Bài học chứng khoán: Tôi đã từng ALL IN vào HSG như thế nào??
All in là gì trong chứng khoán?
Tôi là một người theo trường phái cơ bản, chỉ mua cổ phiếu cơ bản và nói không với các cổ phiếu “game” tăng vốn hay game gì đi nữa. Nhưng các bạn đừng nghĩ, cứ mua cổ phiếu được đánh giá là “cơ bản” thì sẽ không bị mất tiền. Yếu tố quan trọng hơn cả là “đúng cổ phiếu và đúng thời điểm”.
Việc nhận diện rủi ro sẽ thật đơn giản khi giá cổ phiếu đã bước vào sườn bên kia của đỉnh “núi”, khi mà sự thật đã được lộ rõ trước mắt các nhà đầu tư. Nhưng có bao giờ các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi “tại thời điểm đó, tôi phải làm gì để nhận diện được các rủi ro? ” và thời điểm đó nhà đầu tư nên hành động như thế nào?.
Có một câu mà tôi rất tâm đắc của Peter Lynch “Know what you own, and know why you own it”. Hãy hiểu rõ bạn đang sở hữu thứ gì, và tại sao bạn giữ nó; vì trong chớp mắt thị trường có thể cướp đi mọi thứ của bạn.
Ở thời điểm tháng 6 năm 2017, tôi được một người đồng nghiệp giới thiệu cơ hội đầu tư về cổ phiếu HSG. HSG khi đó tụ hợp của rất nhiều yếu tố tăng trưởng:
1. Doanh thu, lợi nhuận tăng liên tục, hưởng lợi từ chính sách của nhà nước, bảo hộ ngành tôn mạ trong nước.
2. Mảng sản phẩm mới đầy tiềm năng: ống nhựa, biên lợi nhuận gộp tận 20%, không sợ hàng nhập khẩu vì chi phí vận chuyển cao.
3. Các CTCK liên tục ra các Báo cáo update khuyến nghị với giá mục tiêu tăng +20%, tăng +30%.
Sau khoảng 1 tháng tôi nghiên cứu về doanh nghiệp, mọi thứ đều đi đúng kịch bản và càng chắc chắn hơn khi nhận được thông tin giá bán của HSG mới công bố, tăng thêm 3%, vậy là quá hoàn hảo rồi. Và tất nhiên, với sự tự tin chưa từng có, tôi ALL IN vào cổ phiếu HSG.
Sau khi mua được 8 ngày, cổ phiếu tăng theo đúng kịch bản của tôi, tôi tiếp tục nắm giữ và cái ngày “định mệnh” ngày 29/07/2017, HSG ra báo cáo lợi nhuận sụt giảm -50% so với cùng kỳ. Thực sự “tôi sốc” vì kết quả thậm tệ hơn rất nhiều so với dự phòng của tôi.
Tôi bình tĩnh, đọc báo cáo tài chính và thấy rằng có một số yếu tố bất thường của báo cáo lần này bao gồm:
1. Biên Lợi nhuận gộp sụt giảm nhanh từ 23% về 16% , trong khi sản lượng và doanh thu lại tăng mạnh. Đáng lẽ ra khi sản lượng tăng, giá bán tăng thì HSG phải hưởng lợi quy mô, biên lợi nhuận phải tăng chứ?
2. HSG dành đến 10% doanh thu để chi trả các chi phí liên quan tới bán hàng và quản lý doanh nghiệp, trong khi HPG là 2% doanh thu và NKG là 3% doanh thu, rất bất thường.
3. Nợ vay ngân hàng chạm ngưỡng báo động. Nợ vay gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, cùng kỳ là 1.4 lần; đặc biệt là khoản nợ ngắn hạn tăng mạnh. Vậy HSG vay nhiều thế để làm gì?
Thật khó hiểu? Tôi lân la gọi điện cho hầu hết các cửa hàng vật liệu xây dựng ở Hà Nội để dò la thông tin, đọc thêm các doanh nghiệp trong cùng ngành ở nước ngoài. Và tôi cũng tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Thứ nhất: Quý này, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 16% trong khi cùng kỳ đang là 23%. Tôi mở lại lịch sử trong những năm trước 2017, hóa ra, chỉ là mình kỳ vọng quá cao chứ không có gì ngạc nhiên vì năm 2016 HSG rõ ràng đầu cơ nguyên vật liệu và lợi nhuận năm đó có chút bất thường và dĩ nhiên việc điều chỉnh về mức biên lợi nhuận gộp 16% cũng là điều tất yếu.
Thứ hai: Hai chi phí này bắt đầu tăng mạnh từ Q1/2016, sâu xa hơn đến từ việc HSG có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh chuyển từ mô hình B2B sang mô hình B2C. Nói cách khác, HSG tích cực mở rộng nhanh các chi nhánh trực thuộc công ty thay vì “bán buôn” và “nhượng quyền qua các đại lý”. Số lượng cửa hàng trực thuộc tăng từ 190 cửa hàng (năm 2015) lên 371 cửa hàng (năm 2017). Việc thay đổi đó khiến cho chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng thêm sức ép, và dĩ nhiên các chi phí này sẽ trở thành “chi phí cố định”, thật khó để cắt giảm trong điều kiện sức tiêu dùng yếu.
Thứ ba: Nợ vay tăng cao, hàng tồn kho tăng cao. Chứng tỏ có khả năng HSG đang đầu cơ nguyên vật liệu và điều này sẽ tăng phần rủi ro khi đầu cơ trong triền xuống của chu kỳ. Như vậy có khả năng HSG sẽ lỗ kép trong thời gian tới từ việc đầu cơ nguyên vật liệu và gánh nặng chi phí lãi vay lớn.
Đa phần các doanh nghiệp bền vững trên sàn đều có một cơ cấu tài chính cân đối. Nhà đầu tư nên sàng lọc các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính bền vững, có thể ứng phó chủ động trong trường hợp tình hình kinh doanh đảo chiều hay lãi suất đảo chiều tăng.
Còn trên các mặt báo, họ chỉ đề cập đến những thuyết âm mưu như dồn đẩy lợi nhuận cho năm sau hay nghiệp vụ mua bán qua trung gian công ty con để giấu lợi nhuận. Nhưng theo quan điểm của tôi, HSG đã có sự thay đổi trọng yếu về Bussiness model và sự sụp đổ này chúng ta đáng ra phải nhận ra từ sớm hơn.
Ngay hôm sau, tôi đã quyết định bán sạch cổ phiếu HSG với mức giá sàn mặc dù tài khoản cũng tung cánh bay đi một nửa. Nhưng dù sao thì thất bại cũng dạy cho tôi 01 bài học chứng khoán đắt giá.
Đúc kết lại, với kinh nghiệm vừa qua, tôi nghĩ rằng các bài học chứng khoán trên thị trường rất khác nhau và có sự đa dạng. Khi bạn có một thương vụ thất bại, hãy ngồi xuống và ngẫm nghĩ thật kĩ về nó. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể tránh được sai phạm và miễn nhiễm từ những lần sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận