24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Thị Kim Dung Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bài toán Gọi vốn #6: Vì sao vốn huy động từ VC (đầu tư mạo hiểm) phải cần sử dụng cho thật ĐÁNG?

Xin chào các bạn! Gần đây, trong một buổi họp với một nhà sáng lập startup đang đi gọi vốn, tôi được chia sẻ rằng startup muốn dùng hơn 60% số tiền gọi được làm vốn lưu động.

Là người đồng hành luôn đau đáu về thách thức gọi vốn của startup, lời chia sẻ đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Thực sự, tôi nhận ra một điều quan trọng rằng: Đã không gọi vốn VC thì thôi, nhưng nếu gọi thì phải sử dụng vốn đó thật ĐÁNG. Bởi vì, gọi vốn VC thật ra vô cùng đắt đỏ với nhiều đánh đổi. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về điều này, trong bài Daily blog ngày hôm nay nhé!

Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết gần 2 năm về trước của mình về những cái giá startup phải trả khi gọi vốn. Đầu tiên là sự đánh đổi thời gian và sự tập trung. Các nhà sáng lập sẽ phải đánh đổi một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, để hầu như dành cho gọi vốn, mà đáng ra nên tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình. Thực sự, gọi vốn "ngốn" rất nhiều thời gian của nhà sáng lập, thách thức họ phải chu toàn cả hai việc hoặc hơn cùng một lúc, đó là: làm hài lòng khách hàng của mình bằng việc tập trung vào hoạt động kinh doanh của công ty, và làm hài lòng nhà đầu tư bằng việc giải đáp hết những thắc mắc từ buổi họp này qua những buổi họp khác.

Tiếp theo, là sự đánh đổi cho cổ phần và sự kiểm soát. Khi có thêm nhà đầu tư, theo nghĩa tích cực là startup có thêm người đồng hành ủng hộ, theo nghĩa hạn chế, thì phòng họp hội đồng quản trị trở nên chật trội hơn, nghĩa là quyền ra các quyết định quan trọng, kiểm soát công ty sẽ được chia nhỏ ra hơn, với nhiều phần được chia thêm cho các nhà đầu tư. Bình thường, sau mỗi vòng gọi vốn, startup có thể phải đánh đổi khoảng 10% ~ 30% cổ phần của họ, cho những nhà đầu tư mới.

Hơn nữa, là cái giá phải gánh những áp lực lớn về tăng trưởng. Nhà sáng lập thuyết phục nhà đầu tư đồng ý rót vốn, bằng lời hứa sẽ hiện thực hoá những mục tiêu và kế hoạch tăng trưởng của startup, sau khi nhận vốn đầu tư. Do đó, họ sẽ có những áp lực đè nặng là phải giữ lời hứa với quyết tâm đó, để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Không dừng lại ở đó, còn có cái giá phải chịu những áp lực về valuation (định giá) ở vòng tiếp theo và áp lực Exit (thoái vốn) cho các cổ đông. Đừng vội mừng với vòng gọi vốn vừa qua, khi startup gọi được nhiều tiền, với định giá cao, vì khó khăn sẽ ở phía trước, khi startup tiến tới vòng gọi vốn tiếp theo sẽ có áp lực định giá phải cao hơn định giá ở vòng trước. Vì trong bất cứ hợp đồng đầu tư nào cũng có điều khoản Anti-Dilution (chống pha loãng), để bảo vệ nhà đầu tư ở các vòng trước đó, trong trường hợp giá trị của công ty bị giảm ở vòng gọi vốn, hay còn gọi là vòng "down round". Khi đó, nhà đầu tư đó có quyền được được nhận thêm cổ phần để bù đắp lại việc giá trị cổ phần nắm giữ bị giảm.

Trong trường hợp startup phát triển không như kì vọng, thì điều khoản Redemption rights (nếu có) trong hợp đồng đầu tư có thể giúp các nhà đầu tư Exit, bằng việc thu hồi lại khoản tiền đã đầu tư, sau một khoảng thời gian nhất định nếu nhà đầu tư yêu cầu thì startup có nghĩa vụ phải mua lại một phần hoặc tất cả số cổ phần của nhà đầu tư nắm giữ.

Đọc tới đây, chắc hẳn các nhà sáng lập cũng có thể nhận ra được toàn bộ bức tranh về “cái giá đắt đỏ” nhà sáng lập và startup phải đánh đổi để gọi vốn từ VC. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn trên thị trường hiện nay, việc gọi vốn từ VC vốn đã “đắt đỏ” lại càng trở nên “đắt đỏ” hơn.

Dựa trên sự nhận thức đầy đủ về “sự đắt đỏ” đó, nếu startup không sử dụng hiệu quả số vốn huy động được từ VC, thì quả thực rất lãng phí. Do đó, tôi có suy nghĩ thẳng thắn thế này: Đã không gọi vốn VC thì thôi, nhưng nếu gọi thì phải sử dụng vốn đó thật (xứng) ĐÁNG.

Nguyên tắc sử dụng vốn ở đây đơn giản, chỉ có một: Vốn huy động được từ VC cần được dùng vào các hoạt động trực tiếp tạo ra tăng trưởng bền vững có tính Reproducibility - tái lập và mở rộng cho startup. Vốn lưu động quan trọng cho sự vận hành mỗi ngày của startup, nhưng tôi tin rằng chỉ đó là không ĐÁNG để dùng hơn 60% vốn huy động từ VC. Vì để trực tiếp tạo ra sự tăng trưởng có tính tái lập và mở rộng ý nghĩa cho startup, các nhà sáng lập sẽ cần tỉnh táo và chiến lược đầu tư vào tuyển dụng những “nhân thực sự tài” có thể hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng với nhà sáng lập; đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ tiến tới đạt được PMF (sản phẩm phù hợp với thị trường), hoàn thiện mô hình kinh doanh và quy trình có thể nhân rộng, mở rộng sang thị trường/phân khúc tiềm năng mới,…

Nhân tiện đây, Cofounder & CFO của M Village - anh Nguyễn Quốc Phương từng chia sẻ trong bài viết trước đây của tôi, về tư duy startup nên phân bổ dòng tiền từ vốn huy động của mình. Cụ thể, có hai kênh huy động dòng tiền chảy vào doanh nghiệp (1) Vốn góp và (2) Nợ vay. Với dòng tiền từ Vốn góp, đến từ việc huy động vốn từ các nhà đầu tư, sẽ cần được chi tiêu cho các hoạt động mang tính chiến lược, tạo ra kết quả kinh doanh tích cực, tạo đà tăng trưởng cho startup hướng tới mục tiêu đề ra. Trong khi đó dòng tiền từ Nợ vay là chi cho các hoạt động cố định trong kinh doanh, như mua hàng (theo hợp đồng đã có), lương nhân viên, tiền thuê văn phòng,...Startup cần linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo tìm ra kênh tiếp cận Nợ vay đó với chi phí rẻ nhất có thể. Nếu không, việc nhầm lẫn sử dụng 2 nguồn tiền này có thế sẽ đưa startup vào khủng hoảng dòng tiền, mất tính thanh khoản dẫn tới phá sản. Tưởng tượng bạn gọi vốn để chỉ để có vốn lưu động, để kéo dài runway bằng cách trả lương, tiền thuê văn phòng,… đây được coi là những hoạt động không trực tiếp tạo ra dòng doanh thu mới cho công ty, trong khi đáng lẽ số tiền đó nên được đầu tư một cách chiến lược cho việc phát triển mở rộng hoàn thiện sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, tập khách hàng....Các nhà sáng lập cần tỉnh táo nhận ra vấn đề này, trước khi quá muộn.

Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về tư duy sử dụng vốn đầu tư của VC một cách chiến lược, thông minh, hiệu quả, xứng ĐÁNG với “cái giá đắt đỏ” mà các nhà sáng lập và startup phải đánh đổi khi gọi vốn từ VC. Giống như hai mặt của một đồng tiền xu, việc gọi được vốn từ VC, không phải chỉ có màu hồng, không bảo chứng cho thành công, không hề dễ dãi một chút nào, do đó, hi vọng các nhà sáng lập sẽ luôn tỉnh táo, sáng suốt, chiến lược sử dụng dòng một này một cách “đáng đồng tiền bát gạo, cho bõ công” nhé! Yeah, keep fighting vì điều này nhé, các nhà sáng lập ơi!!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Hoàng Thị Kim Dung Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả