Bảo hiểm liên kết đơn vị "ấm" nhờ chứng khoán
Bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) với đặc tính có phần đầu tư lớn hơn đang tỏ ra hút khách nhờ sự ấm lên của thị trường chứng khoán.
Những biến chuyển tích cực
Tại châu Á, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) đã xuất hiện từ lâu và khá phổ biến ở một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Trung Quốc… Ở Việt Nam, Prudential và Manulife là 2 nhà bảo hiểm tiên phong đưa ra sản phẩm này từ chục năm trước. Đây cũng là 2 công ty bảo hiểm có công ty quản lý quỹ sớm nhất thị trường, sau đó một số công ty bảo hiểm khác như Dai-ichi Life, Chubb Life… cũng thành lập công ty quản lý quỹ và cho ra mắt các sản phẩm ILP.
Tuy đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng sự có mặt của ILP chủ yếu là để cho đủ bộ sản phẩm, lại là mặt hàng “kén” khách và quy định đối với bên bán cũng khá khắt khe nên chưa được các công ty bảo hiểm đẩy mạnh khai thác, dẫn tới doanh thu cũng như số lượng hợp đồng của các sản phẩm này chưa cao, chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng doanh thu phí cũng như tỷ trọng hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty bảo hiểm đã nhận thấy cơ hội từ dòng sản phẩm này nên bắt đầu tập trung phát triển. Đến nay, ngoài các nhà bảo hiểm kể trên, Generali cũng đã triển khai sản phẩm ILP và dự báo sẽ có thêm nhiều “tân binh” tham gia “sân chơi” này trong thời gian tới.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), số lượng hợp đồng khai thác mới trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm sức khỏe tăng 198%, bảo hiểm ILP tăng 150%, còn bảo hiểm liên kết chung (UL) tăng 32%.
Xét về tỷ trọng, lượng hợp đồng ILP khai thác mới hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số hợp đồng khai thác mới, con số này tuy còn khiêm tốn so với tỷ trọng hơn 52% của sản phẩm UL hay hơn 28% của bảo hiểm tử kỳ, nhưng là cột mốc đáng ghi nhận so với mức 5% trước đây.
Đỏ, nhưng chưa chín
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về việc nhà bảo hiểm đẩy mạnh dòng sản phẩm ILP thời điểm này, CEO một công ty bảo hiểm nói rằng, các công ty bảo hiểm e ngại rủi ro lãi suất thấp nên bán sản phẩm ILP sẽ tránh được rủi ro này và thực tế là phát triển ILP cũng làm phong phú thêm danh mục sản phẩm đầu tư, chưa kể việc thị trường chứng khoán trong xu hướng tăng là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh sản phẩm này.
Thực tế, thị trường chứng khoán đã tăng liên tục từ tháng 8/2020 và hiện rất sôi động, mở ra cơ hội đầu tư thu lợi nhuận tốt hơn cho người mua bảo hiểm.
Cũng theo vị CEO trên, một lợi thế khác của sản phẩm ILP là rủi ro đầu tư sẽ thuộc về khách hàng (bởi khách hàng tự quyết định việc đầu tư), còn với sản phẩm UL thì thuộc về doanh nghiệp. Ngoài ra, rủi ro của sản phẩm UL cũng nhiều hơn vì phần bảo hiểm lớn hơn đáng kể so với sản phẩm ILP (chủ yếu là bảo hiểm tử kỳ đi kèm) và sản phẩm UL cũng thường được gắn thêm các sản phẩm phụ khác để tăng sức hấp dẫn… Dù vậy, bán sản phẩm ILP doanh thu phí bảo hiểm sẽ thấp hơn so với sản phẩm UL vì phần lớn phí thu về sẽ được xem là tiền gửi/tiền đầu tư của khách hàng.
Trở lại câu chuyện tăng trưởng của ILP, mặc dù có sự biến chuyển rõ nét so với trước đây, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, như vậy chưa đủ để khẳng định “tương lai tươi sáng” của sản phẩm này đã ở trước mắt, bởi thực tế, ILP không phải là dòng sản phẩm có thể bán đại trà (cả người bán và người mua dòng sản phẩm này đều ở phân khúc riêng). Tại nhiều thị trường, việc bán ILP dễ bị bán sai nên cơ quan quản lý quy định rất nghiêm ngặt cho người được phép bán, chẳng hạn bán qua kênh ngân hàng hay các công ty dịch vụ tài chính trung gian, công ty chứng khoán… Một số thị trường còn hạn chế bán ILP vì tư vấn bảo hiểm bán qua ngân hàng lạm dụng bán sai (miselling) để kiếm hoa hồng nên dễ gây rủi ro.
“Tôi còn nhớ ở Mỹ và Hàn Quốc năm 2008, khi khủng hoảng tài chính diễn ra, rất nhiều khách hàng tham gia sản phẩm ILP trước đó đã tìm đến các công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có cả công ty bảo hiểm mẹ của chúng tôi, để khiếu nại việc khoản đầu tư của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Đó là lý do cần phải để khách hàng Việt Nam hiểu rõ hơn đặc tính của những sản phẩm ILP”, CEO một công ty bảo hiểm có trụ sở ở châu Á cho hay.
Chính vì là sản phẩm bảo hiểm đặc thù nên ở nhiều thị trường, người bán ILP phải là những cố vấn tài chính (Finanicial Advisor) chuyên nghiệp chứ không phải đại lý bảo hiểm đơn thuần. Tại Việt Nam, quy định về đại lý bảo hiểm bán ILP từng khá khắt khe: Phải là đại lý bảo hiểm và có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục; phải có tối thiểu 6 tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp; phải có tối thiểu 6 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục và có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm…
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều điều kiện được bãi bỏ, các đại lý bảo hiểm bán sản phẩm ILP chỉ cần đáp ứng điều kiện là được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về ILP. Dù vậy, một số công ty bảo hiểm vẫn thận trọng, chỉ những đại lý chuyên nghiệp, am hiểu về thị trường tài chính mới được bán sản phẩm này.
“So với các công ty đi trước, chúng tôi phát triển sản phẩm ILP muộn hơn, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định, bởi để triển khai tốt thì khách hàng cần có hiểu biết về thị trường vốn cũng như thị trường chứng khoán. Ngoài ra, công tác huấn luyện cho các đại lý tư vấn tài chính để triển khai sản phẩm này cũng phải làm rất kỹ để tránh rủi ro cho các bên tham gia, cũng như ảnh hưởng tới thị trường chung”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm đang có kế hoạch đưa sản phẩm ILP ra thị trường chia sẻ.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị - ILP (Investment Linked Product) là một giải pháp tài chính linh hoạt cung cấp cho khách hàng sự bảo vệ vốn có của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, đồng thời mang đến một tiềm năng tích lũy tài sản cao thông qua các cơ hội đầu tư. Đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không chia lãi, bao gồm 2 phần tương đối tách biệt nhau: Phần bảo hiểm và phần đầu tư, trong đó phần đầu tư là chủ yếu.
Phí bảo hiểm của khách hàng cũng sẽ được chia làm 2 phần: Một là dành cho bảo hiểm nhân thọ (chiếm tỷ lệ nhỏ trong phí bảo hiểm); hai là dành cho tiết kiệm, đầu tư thu lợi nhuận (chiếm tỷ lệ lớn trong phí bảo hiểm). Thông thường, công ty bảo hiểm có 2 hoặc nhiều quỹ đầu tư để bên mua bảo hiểm lựa chọn, mỗi quỹ được đầu tư theo một danh mục đầu tư xác định và phần lớn số phí bảo hiểm được phân bổ để mua các đơn vị quỹ đầu tư đã chọn. Bên mua bảo hiểm được hưởng lợi nhuận khi giá trị đơn vị quỹ tăng hoặc chịu tổn thất khi các giá trị các đơn vị quỹ giảm…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận