24HMONEY đã kiểm duyệt
27/11/2023
Báo cáo chiến lược tuần 27/11 - 01/12
Đà tăng giữ vững sang tuần thứ 4 liên tiếp trên TTCK Mỹ
THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Chứng khoán Mỹ vững đà đi lên trong tuần vừa qua nhờ các dữ liệu vĩ mô củng cố cho kỳ vọng nền kinh tế “hạ cánh mềm” (i) xu hướng hạ nhiệt của lạm phát (ii) lãi suất đang ở đỉnh của chu kỳ thắt chặt lãi suất của FED (iii) tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại vừa phải.
Lợi suất trái phiếu 10 năm có hồi phục nhẹ trong phiên thứ Sáu nhưng vẫn ở quanh mức thấp nhất trong 2 tháng. Các chỉ số cổ phiếu chính tăng tốt phiên cuối tuần và kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp. So với tuần trước, DJIA +1,27%, S&P 500 +1% còn
Nasdaq +0,89%. Sau nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 10, S&P 500 và Nasdaq đã phục hồi lần lượt 7% và 9% từ đầu tháng 11 đến nay.
Tuần 27/11-01/12 sẽ đón nhận khá nhiều thông tin vĩ mô trên TTCK Mỹ. Trong đó, nổi bật và khả năng tác động đến TTCK sẽ bao gồm các sự kiện (i) các bài phát biểu của một loạt quan chức FED bao gồm Chủ tịch Jerome Powell sẽ diễn ra gần như hầu hết các ngày trong tuần (ii) thứ Tư 29/11: số liệu GDP Q3.2023 điều chỉnh, dự kiến ở mức 4,9% không đổi so với ước tính (ii) thứ Năm 30/11: chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE tháng 10).
Giá dầu chững lại sau 4 tuần giảm liên tiếp
Dù giảm trong 2 phiên cuối tuần, giá dầu tính chung tuần qua gần như đi ngang sau 4 tuần giảm liên tục. Sự chú ý trên thị trường dầu mỏ vẫn hướng đến kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục mở rộng chính sách thắt chặt nguồn cung mặc dù cuộc họp của khối này đã trì hoãn sang ngày 30/11.
Dầu Brent đóng cửa phiên thứ Sáu tại 80,1$/thùng và tiếp diễn xu hướng điều chỉnh mặc dù vẫn giữ trên vùng giá 80. Chỉ báo kỹ thuật RSI tỏ ra suy yếu, cho đánh giá dầu Brent có thể hướng xuống mục tiêu 78, trước khi đảo chiều trở lại.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Phân hóa mạnh – Nhóm Chứng khoán đồng loạt đi lên
TTCK Việt Nam trải qua tuần giao dịch biến động. Động lực hồi phục suy yếu khiến VNIndex đảo chiều giảm mạnh trong phiên thứ Năm trước khi hồi phục về cuối phiên thứ Sàu và kết tuần tại 1.095,6 điểm, giảm 6 điểm (-0,51%) so với tuần trước. Thị trường phân hóa mạnh với 231 mã mất điểm.
Áp lực bán dàn trải rộng hơn tuần giao dịch liền trước và tiếp tục tập trung nhiều hơn ở nhóm vốn hóa lớn. Các mã Ngân hàng như STB (-3,6%), TCB (-3,5%), ACB (-2,9%), SHB (-2,2%) và Tiêu dùng như MWG (-6,9%), MSN (-3,6%) tác động mạnh lên chỉ số VN30 (-1,47%) cũng như thị trường chung. Trong khi đó, SSI (+1,59%) cùng VCB, VJC, FPT, BID, VHM, GVR là 7 mã giao dịch tích cực nhất rổ VN30.
Dù đà tăng chậm lại, VNMidcap +0,26% ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Nhóm vốn hóa trung bình vẫn đang cho thấy diễn biến khả quan hơn thị trường chung với tương quan 30 tăng và 38 giảm. Động lực lớn nhất cho chỉ số VNMidcap đến từ các mã Chứng khoán (VND +5,19%, VCI +4,22%, VIX +2,47%, FTS +2,56%, HCM +2,44%), Hóa chất (DGC +2,36%, DCM +2,74%) và một số mã khác như PNJ (+1,9%), PVD (+2,27%), SZC +(9,77%).
Chỉ số VNSmallcap không thay đổi nhiều so với tuần trước, tuy nhiên cũng ghi nhận động lực nâng đỡ từ nhiều cổ phiếu Chứng khoan như BSI (+8,8%), ORS (+2,77%), VDS (+5,96%, CTS (+5,8%).
Thanh khoản thị trường duy trì nhịp độ sôi động
Dòng tiền chậm lại trong hai phiên đầu tuần nhưng nhanh chóng lấy lại nhịp độ sôi động trong nửa sau của tuần giao dịch, nhờ vậy duy trì mức thanh khoản tương đương tuần trước, với tổng GTGD đạt 21.155 tỷ đồng/phiên. Trong đó, GTGD qua kênh khớp lệnh đạt 19.008 tỷ đồng/phiên, kênh thỏa thuận đạt 2.147 tỷ đồng/phiên.
Hàng & Dịch vụ công nghiệp là nhóm ngành ghi nhận thanh khoản cải thiện tốt nhất trong tuần, bên cạnh Dịch vụ tài chính, Xây dựng & Vật liệu, Hóa chất, Dầu khí. Các mã có dòng tiền gia tăng đáng kể trong tuần bao gồm VSC, HBC, VPB, VND, SZC, HDC, HUT, VOS, IDC, VGC.
Ngược lại, các nhóm Ngân hàng và Tài nguyên cơ bản, Bán lẻ, Điện giao dịch kém sôi động hơn so với tuần liền trước.
Xét về tỷ trọng giao dịch, Bất động sản và Chứng khoán đang chiếm tỷ trọng cao nhất tương ứng 25% và 20% GTGD trong tuần qua, cao hơn tỷ trọng 16% ở nhóm Ngân hàng.
Khối ngoại vẫn trong xu thế bán ròng, tuy nhiên mua ròng nhóm VNMidcap
Khối ngoại mua ròng ở phiên đầu tuần và phiên cuối tuần nhưng tiếp tục bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp, với giá trị -947 tỷ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm lên -12.057 tỷ đồng.
Xu hướng bán ròng tiếp tục tập trung ở các ngành Bất động sản, Ngân hàng, Thực phẩm & Đồ uống, Bán lẻ. Ngược lại, ngành Dịch vụ tài chính, Hóa chất và Dầu khí được mua ròng trở lại.
Giá trị bán ròng cao nhất ghi nhận ở các mã VPB (-735 tỷ), VHM (-328 tỷ), VNM (-237 tỷ), VRE (-226 tỷ), MWG (-138 tỷ) và FUESSVFL (-204 tỷ). Ngược lại, DGC (+175 tỷ), SSI (171 tỷ), VND (+165 tỷ), STB (+133 tỷ) được mua ròng tích cực trong tuần này.
Mặc dù xu thế bán ròng vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường, tuy nhiên nhóm vốn hóa trung bình lại đang cho thấy sự ưa chuộng của dòng tiền khối ngoại với chuỗi mua ròng kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay. Ngược xu thế chung, GT mua ròng ở nhóm này từ khối ngoại ghi nhận lần lượt 1,1 nghìn tỷ trong tháng 10 và 2,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 11.
Dòng vốn ETFs cân bằng trở lại
Dòng tiền ETF cân bằng trở lại trong tuần này khi ghi nhận dòng vốn vào quỹ VNDiamond (+117 tỷ đồng) sau 7 tuần liên tục rút vốn, và quỹ KIM Kindex (+95 tỷ đồng). Tuy nhiên, quỹ VNFIN Lead (-126 tỷ đồng) và VanEck (-130 tỷ đồng) tiếp tục chịu áp lực rút vốn.
Tính chung cả tuần, các quỹ ETF bị rút ròng nhẹ -93 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm dòng vốn ETF vào nhẹ 507 tỷ đồng.
CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG
Nhận định kỹ thuật
Thị trường tiếp tục giằng co tuần thứ 2 liên tiếp nhưng đã đánh mất ngưỡng 1.100 trên VNIndex.
Các tín hiệu kỹ thuật như RSI và ADX vận động theo xu hướng yếu, VNIndex thêm lần nữa đóng cửa dưới các đường trung bình EMA.
Điều này cho nhận định chỉ số VNIndex sẽ tiếp diễn xu hướng giằng co trong biên rộng vào tuần tới với biên độ dự kiến 1.040 - 1.110.
Khuyến nghị
Tiếp tục quản trị rủi ro danh mục chặt chẽ trong ngắn hạn. Xem xét chốt lời từng phần đối với các cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua – (xem Bảng 3).
Cân nhắc giải ngân nhằm chờ đợi dòng tiền luân chuyển đến nhóm cổ phiếu có tín hiệu dòng tiền tích cực và còn dư địa tăng giá (xem Bảng 2). Riêng nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang cho thấy trong quá trình tích lũy chặt, cũng như những tín hiệu kỹ thuật ổn định dần cũng có thể xem xét. Dù vậy, chỉ nên tham gia với tỷ trọng vừa phải và tiếp tục chờ đợi phiên xác nhận xu hướng Tăng Ngắn hạn để nâng tỷ trọng.
Nhìn xa hơn, với nền so sánh thấp ở Q4.2022 (lợi nhuận giảm 33,5% so với cùng kỳ), chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của thị trường sẽ tăng trưởng dương trở lại trong Q4.2023 sau khi thu hẹp tốc độ giảm ở Q3.2023. Thị trường sẽ ưa chuộng nhóm cổ phiếu có sự phục hồi lợi nhuận vượt trội hơn mặt bằng chung và bất kỳ biến động mạnh trong ngắn hạn tiếp tục là cơ hội tích lũy đầu tư ở những cổ phiếu trong nhóm này.
Bình luận