BAF gánh nặng nợ vay
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là gánh nặng nợ vay.
Sau 9 tháng đầu năm nay, BAF mới thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 17,7% kế hoạch lợi nhuận 2023.
Tổng nợ của BAF tăng trong giai đoạn 2023-2024 để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động.
Lợi nhuận “hụt hơi”
Không chỉ BAF, bức tranh kinh doanh chung của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trong quý 3/2023 đều khó khăn. Trong quý 3/2023, doanh thu của BAF ghi nhận gần 1.219 tỷ đồng, giảm 36%, và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần đạt 3.625 tỷ đồng, giảm 26% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, BAF đã thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 17,7% kế hoạch lợi nhuận 2023.
Cấu trúc doanh thu của BAF cho thấy doanh thu của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ hai mảng chính là kinh doanh nông sản và chăn nuôi. Trong quý 3/2023, mảng nông sản ghi nhận doanh thu 835 tỷ đồng, giảm 47%, trong khi doanh thu mảng chăn nuôi đạt 341 tỷ đồng. Giá bán của mảng nông sản của BAF bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biến động của thị trường. Đây cũng là mảng có biên lợi nhuận khá mỏng, chỉ 2%.
>>> Chờ hành lang pháp lý để ứng dụng chất thải chăn nuôi vào nông nghiệp hữu cơ
Trước tình hình này, BAF đang định hướng giảm tỷ trọng mảng nông sản để tập trung nguồn lực phát triển mảng chăn nuôi có biên lợi nhuận cao hơn. Theo đó, BAF tăng đàn lợn, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, để mở rộng mảng này, BAF vấp phải giá trị hàng tồn kho lớn. Hiện hàng tồn kho của BAF đã tăng mạnh lên 1.405 tỷ đồng so với gần 882 tỷ đồng ở đầu năm nay. Tồn kho tăng do sản lượng đàn lợn bán ra chưa tương xứng với quy mô đàn, các trang trại mới được đưa vào vận hành và doanh nghiệp vẫn còn một lượng lợn cai sữa nuôi lấy thịt.
53 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu 2023 của BAF, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2022.
Thách thức nợ vay
Tại ngày 30/09/2023, tổng nợ phải trả của BAF hơn 4.790 tỷ đồng, tăng 37,6% so với đầu năm nay, trong đó nợ phải trả ngắn hạn chiếm tới gần 67%. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 1.939 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên tới 2,4 lần.
BAF đang tăng cường vay dài hạn, đạt 1.588 tỷ đồng, gồm vay ngân hàng và 3 khoản vay trái phiếu. Mới đây, lô trái phiếu mã BAFH2225002 của BAF được chấp thuận niêm yết tại HNX. Lô này có khối lượng 3 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng, tương ứng tổng huy động 300 tỷ đồng. Đây là trái phiếu “ba không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không kèm tài sản đảm bảo, được phát hành thông qua đại lý là Chứng khoán An Bình (ABBS). Kỳ hạn trái phiếu là 36 tháng, lãi suất 10.5%/năm, kỳ hạn trả lãi là 6 tháng. Được biết, đây là lô trái phiếu trong đợt chào bán ra công chúng lần 2 của BAF. Với 300 tỷ đồng thu về, Công ty dự kiến sử dụng 225 tỷ đồng để thanh toán chi phí mua hàng.
Trong đầu năm 2023, BAF phát hành trái phiếu cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), với trị giá 900 tỷ đồng để phát triển các trang trại chăn nuôi và di truyền.
VNDirect đã giảm dự phóng doanh thu của BAF trong năm 2023- 2024 xuống 18,0%/17,2% so với báo cáo trước do giảm dự phóng sản lượng bán trong mảng kinh doanh nông sản và mảng 3F. Ngoài ra, tăng dự phóng chi phí lãi vay năm 2023 lên 84,5% và năm 2024 lên 51% do BAF sẽ tiếp tục duy trì vay nợ ở mức cao để đầu tư cho trang trại mới. Do đó, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng của BAF trong năm 2023- 2024 giảm lần lượt 34,4% và 29,7% so với báo cáo trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận