Bàn về đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ
“Đường sắt Cát Linh Hà Đông lỗ 160 tỷ, riêng năm 2021 lỗ 63.73 tỷ đồng” là chủ đề mà nhiều tờ báo Việt Nam đăng tải trong ngày hôm qua.
“Càng chạy càng lỗ”, “tốt nhất nên dừng khai thác” là ý kiến của nhiều fbers đăng hoặc comment trên facebook.
Câu hỏi đặt ra là hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng của các nước tiên tiến có lãi không? Nếu lỗ thì họ xử lý thế nào, có dừng khai thác không, nếu không dừng khai thác thì họ lấy tiền đâu để bù lỗ để hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố tiếp tục hoạt động?
Đây là số liệu của hệ thống giao thông công cộng của TP New York Mỹ (MTA): Năm 2014 MTA chỉ thu được 7 tỷ USD tiền bán vé (từ 6 triệu hành khách đi tàu điện ngầm và xe bus), trong khi đó tổng chi phí là 14.6 tỷ USD (theo New York Dailynews). Điều ấy có nghĩa là năm 2014 MTA lỗ 7.6 tỷ USD, trong 2 năm 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 số lỗ của MTA lên đến 34.5 tỷ USD và đến năm 2024 dự kiến số lỗ vẫn là 16.2 tỷ USD (theo NYT).
Tại sao lỗ liên tiếp như vậy mà MTA không dừng hoạt động, họ lấy tiền ở đâu để duy trì? Câu trả lời là chính phủ liên bang và chính phủ bang New York, chính quyền TP New York tài trợ.
Không chỉ có New York, các hệ thống GTCC ở các TP lớn khác của Mỹ cũng bị lỗ và đều nhận được tiền tài trợ từ chính phủ liên bang và chính phủ các bang. Riêng năm 2019 tiền tài trợ cho hệ thống GTCC của Mỹ là 79 tỷ USD (tiền tài trợ chiếm 2/3 chi phí của hệ thống GTCC Mỹ, tức tiền bán vé chỉ có 1/3 thôi), trong đó các bang và các thành phố tài trợ cỡ 60 tỷ USD, còn chính phủ liên bang tài trợ cỡ 19 tỷ USD.
Đấy là ở Mỹ, còn Anh UK thì sao? Năm tài khoá 2019-2020 hệ thống GTCC ở London cũng lỗ 4.3 tỷ bảng Anh (5.25 tỷ USD), trong đó chính phủ tài trợ 3.4 tỷ bảng và đi vay ngân hàng 0.9 tỷ bảng.
Vậy tại sao hệ thống GTCC (tàu điện ngầm, tàu đường sắt đô thị, xe bus) ở hầu hết các đô thị trên thế giới đều lỗ mà người ta vẫn duy trì, không dừng hoạt động, vẫn tiếp tục xây mới với những khoản đầu tư khổng lồ?
Câu trả lời là hệ thống GTCC (tàu điện ngầm, tàu đường sắt, xe bus) tuy không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, thậm chí thua lỗ, nhưng nó lại mang lại lợi ích kinh tế và xã hội gián tiếp, nó tối đa hoá lợi ích của toàn xã hội.
Với khả năng vận chuyển lượng hành khách cực lớn, hệ thống GTCC giúp giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, giảm ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho hành khách, tiết kiệm nhiên liệu…. Với hệ thống giao thông công cộng người lao động sẽ đến công sở nhanh hơn, nhờ đó năng xuất lao động toàn xã hội cao hơn, không những thế hệ thống GTCC sẽ giúp giảm đầu tư cho hệ thống giao thông đô thị (nếu không có GTCC thì để giảm ùn tắc giao thông chinh phủ sẽ phải đầu tư nhiều tiền để mở thêm nhiều đường phố, đường trên cao, hầm chui, cầu vượt trong nội đô, nếu tính toán kỹ thì số tiền đầu tư này còn lớn hơn đầu tư cho GTCC).
Là phương tiện giao thông công cộng, phục vụ tất cả các tầng lớp lao động, trong đó có sinh viên và lao động nghèo, thế nên giá vé phải rẻ, phù hợp với thu nhập nên hầu hết các chính phủ đều kiểm soát giá vé của các phương tiện GTCC.
Trên đây là câu trả lời cho các câu hỏi “GTCC lỗ mà vẫn cần đầu tư, vẫn duy trì hoạt động” và “tại sao lỗ mà vẫn có tiền để duy trì hệ thống GTCC”.
Hy vọng rằng các báo Việt Nam không có những bài viết kiểu bêu riếu đường sắt Cát Linh Hà Đông lỗ nữa, vì không những nó còn lỗ tiếp trong nhiều năm tới mà cả các tuyến Metro Bến Thành Suối Tiên, Nhổn Ga Hà Nội cũng sẽ lỗ như CL-HĐ khi đi vào hoạt động thôi (chỉ có thể hết lỗ khi số hành khách đi đông và đưa vào khai thác BDS cho thuê ở các nhà ga).
PS: Trong các hệ thống GTCC trên thế giới có hệ thống GTCC của Hongkong có lãi.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận