menu
Ba lựa chọn cho ngân hàng đang lung lay First Republic Bank
Đức Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ba lựa chọn cho ngân hàng đang lung lay First Republic Bank

First Republic Bank - một ngân hàng khu vực có trụ sở ở San Francisco, California - đang bị đẩy dần tới bờ vực sụp đổ. Mấy tuần qua, nhà băng này đã trải qua một loạt sóng gió và giờ đây, một số nhà phân tích cho rằng đổ vỡ là điều khó tránh...

“Nguy cơ này đang trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày. Câu hỏi duy nhất thực sự cần câu trả lời là Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ hành động trước cuối tuần này hay vào cuối tuần này như họ vẫn thường làm phần việc của mình”, chuyên gia Don Bilson của công ty Gordon Haskett nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNN trích dẫn.

Hôm thứ Hai, First Republic cho biết tổng lượng tiền gửi tại ngân hàng đã giảm 41% trong quý 1. Tiết lộ “kinh hoàng” này khiến giá cổ phiếu First Republic “bốc hơi” hơn 49% trong phiên ngày thứ Ba và trượt thêm gần 30% trong phiên ngày thứ Tư. Cổ phiếu này bị tạm ngừng giao dịch ở nhiều thời điểm trong hai phiên giao dịch vừa qua, vì tốc độ giảm quá mạnh đã gây ra sự gián đoạn ở Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Trong cuộc điện đàm với các nhà phân tích về kết quả kinh doanh quý 1 vào hôm thứ Hai, First Republic cho biết đang rà soát các lựa chọn chiến lược - cách nói thường dùng ở Phố Wall về việc một doanh nghiệp đang tìm kiếm sự giải cứu. First Republic nhấn mạnh rằng ngân hàng “đang hành động để củng cố hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu bảng cân đối kế toán”.

Trong một cuộc trao đổi với CNN, Giám đốc phụ trách nghiên cứu đầu tư cổ phần tư nhân của công ty Wedbush Securities, ông David Chiaverini, cho rằng First Republic chỉ có ba lựa chọn khả thi ở thời điểm này:

LỰA CHỌN 1: GIỮ NGUYÊN TRẠNG

Một lựa chọn cho First Republic là giữ nguyên trạng và “cố gắng duy trì vị thế của một công ty độc lập”. Điều này đồng nghĩa với việc chờ đợi cho tới khi các chứng khoán và khoản vay trong danh mục của ngân hàng đáo hạn. “Đó sẽ là một chặng đường dài, nhưng họ có một lượng thanh khoản nhất định để duy trì”, ông Chiaverini nói.

Trong cuộc điện đàm vào hôm thứ Hai, CEO Michael Roffler của First Republic trấn an nhà đầu tư rằng ngân hàng có đủ thanh khoản để làm được việc này. Ông nói First Republic có lượng thanh khoản nhiều gấp đôi so với lượng tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm (không bao gồm số 30 tỷ USD tiền gửi mà nhóm 12 ngân hàng lớn bơm cho First Republic hồi tháng 3).

LỰA CHỌN 2: KÊU GỌI CÁC NGÂN HÀNG LỚN GIẢI CỨU

Lựa chọn thứ hai cho First Republic, theo ông Chiaverini, là bán lại một phần số khoản vay và chứng khoán ở mức giá đã mua. Đổi lại, bên mua sẽ nhận được lợi ích là cổ phần ưu đãi trong First Republic. Nhưng vị chuyên gia cho rằng đây là một việc khó, vì mức giá mà First Republic đã mua những tài sản đó có thể cao hơn so với thị giá ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, giá trái phiếu First Republic đáo hạn vào năm 2046 hiện đang giao dịch ở mức giá chỉ 0,43 USD/1 USD mệnh giá.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn cũng bị đặt vào thế khó. Nếu First Republic sụp đổ, FDIC có thể sẽ tìm cách tránh rủi ro hệ thống và cung cấp bảo hiểm cho tất cả tiền gửi, bao gồm cả những khoản tiền gửi vượt ngưỡng bảo hiểm thông thường. Một động thái như vậy sẽ rất tốn kém và chủ yếu sẽ là tiền mà các ngân hàng lớn phải bỏ ra, có thể khiến các “đại gia” này tiêu tốn hàng chục tỷ USD. Đó là chưa kể 30 tỷ USD tiền gửi mang tính chất giải cứu mà nhóm 12 ngân hàng lớn dẫn đầu là JPMorgan Chase bơm cho First Republic vào tháng trước. Đầu tháng 3, JPMorgan cũng cấp cho First Republic một hạn ngạch tín dụng 70 tỷ USD.

Về cơ bản, đây là một bài toán lựa chọn đối với các ngân hàng lớn: chi vài tỷ USD bây giờ hoặc phải chi thêm vài tỷ USD nữa sau này.

Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu First Republic đang bấu víu vào hy vọng rằng “một gói giải cứu từ các ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ để lại chút gì đó cho cổ đông”, ông Bilson nhận định. “Chúng tôi cho rằng đây không phải là giải pháp xa vời, nhưng khó có chuyện các ngân hàng lớn chấp nhận mua trái phiếu và chứng khoán của First Republic với giá cao hơn giá thị trường”.

Hoặc một hoặc một nhóm nhà đầu tư cổ phần tư nhân nào đó có thể vào cuộc, mua lại First Republic. “Có khả năng họ sẽ mua lại ngân hàng đang ngấp nghé đổ vỡ. Những nhà đầu tư này sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trong khi các ngân hàng lớn không hào hứng với việc mua lại cổ phần ưu đãi trong ngân hàng khác”, ông Chiaverini nhận định.

Hôm thứ Ba, hãng tin Bloomberg đưa tin First Republic đang cân nhắc bán lại tới 100 tỷ USD chứng khoán và các khoản vay nhằm cân đối sổ sách. Một số nguồn tin khác nói First Republic đang cân nhắc đề nghị các ngân hàng lớn hỗ trợ.

LỰA CHỌN 3: ĐỂ CƠ QUAN CHỨC NĂNG TIẾP QUẢN

Nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư là First Republic được tiếp quản bởi cơ quan chức năng, theo ông Chiaverini. Khi một ngân hàng có nguy cơ sụp đổ được cơ quan chức năng tiếp quản, nhà chức trách sẽ giành quyết kiểm soát toàn bộ tài sản của ngân hàng đó, với mục tiêu thương là thanh lý tài sản để hoàn tiền cho các chủ nợ của ngân hàng. Sự tiếp quản đó có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho khách hàng, cổ đông và nhân viên của ngân hàng đó cũng như đối với hệ thống tài chính.

Đây là lựa chọn tồi tệ nhất đối với cổ đông của First Republic Bank vì họ sẽ mất trắng - theo ông Chiaverini.

Đó là điều đã xảy ra đối với SVB vào hôm 10/3, khi Cơ quan Bảo vệ tài chính và sáng tạo California đóng cửa ngân hàng này. Tiếp đó, Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York đóng cửa Signature Bank vào hôm 12/3. Cả hai ngân hàng này đều được FDIC tiếp quản, sau đó FDIC bán lại cả hai ngân hàng với mức giá rẻ.

Dù toàn bộ tiền gửi của khách hàng được đảm bảo, cổ đông của SBC và Signature đều mất trắng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ rằng ông không quan tâm đến bảo vệ nhà đầu tư. “Nhà đầu tư chủ động chấp nhận rủi ro và khi rủi ro trở thành hiện thực, họ mất tiền. Đó là quy luật của chủ nghĩa tư bản”, ông Biden nói.

Trong khi đó, theo tin từ Bloomberg, FDIC đang cân nhắc hạ mức đánh giá tài chính của First Republic. Mức đánh giá thấp hơn sẽ cản trở khả năng của First Republic trong việc tiếp cận chương trình cho vay qua đêm của Fed và một chương trình cho vay khẩn cấp được thiết lập sau vụ sụp đổ của SVB.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của công ty RSM US nói với CNN rằng “xét cho cùng, trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng, ngân hàng trung ương mới là ‘trùm cuối’”.

Giới chức Fed có thể đáng lo ngại rằng tài sản thế chấp của First Republic không còn đủ để vay tiền và sẽ sớm buộc ngân hàng này phải tiến hành đóng cửa một cách có trật tự. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể sẽ làm việc với các đối tác tư nhân đang có ý định đi đến một thoả thuận nào đó với First Republic - theo ông Brusuelas.

RỦI RO LIỆU CÓ LAN RỘNG?

Sau SVB và Signature, First Republic giờ đây đang là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng ngân hàng có nguy cơ trỗi dậy ở Mỹ. Nhà đầu tư lo ngại rằng những gì có thể xảy đến ở First Republic sẽ báo hiệu thêm những sóng gió mới trong hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, ông Chiaverini nói rằng vấn đề của First Republic là cá biệt vì ngnaa hàng này có mức độ dễ tổn thương rất cao trước các vấn đề thanh khoản. Khi khủng hoảng ngân hàng bùng lên, khoảng 2/3 số tiền gửi trong First Republic là tiền gửi không thuộc diện được FDIC bảo hiểm. Tỷ lệ này thấp hơn mức 94% ở FDIC, nhưng vào thời điểm cuối năm ngoái, First Republic có tỷ lệ cao bất thường 111% của các khoản vay và đầu tư dài hạn so với tiền gửi, theo S&P Global. Điều này có nghĩa là First Republic đã cho vay và đầu tư nhiều hơn so với lượng tiền gửi nhận được.

Và nhà đầu tư có vẻ không quá lo ngại về sự lây lan rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, cổ phiếu quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF chuyên cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng 0,6%. Cổ phiếu ngân hàng Western Alliance Bancorp đi ngang trong khi cổ phiếu một nhà băng khu vực khác là PacWest tăng 7,5%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả