Bánh kẹo Hải Hà (HHC) bớt "ngọt"?
Vừa nhận án phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền hơn tỷ đồng, bánh kẹo Hải Hà tiếp tục nhận “tin buồn” khi lợi nhuận bán niên 2024 bị “bốc hơi” 7% sau soát xét.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 mới công bố, Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà (HNX: HHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 341,5 tỷ, không thay đổi so với báo cáo tài chính tự lập trước đó. Giá vốn cũng ghi nhận giữ nguyên ở mức gần 267 tỷ đồng và lợi nhuận gộp giảm nhẹ 1% so với báo cáo tự lập, xuống mức gần 75 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau soát xét, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này tăng mạnh 83% so với trước soát xét, lên 53,5 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp hầu như không thay đổi so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh của HHC giảm 6% so với báo cáo tự lập trước đó, xuống còn gần 29 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau soát xét giảm 7% so với trước soát xét, nhưng tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.
Ở một diễn biến khác, mới đây, HHC cũng đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt vi phạm hành về thuế cho thời kỳ kiểm tra 2021 – 2022, với số tiền phạt hành chính, truy thu và chậm nộp thuế là hơn 1,3 tỷ đồng.
Lý do là doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ đối với hóa đơn mua hàng của các đơn vị có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; khấu trừ hóa đơn của các chi phí không hợp lý, hợp lệ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa điều chỉnh giảm giá vốn tương ứng doanh thu giảm do hàng bán bị trả lại; hạch toán các khoản chi phí mua hàng của đơn vị không hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế và hạch toán các khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ.
Trên thị trường, cổ phiếu HHC đang trải qua chuỗi ngày bất động kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay. Sau khi đạt mức giá 115.000 đồng/cp vào ngày 28/6 và chỉ có 01 phiên giảm giá duy nhất vào ngày 16/8 xuống mức 103.700 đồng/cp.
Theo số liệu của Hiệp hội Bánh kẹo Việt Nam, sản lượng sản xuất trong nước ước tính đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm và doanh thu mỗi năm xấp xỉ 40.000 tỷ đồng. Bên cạnh thị trường nội địa, ngành sản xuất bánh kẹo cũng có nhiều lợi thế trong việc xuất khẩu ra nước ngoài
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu bánh kẹo Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Các thị trường xuất khẩu chính của bánh kẹo Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Trung Đông… Bánh kẹo Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cũng theo Bộ Công thương, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp giảm 85-90% thuế nhập khẩu cho các sản phẩm bánh kẹo Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam mở rộng thị trường và tăng cường cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Aglobal, việc đưa bánh kẹo Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng đối diện không ít khó khăn và thách thức. Thứ nhất, về cạnh tranh quốc tế. Bánh kẹo là một ngành có tính cạnh tranh cao, có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn và nhỏ từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ phải chống lại đối thủ nội, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt còn cần đối mặt với sức ép từ những đối thủ nhập ngoại.
Vì thế, để giữ vững vị thế, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, tạo ra những đặc điểm độc đáo cho sản phẩm và xây dựng một thương hiệu đáng tin cậy.
Thứ hai, về quy định xuất khẩu. Theo Aglobal, mỗi thị trường xuất khẩu đều có những quy định riêng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dán nhãn, kiểm tra… Các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam phải tuân thủ các quy định này để được phép xuất khẩu vào các thị trường này.
Điều này đòi hỏi họ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, chứng từ, giấy tờ… cũng như phải liên tục cập nhật và theo dõi các biến động của các quy định này. Nếu không tuân thủ được các quy định này, các doanh nghiệp có nguy cơ bị từ chối xuất khẩu hoặc bị thu hồi hàng hóa, gây thiệt hại về tài chính và uy tín.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận