24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bàn tròn chứng khoán: Lòng tham sẽ được kích thích?

Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh tuần vừa qua, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận tình trạng "giảm sâu, tăng sốc" trong thời gian ngắn. Điều này đã phần nào kích thích lòng tham ở những nhà đầu cơ ngắn hạn. Liệu nhóm cổ phiếu nào sẽ được ưu tiên lựa chọn trong thời điểm này? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần mới.

Sau sự phiên đầu tuần không mấy thuận lợi, TTCK đã có 3 phiên hồi phục nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa vượt ngưỡng 700 điểm, cùng với đó là áp chốt lời gia tăng khi tâm lý nhà đầu tư vẫn muốn nắm giữ tiền mặt an toàn. Kịch bản tuần tới của thị trường sẽ theo chiều hướng như thế nào, theo cảm nhận của các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Hiện tại, mặc dù thị trường đã giao dịch ổn định hơn trong 2 phiên hôm nay nhưng mức cân bằng trong ngắn hạn này đang rất mong manh. Sang tuần, thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục giảm mạnh hoặc tăng mạnh với xác suất là ngang nhau, tùy thuộc vào việc khống chế đại dịch ở Việt Nam và tình hình thế giới.

Mặc dù vậy, tôi vẫn thiên về xu hướng giảm hơn do trong 2 ngày nghỉ đã xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù khối ngoại đã dừng đà bán ròng nhưng có thể trở lại bất kỳ lúc nào; nhất là đối với các quỹ chỉ số, trong khi thị trường Mỹ đã quay lại giảm mạnh phiên cuối tuần vừa qua.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường đã giảm gần 28% kể từ đầu năm và 32% kể từ đỉnh gần nhất, do vậy xu hướng chính hiện đang ở trong thị trường giá xuống (bear market). Tuần vừa qua, trong khi phần lớn các thị trường trên thế giới đồng loạt phục hồi thì thị trường trong nước vẫn giảm 1,93% và cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Tuy vậy, đà giảm của thị trường đã được thu hẹp từ mức giảm 14,55% xuống 6,83% và chỉ còn giảm 1,93% ở tuần vừa qua. Dù thị trường trong nước có 3 phiên tăng liên tiếp cùng xu hướng hồi phục với các thị trường trong khu vực nhưng giới đầu tư vẫn thận trọng.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư trên toàn cầu đang liên tục bán tất cả các tài sản để chuyển sang nắm giữ tiền mặt thì liệu nhịp phục hồi trong tuần vừa qua có phải là nhịp phục hồi trong quá trình xuống đáy, hay báo hiệu đà leo dốc trong thời gian tới là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi, các thị trường vẫn đầy biến động (theo cả 2 chiều) dưới tác động của đại dịch Covid-19 là trải nghiệm chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán.

Theo thống kê, sau 3 phiên tăng liên tiếp kể từ mức thấp nhất 652 điểm của chỉ số Vnindex, đã có gần 70% số cổ phiếu tăng điểm ở sàn HSX, chỉ có hơn 26% số mã giảm điểm và hơn 4% số mã không thay đổi.

Đáng lưu ý, trong số 70% số mã tăng điểm, tương ứng với 268 mã thì có tới 92 mã (khoảng 24% số mã toàn thị trường) có tỷ suất lợi nhuận đánh bại thị trường chung (VN-Index tăng 6,71% trong cùng thời gian).

Nhóm này chủ yếu là các mã vốn hóa lớn như: VIC, BVH, SAB, VRE, VCB… so với mức tăng 6,71% của chỉ số Vnindex, nhóm 10 mã có vốn hóa lớn và thanh khoản cao có mức tăng bình quân khoảng 16%. Do vậy, trong tuần sau nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc và chốt lời sớm.

Các nhịp rung lắc nếu kèm thanh khoản không cao có thể là tín hiệu tích cực, trong kịch bản tích cực thị trường tạo đáy sau cao hơn đáy trước với các phiên tăng/giảm đan xen. Khó có thể biết liệu thị trường đang hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới hay đây là nhịp hồi bền vững. Do vậy, nhà đầu tư nên dự phòng kịch bản xuất nhất khi thị trường không thể giữ vững mốc 650 điểm.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Theo góc nhìn của tôi, vào lúc này nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về tình hình kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hơn là việc kiểm đếm số lượng người nhiễm. Họ cũng đã nhận thấy những mối nguy hại từ dịch này và hiểu rằng tình hình quý II mới thực sự nghiêm trọng so với những con số quý I vừa được cộng bố. Cùng với đó, con số người nhiễm tại Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng cao chưa thấy đỉnh càng khiến những suy đoán như trên thêm phần ảm đạm và lo lắng hơn.

Bàn tròn chứng khoán: Lòng tham sẽ được kích thích?
Ông Nguyễn Hữu Bình

Về diễn biến trên TTCK có mấy điểm sẽ tác động đến giao dịch của nhà đầu tư tuần tới.

Thứ nhất TTCK Mỹ dương như đang là kim chỉ nam cho hành động của nhà đầu tư và nó đã có nhịp hồi phục mạnh. Vì thế khả năng điều chỉnh trong tuần tới là rất cao và điều đó tác động xấu đến nhà đầu tư nội. Tương tự, tại thị trường trong nước, VN-Index cũng đã có 3 phiên tăng liên tiếp đặc biệt là phiên ngày 25/3.

Thứ nữa là nhóm cổ phiếu lớn như VIC-VHM-VCB-BVH... đã tăng ngược trở lại khá mạnh nên có thể bị điều chỉnh và gia tăng thêm áp lực với thị trường. Do đó, nhìn chung tuần giao dịch tới sẽ có xu hướng xấu nhiều hơn, trong kịch bản xấu nhất VN-Index sẽ rơi về mốc 650 điểm.

Thực tế hiện nay, nhiều cổ phiếu đã giảm đến 40-50% chỉ trong thời gian ngắn nên để tạo ra cú giảm sâu nữa cũng cần có thêm những con số thực sự tiêu cực diễn ra.

Thị trường vẫn đang nỗ lực phục hồi ngắn hạn sau khi liên tục chịu sức ép bán quá mức. Mặc dù giá một số cổ phiếu đã ghi nhận phục hồi, nhưng trong phiên cuối tuần, thị trường đã bắt đầu xuất hiện trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” khi số mã giảm trên bảng điện tử chiếm hơn gấp đôi số mã tăng. Có lưu ý gì về hiện tượng này để tránh gặp phải rủi ro không, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Trong các phiên gần đây, tranh thủ việc khối ngoại dừng đà bán thì khối nội quay lại phản công, mặc dù vẫn khá yếu ớt. Một số mã vốn hóa lớn quay lại tăng trần với thanh khoản thấp, gây lên hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng".

Thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục giảm mạnh theo biến động của chứng khoán thế giới, trong khi ở Việt Nam vốn có rủi ro T+3 hàng chưa kịp về tài khoản để hành động trước các diễn biến khó lường.

Hiện tại, việc xác định một cổ phiếu thực sự có rẻ hay không rất phụ thuộc vào việc khi nào và biện pháp nào để khống chế được dịch, hành vi, thu nhập người tiêu dùng thay đổi như thế nào. Chính vì vậy, nếu không thực sự thấu hiểu doanh nghiệp thì tôi cho rằng cũng không nên giải ngân giai đoạn hiện tại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tuần vừa qua, trong khi chỉ số VN-Index giảm gần 2% thì các nhóm midcap và smallcap giảm bình quân khoảng 6,6%. Do vậy, mặc dù thị trường tăng nhưng lại xuất hiện trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, điều này là do mức tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Điều này không hiếm gặp trong vài năm trở lại đây khi nhóm vốn hóa lớn là tiên phong và là động lực chính để đưa thị trường đi lên. Do có sự luân phiên dẫn dắt thị trường nên nhà đầu tư không nên lướt sóng hoặc mua đuổi đối với nhóm cổ phiếu này.

Bàn tròn chứng khoán: Lòng tham sẽ được kích thích?
Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Như tôi nói ở trên, thị trường đang chịu áp lực tâm lý và có thể còn điều chỉnh nữa. Ở giai đoạn này khối lượng giao dịch vẫn duy trì mức cao thì chưa thể cho thấy vùng đáy. Nhiều nhà đầu tư ưa trading và mua bán mạnh trên thị trường phái sinh cũng là tác nhân tạo ra những áp lực với thị trường.

Tuy nhiên, thống kê của tôi cho thấy nhiều cổ phiếu tiếp tục tạo đáy dù đã hồi phục mạnh ở phiên 25/3 như MBB, HPG, FPT, SSI, HCM... Đã xuất hiện cả những cổ phiếu kiểu net-net sau nhịp giảm vừa qua sẽ là động lực để dòng tiền mới nhập cuộc. Hoặc những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, họ cho rằng đây là cơ hội thì có thể áp lực bán sẽ dần chấm dứt. Do đó những nhà đầu tư mua vào cần hết sức cẩn trọng với đòn bẩy tài chính bởi lúc này không phải là lúc sử dụng nó và chính nó sẽ gây ra áp lực cho bản thân.

Tuần qua, một số cổ phiếu đã ghi nhận tình trạng “giảm sâu, tăng sốc” trong thời gian ngắn. Điều này đã phần nào kích thích lòng tham ở những nhà đầu đầu cơ ngắn hạn. Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu nào đáng lưu tâm?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Trong ngắn hạn, quan điểm của tôi vẫn là tạm đứng ngoài khi các biến động thị trường còn chưa lường trước được và biên độ dao động các phiên tới sẽ rất lớn. Mặc dù vậy nếu nhìn xa hơn thì nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm cổ phiếu.

Đó là: (1) nhóm cổ phiếu có P/B đã giảm về vùng thấp trong lịch sử, ưu tiên các cổ phiếu lớn, lịch sử hoạt động lâu dài đã trải qua các giai đoạn biến động mạnh của thị trường như đợt khủng hoảng 2007 - 2008;

(2) nhóm cổ phiếu thuộc phân khúc hàng tiêu dùng không thiết yếu, mặc dù hiện tại không phù hợp để giải ngân nhưng tôi cho rằng nhu cầu về mặt hàng này sẽ quay lại phục hồi khi chúng ta khống chế được dịch;

(3) nhóm vật tư nông nghiệp: cần chuẩn bị sẵn phương án dịch kéo dài, các quốc gia tiến hành tự cung tự cấp, khi đó Việt Nam có lẽ sẽ phải đẩy mạnh ngành mũi nhọn của mình là nông nghiệp trong bối cảnh ngành khác là du lịch đã bị ảnh hưởng nặng.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Có thể thấy sau nhịp giảm sâu, thị trường đã được hãm đà rơi và có thể đi vào vùng phân hóa, các cổ phiếu vốn hóa lớn vốn là các cổ phiếu đầu ngành và có mức chiết khấu đủ lớn sẽ là địa chỉ hấp dẫn dòng tiền.

Bên cạnh đó, sau chuỗi bán ròng mạnh tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips của khối ngoại vừa qua, lực bán ròng có dấu hiệu giảm và chuyển sang mua ròng trong phiên cuối tuần cũng có thể là tín hiệu tích cực đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như nhóm bluechips.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Ở thời điểm như hiện tại thật sự khó đánh giá bởi thông tin sẽ luôn bất ngờ và thường đi theo hướng tiêu cực. nhà đầu tư phản ứng vơi stin tích cực thì ít và chậm nhưng với tin xấu sẽ rất nhanh.

Với cái nhìn của họ lúc này tương đôi bi quan nên sẽ không mấy nhóm cổ phiếu nào tạo ra dấu ấn cả. Với cá nhân tôi, có thể thị trường còn suy giảm thêm 5-10% tức là VN-Index rơi về test đáy 650 điểm hoặc thấp nữa là 600 điểm nhưng nhiều cổ phiếu khó rơi thêm 10% do giá trị của doanh nghiệp thì đây là nhóm mà tôi lưu tâm hơn cả.

Còn trong ngắn hạn nhà đầu tư quan tâm có lẽ là những doanh nghiệp được mua cổ phiếu quỹ hoặc lãnh đạo mua vào với số lượng lớn.

Nếu được đề xuất các biện pháp hỗ trợ và giúp thị trường không bị lao dốc sâu, cần những biện pháp nào, cả về mặt kỹ thuật lẫn chính sách, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Bàn tròn chứng khoán: Lòng tham sẽ được kích thích?
Ông Nguyễn Anh Khoa

Về chính sách, tôi cho rằng các biện pháp giảm giá và miễn giá dịch vụ của Bộ Tài chính là rất thiết thực giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, việc giao dịch cổ phiếu quỹ và của ban lãnh đạo đang được thực hiện và phê duyệt thần tốc là bước tiến rất lớn để ngăn đà lao dốc của thị trường.

Phương pháp kỹ thuật hỗ trợ thị trường không bị lao dốc sâu hiện có 2 phương pháp chính là giới hạn biên độ dao động (Việt Nam đang sử dụng) hoặc công cụ ngắt mạch tự động khi giá chứng khoán xuống dưới ngưỡng quy định (thị trường Mỹ là ví dụ).

Quan điểm của tôi là nên tôn trọng quan hệ cung - cầu của thị trường; hạn chế tối đa tác động thông qua các biện pháp kỹ thuật. Việc hỗ trợ thị trường nên tập trung vào các biện pháp liên quan tới thủ tục hành chính hoặc các chi phí nhà đầu tư phải bỏ ra.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường lao dốc trong thời gian vừa qua là do tác động của đại dịch Covid-19 chứ không phải do các nguyên nhân truyền thống như cuộc khủng hoảng gần nhất năm 2008. Thị trường sẽ bình ổn trở lại hoặc nền kinh tế sẽ tạo đáy nếu như đại dịch Covid-19 được khống chế hoặc Covid-19 đã tạo đỉnh.

Do vậy, dưới góc độ cơ quản quản lý thị trường, có lẽ không cần thực hiện các biện pháp tác động nào tới thị trường, thay vào đó là để thị trường tự điều tiết và tìm đến điểm cân bằng. Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo thanh khoản, miễn giảm các loại thuế, phí trong giao dịch và thu hút dòng vốn cho thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

TTCK Việt Nam đã có 2 phiên giảm khá mạnh nhưng chúng ta không có cơ chế gọi là “ngắt cầu dao” như bên nước ngoài nhằm ổn định tâm lý. Có lẽ giới lãnh đạo và quản lý cũng đã tính đến những phương án nhưng tôi cho rằng họ không có nguồn lực cũng như khả năng vào lúc này.

Với tình hình như hiện nay, có lẽ điều tôi và nhiều nhà đầu tư quan tâm là cơ quan quản lý thúc đẩy nhanh việc thực hiện luật chứng khoán mới.

Chính phủ hiện tại đã rất quyết tâm chống dịch và hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế nên tôi tin rằng khi dịch được khống chế thì tâm lý nhà đầu tư sẽ thoải mái hơn. Chỉ có như vậy mới là biện pháp quan trọng hơn cả, đồng thời chúng ta cũng chuẩn bị kỹ càng cho việc thực thi Luật chứng khoán mới ngay vào năm 2021 mà không có sự trì hoãn nào.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả