Bản tin MXV 28/03: Giá dầu và nông sản tăng vọt
Kết thúc tuần giao dịch 21 – 27/03, sắc xanh vượt trội trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, giúp cho chỉ số MXV-Index bật tăng mạnh 5,26% lên mức 3.043,04 điểm sau tuần điều chỉnh trước đó. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức tăng đến hơn 10% của nhóm năng lượng.
Tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường giúp cho giá trị giao dịch trung bình toàn Sở trong tuần vừa rồi tăng hơn 40% lên mức 5.500 tỉ đồng mỗi phiên, riêng nhóm năng lượng chiếm đến gần một nửa con số này.
Giá dầu thô tiến tới mốc 120 USD/thùng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung
Giá dầu tăng trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp, trước các nguy cơ về gián đoạn nguồn cung do căng thẳng giữa Nga – Ukraine và Saudi Arabia – phiến quân Houthi. Kết thúc tuần vừa rồi, giá dầu thô WTI tăng 10,49% lên 113,9 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 11,71% lên 117,37 USD/thùng.
Các căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực châu Âu bất chấp các nỗ lực ngoại giao của các bên. Vì vậy, các lệnh cấm vận dành cho phía Nga vẫn chưa có khả năng được dỡ bỏ, gây ảnh hưởng đến sản lượng dầu xuất khẩu của nước này.
Hiện tại, mặc dù Nga đang thúc đẩy chuyển sang bán cho các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, và thử nghiệm với việc nhận thanh toán bằng các tiền tệ khác Dolar Mỹ như đồng Nhân dân tệ và đồng Rupee, tuy nhiên các số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu sang khu vực này không tăng nhanh.
Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ là Indian Oil Corporation mới đăng ký mua thêm 3 triệu thùng dầu Urals, sản phẩm dầu chủ lực của Nga. Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng không có nhiều động thái mới. Vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á mất 40 ngày, khiến cho chi phí vận chuyển và vấn đề logistics tương đối phức tạp. Điều này khiến cho tổng nguồn cung dầu của thế giới có thể sụt giảm mạnh từ tháng 4.
Không chỉ gặp vấn đề với các tàu chở dầu, sản lượng dầu xuất khẩu thông qua đường ống dẫn CPC, với công suất khoảng 1,1 triệu thùng/ngày cũng gặp khó khăn, do sự cố tại các cầu cảng bị hư hỏng.
Lo ngại về nguồn cung thắt chặt tiếp tục gia tăng do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các cơ sở năng lượng của Saudi Arabia, gây ra hỏa hoạn tại một số nhà máy lọc dầu. Phía Saudi Arabia đã cảnh báo các xung đột này sẽ đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu.
Các khó khăn này đang khiến cho các quốc gia tiêu thụ dầu lớn phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. Tuy vậy, ngay tại Mỹ, quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, mặc dù giá dầu lên cao đã thúc đẩy số lượng giàn khoan dầu tăng trong 19 tháng liên tiếp, nhưng mức tăng gần đây rất nhỏ do nhiều công ty tập trung vào vấn đề cải thiện dòng tiền cho các nhà đầu tư hơn là thúc đẩy sản lượng. Tuần vừa rồi, theo dữ liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu tại Mỹ chỉ tăng 7 chiếc lên 531.
Trong khi đó, Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số, đồng thời là trung tâm tài chính lớn, đã thông báo sẽ tiến hành phong tỏa trong ít nhất 9 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Điều này gây lo ngại không chỉ về việc nhu cầu đi lại tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sẽ giảm, mà còn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của nước này, khi chính sách “Zero-Covid” kéo dài quá lâu.
Dự báo sản lượng hạt lấy dầu giảm, nhóm nông sản tăng giá mạnh
Đối với nhóm nông sản, cả ba mặt hàng đậu tương đều trải qua mức tăng khá mạnh, với sự dẫn dắt của dầu đậu tương. Lo ngại về nguồn cung dầu thực vật toàn cầu thắt chặt cùng với những triển vọng mùa vụ ở Nam Mỹ là những yếu tố chính tác động đến giá.
Theo công ty tư vấn nông nghiệp Apk-Inform, sản lượng hạt hướng dương năm 2022 của Ukraine có thể sẽ giảm 42% so với năm trước xuống còn 9,6 triệu tấn. Mức giảm này là do nhiều khu vực gieo trồng nằm trong vùng chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Ngoài ra, sản lượng hạt cải dầu có thể giảm 19% xuống còn 2,52 triệu tấn trong khi sản lượng đậu tương có thể giảm 23% xuống 2,74 triệu tấn. Nguồn cung dầu thực vật thắt chặt, hoạt động xuất khẩu ở Ukraine cũng bị gián đoạn đã khiến cho giá dầu đậu tăng mạnh và kéo theo đà tăng của đậu tương.
Lúa mì cũng đã ghi nhận mức tăng hơn 3,6% khi lo ngại nguồn cung tại biển Đen có thể bị gián đoạn trong dài hạn. Sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang là yếu tố hỗ trợ giá hồi phục.
Sau 2 tuần liên tiếp suy yếu, ngô đã tăng trở lại 1,6% trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những dự báo kém lạc quan về vụ mùa sắp tới tại Ukraine là yếu tố đã hỗ trợ giá trong tuần vừa rồi.
Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, diện tích gieo trồng cây vụ xuân của Ukraine có thể giảm hơn một nửa trong năm nay, tương đương với mức giảm khoảng 7 triệu héc-ta so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích gieo trồng ngô trong năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt mức 3,3 triệu héc-ta, giảm so mức với 5,4 triệu héc-ta trong năm ngoái.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Cordonnier, bất chấp một khởi đầu khá thuận lợi, nông dân tại Brazil đang lo ngại về lượng mưa trong thời gian tới có thể sẽ không đủ để ngô vụ 2 đạt được năng suất cao nhất. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Brazil (Inmet) hiện đang dự báo lượng mưa có thể ở dưới mức bình thường từ tháng 4 đến tháng 6 tại các vùng gieo trồng ngô vụ 2. Điều này có thể khiến năng suất vụ ngô lớn nhất của Brazil chịu ảnh hưởng và khiến sản lượng không được như kỳ vọng.
Dưới đây là lịch các báo cáo quan trọng cần chú ý trong tuần này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận