Bất động sản công nghiệp có “sức đề kháng” tốt
Sở hữu nhiều lợi thế sẵn có cùng tiềm năng bứt phá trong “bối cảnh mới”, bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc có “sức đề kháng” tốt đối với dịch bệnh và đang trên đà tăng trưởng.
Sở hữu nhiều lợi thế
Giãn cách xã hội do dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và tác động trực tiếp tới sản xuất công nghiệp.
Nhiều người lo ngại doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển dòng tiền sang các khu vực xung quanh, kéo theo sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, sẽ không xảy ra đứt gãy dòng vốn FDI, bởi bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế “đường dài”.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, dù dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, nhưng đó là tác động chung. Việt Nam vẫn sẽ là “điểm sáng” cho nhà đầu tư nước ngoài tìm đến do có nhiều lợi thế cho thị trường bất động sản công nghiệp phát triển, từ yếu tố kho bãi đến nhân công.
Theo ông Đoàn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư khu công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM), để hồi phục nhanh chóng, đồng đều và tăng trưởng vượt bậc, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp phải không ngừng đổi mới, xây dựng tiềm lực cũng như uy tín của mình. Lý do là, khi Việt Nam hòa nhập với kinh tế thế giới, sẽ không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt để mang được vốn cũng như công nghệ từ nước ngoài về.
Hơn nữa, khi các nhà đầu tư lớn đổ tiền vào Việt Nam, họ sẽ có sự sàng lọc kỹ càng đối với các doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp làm tốt, thể hiện tốt thì sẽ thu hút được đầu tư và ngược lại. “Việc cạnh tranh là điều không tránh khỏi, nhưng sẽ giúp nhà đầu tư nội dần trưởng thành, tiến tới tiệm cận năng lực của nhà đầu tư quốc tế”, ông Hưng chia sẻ.
Minh chứng nổi bật là dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã bật tăng trở lại trong các tháng 9, 10 và 11/2021. Dù chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ, song đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, Tập đoàn Quản lý và Tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) cũng đánh giá, bất chấp tác động của đại dịch, bất động sản công nghiệp tiếp tục là phân khúc hấp dẫn nhờ sở hữu nhiều lợi thế.
Theo bà Trang Bùi, vị trí địa lý có thể đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trong việc dịch chuyển nhà máy, chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài. Việt Nam cũng rất thành công trong thu hút vốn FDI và đang có chi phí cho thuê kho bãi, nhân công rẻ. Đặc biệt, thuế xuất hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ thấp hơn so với một số nước trong khu vực.
Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng mạnh. Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các khu công nghiệp của 8 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt khoảng 80%. Mức giá chào thuê đất tăng từ 10% đến 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Những chỉ số tích cực trên là căn cứ khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng, bất động sản công nghiệp tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng”, kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận cao.
Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị quỹ đất
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đang tích cực chuẩn bị quỹ đất để đón đầu cơ hội bùng nổ sau làn sóng dịch lần thứ tư. Chẳng hạn, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đang tăng tốc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3 để tạo ra các sản phẩm sẵn có đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Hay Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) đang thực hiện chiến lược phát triển, mở rộng quỹ đất khu công nghiệp ra các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Định, với tổng quy mô hơn 4.000 ha. Doanh nghiệp này đang sở hữu 1.000 ha khu công nghiệp có thể sẵn sàng cho thuê ở những vị trí chiến lược như Bàu Bàng, Mỹ Phước tại Bình Dương.
Tại Bình Thuận, Dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận ở Hàm Tân và La Gi, do Tổng công ty Becamex IDC và Tổng công ty VSIP hợp tác phát triển, với quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư 18.840 tỷ đồng, được kỳ vọng thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước với dòng vốn hàng ngàn tỷ đồng.
Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận cũng sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng để xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức tại La Gi và Hàm Tân với quy mô 300 ha.
Một dự án lớn khác vừa được ký kết trong tháng 9 là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ) với tổng kinh phí khoảng 1,31 tỷ USD. Đây được xem là dự án FDI có quy mô lớn trong lịch sử thu hút đầu tư tại Bình Thuận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận