menu
Bán hết tài sản
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bán hết tài sản

Tôi vừa tham dự phiên họp Ban đầu tư một tập đoàn lớn chuyên về bất động sản của Singapore. 12 năm trước, họ đầu tư vào một khu đất phía Tây Hà Nội và dự án đến nay vẫn tăng trưởng tốt. - VnExpress

Lần này, Ban đầu tư họp bàn kế hoạch mua lại một số dự án bất động sản của hai doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Tôi cũng quan sát thấy những thương vụ mua bán, đầu tư tương tự, như thực tế được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn đã "phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài", do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và khả năng hấp thu vốn hạn chế.

Đây là đánh giá thẳng thắn và có trách nhiệm của cơ quan quản lý về hoàn cảnh kiệt quệ của doanh nghiệp trong nước và thực trạng khó khăn của nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch và suy thoái toàn cầu. Nó cũng gây ra lo ngại về việc khối ngoại lợi dụng thời điểm này để "thâu tóm" doanh nghiệp nội.

Tuy nhiên, cả hai vấn đề, một là tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán tài sản, hai là việc các doanh nghiệp nước ngoài mua lại hết hay một phần các doanh nghiệp nội địa, cần được xem xét đa chiều, thay vì chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực.

Trước hết, chính doanh nghiệp chứ không ai khác, phải tự chịu trách nhiệm với các quyết định và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vai trò của nhà nước là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi chứ không phải chịu trách nhiệm cho quyết định đóng hay mở cửa doanh nghiệp.

Chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị dòng tiền, bán bớt tài sản để phù hợp với năng lực quản lý là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường. Khi kinh tế khủng hoảng, suy thoái, việc doanh nghiệp thu gọn quy mô để tập trung vào thế mạnh của mình có thể lại là một quyết định sáng suốt, thực dụng.

Trong một cuộc họp tháng 11/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng từng khuyến nghị: "... trong bối cảnh khó khăn thanh khoản, lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến phương án bán các tài sản, không được để nhà đầu tư mất niềm tin".

Một thực tế khác cần phải nhìn thẳng là nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có khả năng quản trị yếu, nhưng đầu tư dàn trải. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng bày tỏ lo ngại khi biết có doanh nghiệp thực hiện cùng lúc trên 50 dự án trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như "đóng băng".

Khoan nói về giá trị tài sản bán được là bao nhiêu, một nửa hay một phần "giá trị thực", thanh lý được tài sản lúc này có thể đã là điều may mắn.

Vì thế, không nên quá quan ngại chuyện doanh nghiệp phải bán đi tài sản nhằm giải quyết hậu quả do những quyết định đầu tư hay sản xuất kinh doanh của chính họ. Đây là sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường, và sẽ là kinh nghiệm bổ ích cho các doanh nghiệp khác.

Vấn đề còn lại - doanh nghiệp nội bị mua bởi khối ngoại - có thể được nhìn nhận khác đi, trong mối quan hệ sòng phẳng hơn giữa nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Một mặt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 73% tổng vốn đầu tư), bất động sản (14%), kho bãi, vận chuyển, bán buôn bán lẻ chiếm số còn lại. Con số này tuy chưa đạt mức trước dịch nhưng đã góp phần tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Mặt khác, Luật Đầu tư ban hành năm 2020 là một bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Luật quy định rõ các loại hình đầu tư có điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn giới hạn trong số ít lĩnh vực đặc thù. Những rủi ro về việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, lũng đoạn doanh nghiệp trong nước được quản lý bằng các quy định pháp lý, khó xảy ra tình trạng lũng đoạn nền kinh tế.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp nước ngoài mua lại, tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp nội cũng là cơ hội để chuyển giao công nghệ hiện đại, trình độ quản trị doanh nghiệp, tạo tính minh bạch và cạnh tranh cao hơn, từ đó có những dịch vụ và sản phẩm chất lượng hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Doanh nghiệp dù nội hay ngoại, đều tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp vào việc phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.

"Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu" là câu nói của người xưa, nhưng cũng từng được nhiều chuyên gia đúc rút thành kinh nghiệm hành động cho doanh nghiệp qua các đợt suy thoái trong lịch sử. Không ai hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp bằng chính họ, vì vậy tự xoay xở vượt qua khó khăn là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để phát triển bền vững.

Việc của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, tạo môi trường cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lẫn doanh nghiệp nội địa hoạt động bền vững, cạnh tranh bình đẳng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả