24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Báo Nhật: Việt Nam thành ‘công xưởng khẩu trang’ của thế giới và lợi thế khi nhà đầu tư tìm lại được ‘khẩu vị’

Việt Nam đang khuyến khích các hãng may mặc sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, như khẩu trang, để bù đắp cho mức sụt giảm trong xuất khẩu.

Nhanh chóng chuyển hướng sản xuất

Theo bài viết, từ nhiều năm nay, các hãng/công ty may mặc và giầy dép đang chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tận dụng các thỏa thuận thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã kìm hãm xu hướng này. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS, cơ quan đại diện khoảng 450 công ty dệt may tại Việt Nam) gọi đại dịch là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/8, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm 13,7% so với cùng kì năm 2019. Trong nhiều năm qua, vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh chóng, chỉ trong năm 2019 tăng 7% so với năm trước.

Khi đơn hàng từ Mỹ và châu Âu cạn kiệt, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng giảm 11,6% trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay.

Sau Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới. Dệt may là một trong những lĩnh vực giúp Việt Nam thoát nghèo và trở thành một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 32,6 tỷ USD hàng may mặc và dệt may dưới nhiều thương hiệu như Walmart và Adidas.

Đại diện thương hiệu thời trang H&M nói: "Mùa Xuân năm nay, nhu cầu hàng may mặc trên toàn cầu đi xuống, tác động lớn đến số lượng đơn hàng của chúng tôi với các nhà cung cấp ở tất cả các thị trường đối tác của công ty, bao gồm Việt Nam".

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, cho biết: "Chưa bao giờ ngành dệt may chịu áp lực và thay đổi kế hoạch nhanh chóng mặt như hiện nay.

Để “sống sót” qua khủng hoảng Covid-19, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam phải "trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới".

Khi các thị trường nước ngoài giảm bớt nhu cầu với quần áo, một số nhà máy chuyển sang mục tiêu khác. Theo Bộ Công Thương, ít nhất 50 công ty dệt may Việt Nam đang sản xuất khẩu trang y tế hoặc lên kế hoạch tương tự. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - một trong những công ty lớn nhất ngành dệt may Việt Nam, thường cung ứng hàng cho nhiều đối tác nước ngoài như Levi's, Tesco và Decathlon. Tuy nhiên, kể từ mùa Xuân năm nay, TNG đã xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang.

Ông Frank Weiand, cố vấn về nội địa hóa chuỗi cung ứng tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Hà Nội nói: "Rất nhiều công ty dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang, hầu hết đều thành công".

Phát huy ‘điểm cộng’

Khẩu trang là mặt hàng có giá trị nhỏ, nhưng theo Chủ tịch VITAS, sản phẩm này lại có tiềm năng xuất khẩu lớn vì đang trở thành mặt hàng bắt buộc và phổ biến trên toàn thế giới. Các hãng dệt may Việt Nam đặt cược vào sản xuất khẩu trang với niềm tin là nhu cầu khẩu trang trên toàn cầu sẽ duy trì ổn định vì việc chấm dứt đại dịch Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian.

Một cách khác mà các công ty Việt Nam có thể thích ứng trong môi trường mới là áp dụng công nghệ mới, như hợp tác với đối tác thông qua phương tiện kĩ thuật số. Ví dụ, các công ty dệt may Việt Nam đã lần đầu tiên thực hiện toàn bộ giao dịch kinh doanh thông qua WeChat, từ giới thiệu sản phẩm đến đàm phán giá cả.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm 2020, là một trong số ít các nước mà ADB cho là sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, dự báo này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2019.

VITAS ước tính khoảng 60% nguyên liệu của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. VITAS muốn giảm tỉ lệ này xuống còn 30% bằng cách phát triển chuỗi cung ứng trong nước.

Một trong những chiến lược của VITAS là cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài, khuyên họ đầu tư vào toàn bộ qui trình sản xuất chứ không chỉ may gia công. Chiến lược thứ hai là vận động các công ty dệt may làm sạch qui trình sản xuất, hướng đến xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp địa phương.

Doanh nghiệp và giới phân tích cho rằng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng nếu Việt Nam có chuỗi cung ứng lớn và tiên tiến hơn. Hiện tại, chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi các công ty dệt may quốc tế tìm lại được "khẩu vị" đầu tư, họ sẽ tiếp tục rời khỏi Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc để tiết kiệm chi phí, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh. Mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện là gần 140 USD/tháng, chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu tại Trung Quốc.

Việt Nam cũng có nhiều thỏa thuận thương mại nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm hiệp định TPPEVFTA.

H&M cho hay, họ phải thay đổi "linh hoạt vì sự bất ổn" trong đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là một đối tác quan trọng trong kế hoạch dài hạn của công ty.

Covid-19 khiến các công ty toàn cầu nhận ra phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả phương án dịch chuyển sang Việt Nam.

Chủ tịch VITAS nhấn mạnh: "Ngay cả khi không có đại dịch, doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ muốn phân tán chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhờ đại dịch mà các công ty này phải đối mặt với áp lực dịch chuyển nhanh hơn".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả