số tiền mình trao đổi giữa bên mua và bên bán. Việc tôi mua bán trước hay sau 1/8 với tôi không quan trọng, vì tôi mua bán trên thực tế giấy tờ và đúng theo quy định của nhà nước", chị Nguyễn Thị Thanh Ngà, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, vài ngày trước thời điểm 1/8, chỉ một số chi nhánh có số lượng người đăng ký làm thủ tục tăng lên, nhưng không nhiều, chỉ từ 5 - 10%, và không có đột biến. Lý do cũng có thể đến từ việc, thời điểm trước tháng bảy âm lịch, lượng giao dịch bất động sản thường tăng nhẹ, vì một số người có tâm lý tránh mua nhà tháng Ngâu.
Tác động của 3 luật mới tới giao dịch bất động sản
Theo thông tin từ Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội, nơi trực tiếp làm thủ tục hồ sơ chuyển nhượng nhà đất cho thấy, giao dịch thời gian này không có đột biến. Câu chuyện mượn cớ sắp thực thi 3 luật mới để thổi giá bất động sản không hề mới, nó đã xuất hiện trên thị trường từ đầu năm nay. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của các nhóm đầu cơ, tình hình giao dịch trên thị trường lại khá bình ổn, chủ yếu tập trung ở phân khúc bất động sản hướng tới nhu cầu ở thật.
Sau cơn sốt chung cư hồi đầu năm, vài tháng gần đây, một số thông tin lan truyền cho rằng, đất nền ven đô tại Hà Nội cũng bắt đầu sốt giá. Tuy nhiên, chính các môi giới tại khu vực ở đây khẳng định, giao dịch diễn ra bình thường.
"Lượng giao dịch có tăng hơn nhưng không phải là đột biến giống như thị trường đang lan truyền với nhau", anh Nguyễn Đình Quảng, nhà đầu tư bất động sản cho hay.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BTN GREEN thông tin: "Môi giới ở một số địa bàn khu vực vùng ven muốn đánh sóng tạo nên giao dịch để đỡ bị đóng băng, thoát hàng, nhưng kế hoạch đó không được thành công, người ta không dễ bị đánh sóng hoặc bị lùa gà nữa".
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước có trên 1.200 dự án với tổng giá trị trên 30 tỷ USD đang chờ rà soát, đánh giá, gỡ vướng mắc pháp lý.
Thời gian vừa qua, vướng mắc về mặt pháp lý tạo nên rào cản làm một số dự án khó triển khai, gây nên thiếu hụt nguồn cung. Từ 1/8, với 3 luật mới được thực thi thì các doanh nghiệp kỳ vọng những rào cản này sẽ được tháo gỡ, tăng nguồn cung cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: "Các nhà đầu tư nên hết sức bình tĩnh. Hiện nay các quy định của pháp luật chắc chắn sẽ tháo gỡ, các điểm nghẽn cho các dự án, sau khi luật có hiệu lực sẽ được phê duyệt, triển khai. Thị trường có sự cân bằng, chúng ta sẽ tham gia hiệu quả hơn".
"Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, chu kỳ của 1 thị trường bất động sản thường kéo dài, và có lẽ chúng ta không nên đi theo các xu thế ngắn hạn để đánh giá nhu cầu của thị trường", ông Nguyễn Dũng Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn MIK Group chia sẻ.
Còn đối với dự án đang mở bán, các chuyên gia phân tích, chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí từ trước theo luật cũ, giá cả đã được tính toán. Do vậy, khó có việc "mượn gió bẻ măng" tăng giá bất chấp thời điểm này, đặc biệt là các chủ đầu tư uy tín.
Các địa phương triển khai thực thi các quy định của Luật Đất đai
Với khoảng 1.200 dự án đang chờ được tháo gỡ pháp lý, rõ ràng là công việc của các địa phương, nơi có các dự án sắp triển khai là không hề nhỏ. Ghi nhận tại khu vực phía Nam về tình hình chuẩn bị thực thi 3 Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản từ một số địa phương.
Tại các tỉnh thành phía Nam hiện nay công tác tuyên truyền và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các quy định trong luật đang là những công việc ưu tiên hàng đầu. Có thể thấy các văn bản quy phạm pháp luật càng rõ ràng, sự chuẩn bị càng tích cực thì việc thực thi các quy định của luật đi vào đời sống càng sớm hiệu quả.
Những ngày này các nhân viên làm việc tại văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An luôn trong tình trạng làm việc căng thẳng liên tục với hàng loạt các văn bản, giấy tờ. Cho đến nay, sở đã xây dựng hoàn thiện 4 văn bản quan trọng quy định cụ thể về: Diện tích tách thửa đối với từng loại đất. Quy định bồi thường hỗ trợ tái định cư. Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất. Quy định cấp giấy tờ quyền sử dụng đất trước năm 1993. Đây được xem là các vấn đề trọng yếu trong pháp luật đất đai tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thông - Phó giám đốc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết: "Tinh thần là sẽ triển khai đầy đủ, đúng theo pháp luật đất đai năm 2024 và các văn bản thi hành. Đặc biệt vấn đề quan tâm nhất là giải quyết các thủ tục hành chính, kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp".
Để triển khai Luật Đất đai 2024, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ ban hành 12 dự thảo quy định trong thời gian tới. Đại diện sở cho biết, dù đến nay Chính phủ mới ban hành 3 Nghị định nhưng Sở vẫn gấp rút tiến hành xây dựng lấy ý kiến đóng góp liên tục để kịp thực thi các quy định mới xuống địa phương.
Chẳng hạn như tại tỉnh Đồng Nai, vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất là xây dựng chỉ tiêu diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp trên đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Thường - Phó Giám đốc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho hay: "Tinh thần là chúng ta làm song song khi Nghị định ban hành thì chúng ta cũng phù hợp với các nghị định rồi, không sửa gì nhiều thì chúng ta hoàn thiện để chúng ta trình cho kịp, khi các nghị định, thông tư có hiệu lực. Tỉnh có các quy định của tỉnh thì áp dụng để chúng ta thực hiện được thuận lợi như vậy pháp luật đất đai mới đưa vào cuộc sống và thực hiện được".
Hiện Chính phủ đã ban hành một số Nghị định như: Nghị định số 88 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nghị định số 98 về về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đặc biệt là nghị định 71 quy định về giá đất. Các địa phương cho biết sẽ giúp các dự án đã và đang bị vướng mắc trong tính giá đất cụ thể suốt hơn 3 năm qua sẽ cơ bản được tháo gỡ, giải quyết sớm trong thời gian tới.
Như vậy, tới thời điểm này, đã có một số Nghị định mới được ban hành để hướng dẫn việc triển khai và thực thi 3 Luật mới. Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã có sự chuẩn bị. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội sẽ có thêm các tọa đàm, hội thảo để hướng dẫn chi tiết việc thực thi các điểm mới của 3 luật, chỉ rõ điểm khác biệt so với quy định cũ, để giúp doanh nghiệp bớt bỡ ngỡ trong thời gian đầu thực thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận