Bảo vệ chặt chẽ khoáng sản 11 vị trí nhằm cung cấp vật liệu xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã yêu cầu các huyện liên quan quản lý, bảo vệ chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác tại 11 vị trí cụ thể nhằm cung cấp vật liệu xây dựng cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương.
Ngày 27/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) tỉnh Lâm Đồng cho biết đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Sở TNMT cho biết, để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định để cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho nhà đầu tư nhằm chủ động, cung cấp kịp thời, đầy đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương đúng tiến độ, yêu cầu các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và Lâm Hà phải quản lý, bảo vệ chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác tại 11 vị trí.
11 vị trí trên dự kiến sẽ cấp phép hoạt động khoáng sản cho nhà đầu tư để cung cấp vật liệu xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Vì vậy, các địa phương phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở TNMT cũng yêu cầu liên danh nhà đầu tư là lập dự án Công ty cổ phần tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang cần chủ động liên hệ phối hợp với chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án giao thông tỉnh để nắm thông tin, số liệu cần thiết liên quan đến vị trí dự kiến cấp phép, nguồn vật liệu xây dựng hiện có trên các địa bàn.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương - Prenn hiện hữu. Ảnh: Văn Long.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất bố trí 11 vị trí mỏ vật liệu xây dựng để phục vụ thi công cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương. 11 vị trí trên có địa điểm tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Liên Đầm, Tân Châu, Đinh Lạc, Gia Hiệp (huyện Di Linh), xã N’Thonl Hạ, xã Liên Hiệp, xã Ninh Gia, xã Liên Nghĩa, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Tổng diện tích được khai thác của 11 vị trí trên là hơn 170ha.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở TNMT tiếp tục việc cấp mới hoặc gia hạn điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng tại khu vực liên quan đến tuyến cao tốc trên nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng thi công tuyến cao tốc.
Cơ quan chức năng sử dụng Flycam để xác định hiện trạng rừng, đất đai, kiến trúc theo chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa.
Trước đó, Dân Việt đã thông tin, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng để thi công tuyến cao tốc trên là hơn 8 triệu m3 đất đắp K95 và K98, hơn 1,6 triệu m3 đá các loại, hơn 50.000m3 cát xây dựng. Tuy nhiên, khối lượng đất san lấp thiếu và cần thêm hơn 2 triệu m3.
Chính vì vậy, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh vận dụng các quy định của pháp luật để đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác khoáng sản/năm của các doanh nghiệp để cung cấp đủ và kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ thi công dự án.
Đối với cơ chế đặc thù trên chỉ áp dụng riêng cho dự án xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương trong thời gian từ ngày khởi công đến khi kết thúc dự án bàn giao và đưa vào hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận