Bất động sản Bình Dương: Ồ ạt xin dự án rồi... để đó
Nhiều chuyên gia khuyến nghị tỉnh Bình Dương cần phải tránh việc phát triển dự án bất động sản theo phong trào, tập trung vào thực chất và tháo gỡ những điểm nghẽn hạ tầng.
"Đu" theo... phong trào
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Võ Hồng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài thu hút các dự án bất động sản, tỉnh này còn quan tâm xây dựng nhà ở xã hội.
Giai đoạn này Bình Dương đã thu hút được 14 dự án nhà ở xã hội. Trong tương lai, các dự án nhà ở thương mại sẽ cố gắng dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội.
Theo ông Ngân, việc phát triển các dự án bất động sản luôn nhận được sự quan tâm từ chính quyền nên thu hút được nhiều nhà đầu tư. Năm 2020, Bình Dương có 114 dự án được phê duyệt bản đồ quy hoạch 1/500. Trong đó, TP. Thủ Dầu Một có 15 dự án, TP. Thuận An có 36 dự án, TP. Dĩ An có 23 dự án…
"Theo định hướng từ 2021-2025, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng đô thị mới kết hợp chỉnh trang đô thị cũ, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật…”, ông Ngân cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản Bình Dương đang phát triển sôi động, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh này cần tránh phát triển theo phong trào, xin dự án rồi để đó không làm.
Ông Khởi cho rằng, thị trường bất động sản vẫn là "đầu kéo" cho các thị trường khác phát triển. Thế nhưng, hiện nhiều quy định còn chồng chéo, bất cập, chịu sự ràng buộc với 14 luật, chưa kể các nghị định dưới luật.
“Hiện vẫn còn nhiều tồn tại như đầu tư bất động sản còn nhiều rủi ro về pháp lý, nguồn vốn… Nhiều doanh nghiệp hoạt động yếu về năng lực mà chỉ làm theo phong trào, không tuân thủ quy định, không chuyên nghiệp mà có dấu hiệu làm ăn lừa đảo… Pháp luật hiện nay còn nhiều quy định cần được hoàn thiện để phù hợp với thực tế hơn, nhiều quy định còn chồng chéo, bất cập…”, ông Khởi nói.
Cần tháo gỡ điểm nghẽn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), Bình Dương đang có địa thế rất đặc biệt, thuận lợi cho phát triển kinh tế, bất động sản và trở thành nơi kết nối với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, Bình Dương cần tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp đến từ ngoài tỉnh đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
“Bình Dương có nhiều lợi thế như có tầm nhìn quy hoạch tốt, trong đó phát triển nhà ở gắn liền với phát triển nhà ở xã hội. Điểm nghẽn của tỉnh Bình Dương là tính kết nối với các tỉnh lân cận, tắc nghẽn ở các cửa ngõ ra vào các tỉnh trong khu vực dù cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ trong tỉnh rất tốt", ông Châu nói.
Điển hình, một số đường giao thông chưa kết nối tốt với tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Cụ thể, trên tuyến đường quốc lộ 13 đi vào TPHCM thường xuyên kẹt xe, đường còn hẹp. Ngoài ra cả trong vận tải hàng hoá từ TPHCM đi Bình Dương cũng không được thuận lợi khi giao thông tắc nghẽn ở các cảng, nhà ga lớn đến TPHCM như ở ga Sóng Thần.
Dưới góc độ nhà đầu tư, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs đưa ra dự đoán, thị trường bất động sản ở tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới.
Nguồn cung bất động sản TPHCM hiện nay đã khan hiếm, xu hướng người dân TPHCM giãn ra ngoại thành, ra các đô thị vệ tinh là rất lớn. Do đó, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển, nhất là TP. Dĩ An và TP. Thuận An của tỉnh Bình Dương sẽ được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG cho rằng, trong tương lai tỉnh Bình Dương có dân số đạt 10 triệu là có thể. Do đó, tỉnh Bình Dương cần có tầm nhìn quy hoạch, giao thông kết nối tốt để đón đầu.
Hiện nay, thủ tục để một dự án được triển khai thường kéo dài từ 18-24 tháng, dẫn đến sự lãng phí về thời gian và nguồn lực của xã hội.
“Hiện tại nhà đầu tư đang vướng nhiều nhất là thủ tục pháp lý để đầu tư dự án bất động sản. Chúng ta đang gặp câu chuyện phát triển hạ tầng đi sau quy hoạch dẫn đến việc các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc phát triển các dự án bất động sản cao tầng”, ông Khang nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận