Bản tin sáng 30/01/2024 với các nội dung chính được cập nhật
Thị trường quốc tế
TTCK Mỹ đang trong tuần giao dịch với nhiều thông tin quan trọng. FED họp chính sách trong 2 ngày 30/1 – 31/1 và mùa báo cáo thu nhập Q4.2023 tiếp nối với nhiều doanh nghiệp chủ chốt, bao gồm Microsoft, Apple, Meta, Amazon, Google.
Chỉ số S&P 500 thiết lập kỷ lục cao mới với mức tăng +0,76%, động lực chính đến từ nhóm công nghệ khi chỉ số Nasdaq +1,12%, còn DJIA +0,59%.
S&P 500 đóng cửa cao nhất phiên, ở ngưỡng 4.927,9 điểm. Chỉ báo kỹ thuật ở tín hiệu tích cực, thể hiện sức mạnh xu hướng ở S&P 500 duy trì và đà tăng này có thể hướng đến vùng điểm 5.000.
Giá dầu giảm lại
Giá dầu điều chỉnh sau 3 phiên đi lên liên tiếp trước áp lực chốt lời cũng như lo ngại triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc quay lại sau thông tin tập đoàn BĐS Evergrande bị Tòa án yêu cầu thanh lý tài sản do không thể đạt được thỏa thuận tái cơ cấu với các chủ nợ.
Dầu Brent giảm -1,4%, kết phiên tại 81,94$/thùng. Tín hiệu kỹ thuật vẫn trong trạng thái tích cực cho thấy đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn và dầu Brent vẫn có xu hướng quay lại vùng 83 - 84.
Cập nhật tỷ giá – Đồng VND tiếp tục giảm giá so với USD
Dữ liệu tăng trưởng GDP của Mỹ mới công bố tuần trước ghi nhận mức tăng 3,3% so với quý trước (đã chuẩn hóa về năm), cao hơn nhiều so với dự báo với đóng góp lớn từ chi tiêu cá nhân. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE cơ bản tăng 2,9% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 03/2021 và đang tiến gần đến mục tiêu dài hạn của Fed. Trong tuần này, thị trường chờ đợi cuộc họp đầu năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Thị trường vẫn đang đồng thuận là Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này, tuy nhiên tâm điểm sẽ hướng nhiều hơn về bài phát biểu của chủ tịch Fed vào cuối phiên họp. Trong tuần trước, NHTW Châu Âu ECB không thay đổi lãi suất điều hành trong cuộc họp đầu năm. Tương tự, NHTW Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ở trạng thái âm. Ngược lại, NHTW Trung Quốc PBoC đã bất ngờ thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vào đầu tháng 2 để tăng cung tiền và hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng USD, đo lường thông qua chỉ số DXY không có nhiều thay đổi so với cuối tuần trước đó và các đồng tiền chủ chốt có biến động trái chiều. EUR (-0,41%) và CAD (-0,18%) giảm giá so với USD trong khi các đồng tiền còn lại đi ngang hoặc tăng giá nhẹ như JPY (-0,02%), KRW (0,19%), CNY (0,22%) hay TWD (0.34%). Các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á hầu như đều giảm giá so với USD như IDR (-1,3%), THB (-0,28%), MYR (-0,24%).
Trên thị trường trong nước, tỷ giá USDVND tăng 0,22% - tương đồng diễn biến các đồng tiền trong khu vực ASEAN. Tỷ giá liên ngân hàng kết tuần ở vùng VND 24,605 và đưa mức tăng giá từ đầu năm đến nay lên 1,4%. Tỷ giá niêm yết của VCB đóng cửa quanh mức VND 24,410 – VND 24,780 – tăng 70 đồng so với tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do sau 2 tuần ổn định đã bứt phá trong tuần trước và vượt mức VND 25,000/USD.
Tương tự với nhận định trước đó của chúng tôi, khác với xu hướng tích cực thường thấy vào đầu năm, áp lực đối với tỷ giá hiện nay đang cao dần, phần lớn đến từ chênh lệch lãi suất VND-USD âm kéo dài khiến áp lực rút vốn tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất hồi phục dần nhằm phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và cán cân thương mại khó duy trì mức cao như giai đoạn 2023. Yếu tố khác ảnh hưởng tới tỷ giá thị trường tự do là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế chưa có sự cải thiện rõ rệt. Tâm điểm sẽ tập trung báo cáo tổng kết Nghị định 24 của NHNN, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng.
TTCK Việt Nam
Nhận định
VNIndex kết phiên sát tham chiếu, tại 1.175,69 điểm. KLGD tăng nhẹ với 552,8 triệu đơn vị.
Sau khi tiếp cận vùng 1.180, VNIndex đã lùi lại. Các tín hiệu kỹ thuật RSI và ADX vẫn ở vùng tín hiệu tích cực.
Thanh khoản tăng nhẹ và lực cầu có phần ưu thế cho thấy chỉ số VNIndex sẽ duy trì trạng thái đi ngang ngắn hạn trong biên độ dự kiến 1.173 - 1.178.
Khuyến nghị
Thị trường tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Khi thị trường chung đi ngang với biên hẹp nên tập trung tìm cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ.
Chứng khoán, BĐS Khu công nghiệp, Thép, Cảng biển & Logistics, Ngân hàng và CNTT là các nhóm được đánh giá có triển vọng trong mùa KQKD Q4.2023 nhờ kỳ vọng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng cũng phản ứng tích cực với thông tin tốt trong giai đoạn hiện tại (Bán lẻ, Dầu khí, Hóa chất).
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận