Bảo vệ người tiêu dùng giao dịch với thương nhân nước ngoài trên sàn TMĐT ra sao?
Trước thực tế ngày càng có nhiều thương nhân hoạt động theo pháp luật nước ngoài bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã đưa vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP những quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết sự bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh cũng như đặt ra cơ chế thu thuế của thương nhân nước ngoài.
Thiếu quy định điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của TNNN
Thời gian gần đây, các sàn giao dịch thương mại điện tử (sàn TMĐT) lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo ... luôn tìm cách đa dạng nguồn cung hàng hóa và mở rộng đối tượng tham gia giao dịch trên sàn.
Nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc mua hàng hóa từ nước ngoài, nhiều sàn TMĐT đã nhanh chóng cho phép các thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (TNNN) bán hàng hóa, dịch vụ của họ trên sàn tương tự như một thương nhân trong nước.
Theo Sách Trắng TMĐT 2020, tỷ lệ số lượng gian hàng của TNNN trên tổng số gian hàng trong năm 2018 là 33% và đã tăng lên 39% trong năm 2019 (***).
Về mặt pháp lý, mô hình này đã đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng như đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo hành sản phẩm và giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và TNNN.
Dưới góc độ đầu tư nước ngoài, mô hình này cũng làm phát sinh sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực phân phối tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp này chịu sự hạn chế về các loại hàng hóa được kinh doanh cũng như các điều kiện nghiêm ngặt để được cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép bán lẻ theo quy định của pháp luật nội địa. Ngoài ra, cơ chế thu thuế đối với các TNNN cũng là một vấn đề cần phải giải quyết.
Mặc dù vậy, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử cùng các văn bản liên quan hiện chưa có quy định phù hợp để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của sàn TMĐT và TNNN trong mô hình này. Nhu cầu đặt ra hành lang pháp lý để có cơ sở giải quyết những bất cập nêu trên là vô cùng cấp thiết.
Chủ sàn TMĐT phải chịu trách nhiệm liên đới với TNNN
Với tinh thần đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới được thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP (Dự thảo).
Dự thảo đã đặt ra những nền tảng ban đầu điều chỉnh hoạt động của TNNN trên sàn TMĐT Việt Nam theo các quy định nổi bật sau:
Nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng của chủ sàn TMĐT
Theo Dự thảo, chủ sàn TMĐT có trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc tuân thủ các nghĩa vụ sau:
Với các quy định trên, Dự thảo đặt nặng trách nhiệm của chủ sàn TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng, do sàn TMĐT chính là “cửa ngõ” để các TNNN tiếp cận với thị trường Việt Nam. Đứng trên góc độ quản lý nhà nước và người tiêu dùng, những thay đổi này mang tính tích cực và được hy vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng qua sàn TMĐT, giảm bớt và giải quyết tốt các tranh chấp giữa người tiêu dùng và TNNN, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động của sàn TMĐT theo hướng ngày càng minh bạch, hiệu quả và an toàn.
Nguyên tắc tuân thủ điều kiện kinh doanh hàng hóa, ngành nghề có điều kiện
Dự thảo cũng sửa đổi nhằm làm rõ nguyên tắc tuân thủ điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với ngành nghề và hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, theo Dự thảo, hoạt động TMĐT đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Mặc dù quy định trên chỉ dừng lại ở phạm vi đặt ra nguyên tắc nhưng có thể thấy rằng nhà làm luật có xu hướng siết chặt điều kiện kinh doanh phân phối của các TNNN bán hàng trên sàn TMĐT. Với quy định trên, tác giả cho rằng các nhà làm luật đang hướng đến việc giới hạn các loại mặt hàng mà TNNN có thể phân phối qua sàn theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như yêu cầu TNNN cần phải xin các giấy phép phù hợp theo pháp luật Việt Nam để kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Việc này cũng có nghĩa rằng các TNNN buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kinh doanh hàng hóa, điều mà hiện nay các TNNN chưa thực sự tuân thủ nghiêm túc và triệt để.
Nếu việc này được áp dụng, người tiêu dùng Việt Nam có thể yên tâm về chất lượng của hàng hóa do TNNN phân phối vào Việt Nam. Đồng thời, quy định này cũng tạo sự cân bằng về điều kiện kinh doanh giữa TNNN và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh phân phối theo pháp luật Việt Nam. Ngược lại, các TNNN cũng nên có sự chuẩn bị về cả chiến lược kinh doanh lẫn chi phí để đáp ứng với những thay đổi này.
Cơ chế thu thuế
Theo Dự thảo, Chủ sàn TMĐT có trách nhiệm khấu trừ và khai nộp thuế nhà thầu thay mặt cho TNNN. Quy định này nhằm tạo cơ chế bắt buộc cho việc khấu trừ và nộp thuế tại nguồn, đảm bảo nguồn thu thuế từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, tuân thủ pháp luật về thuế, cũng như tạo sự bình đẳng giữa các thương nhân kinh doanh trong và ngoài nước.
Việc áp dụng các ưu đãi trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (nếu có) cần phải căn cứ theo từng Hiệp định cụ thể áp dụng cho từng TNNN và ý kiến tư vấn từ đơn vị tư vấn chuyên môn thuế.
Nhìn chung, những quy định mới của Dự thảo đã tạo ra một khung pháp lý cơ bản để kiểm soát hoạt động của TNNN trên sàn TMĐT tại Việt Nam theo hướng tích cực cho người tiêu dùng và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các quy định còn mang tính nguyên tắc, dẫn chiếu đến pháp luật chuyên ngành, một số quy định chưa rõ ràng và có khả năng dẫn đến những cách diễn giải khác nhau của cơ quan thi hành pháp luật.
Nếu Nghị định chính thức và các văn bản hướng dẫn được ban hành trong tương lai có thể khắc phục tối đa được những vấn đề nêu trên thì cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường TMĐT năm 2021 hứa hẹn sẽ là thời điểm TMĐT lên ngôi và trở thành một trong những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng của đất nước và khu vực, góp phần đạt được những mục tiêu mà Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên đã đặt ra.
(*) Luật sư Thành viên LNT & Partners(**) Cộng sự LNT & Partners
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận